Giáo dục - Nghề nghiệp
Vĩnh Phúc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp cho 27.790 người
11:35 AM 04/04/2022
(LĐXH)- Năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tuyển sinh, đào tạo giáo dục nghề nghiệp cho 27.790 người; trong đó, trình độ cao đẳng 1.530 người (Chương trình chất lượng cao 150 người), trình độ trung cấp 5.230 người, trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng 21.000 người.
Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Cơ cấu lao động của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực: khu vực nông - lâm nghiệp là 23,68%, công nghiệp - xây dựng là 44,92%, du lịch - dịch vụ là 31,4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 33,3%. Hiện tỉnh Vĩnh Phúc có 18 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục quy hoạch với quy mô 5.228 ha, đã có 09 khu công nghiệp được thành lập và cấp GCNĐT/GCNĐKĐT.

Sinh viên tham gia học chương trình đào tạo chất lượng cao tại Trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp (xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc)

Đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc có 13.193 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế khoảng 9.430 doanh nghiệp, trong đó có 415 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tổng số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 218.619  người, trong đó lao động làm việc trong các khu công nghiệp 111.451 người, ngoài các khu công nghiệp, 107.168 người. Trên địa bàn tỉnh hiện có 36 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 07 trường cao đẳng, 03 trường trung cấp, 20 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 06 cơ sở khác.
Trong năm 2021, toàn tỉnh đã tuyển mới giáo dục nghề nghiệp được 29.512 người, trong đó, trình độ cao đẳng 1.816 người, trung cấp 4.717 người, trình độ sơ cấp 22.451 người. Tổng số học sinh, sinh viên tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp là 23.378 người, gồm: trình độ cao đẳng 1.006 người, trung cấp  4.147 người, trình độ sơ cấp 18.225 người. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh từ 76,1% năm 2020 lên 77,6% năm 2021 (trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 34,7%).
Nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngày 31/3, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Kế hoạch giáo dục nghề nghiệp năm 2022. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu tuyển sinh, đào tạo giáo dục nghề nghiệp cho 27.790 người; trong đó, trình độ cao đẳng 1.530 người (Chương trình chất lượng cao 150 người), trình độ trung cấp 5.230 người, trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng 21.000 người. Phấn đấu đến hết năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 79%, trong đó lao động qua đào tạo có cấp bằng, chứng chỉ đạt 36%.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, trong năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách hỗ trợ học trình độ cao đẳng, trung cấp và học chương trình chất lượng cao; chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng; chính sách hỗ trợ cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số, người chấp hành xong án phạt tù cho người lao động.
Chỉnh sửa, bổ sung hoàn chỉnh chương trình, giáo trình đào tạo các ngành, nghề đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng đáp ứng chất lượng đầu ra; yêu cầu, vị trí việc làm của đơn vị sử dụng lao động. Xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình, giáo trình đào tạo của các ngành, nghề đào tạo mới, đào tạo chất lượng cao theo nhu cầu, yêu cầu thực tế sử dụng lao động của xã hội. Đặc biệt là nhu cầu, yêu cầu sử dụng nguồn nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp phục vụ chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của cả nước.

Năm 2022, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tuyển sinh, đào tạo giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp 5.230 người

Tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc phục vụ đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; trên cơ sở đó, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất; mua sắm, sửa chữa trang thiết bị, máy móc phục vụ đào tạo, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề, ngành nghề trọng điểm, ngành nghề chất lượng cao.
Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ định kỳ, hàng năm cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp các cấp (tỉnh, huyện), đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nâng cao năng lực quản lý, thực hiện đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của tỉnh trong thời gian tới. Đồng thời, phối hợp với cơ sở đủ điều kiện để tổ chức bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho đội ngũ giáo viên, giảng viên theo chuẩn ASEAN hoặc quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đại trà cũng như đào tạo chất lượng cao.
Năm 2022, Vĩnh Phúc cũng sẽ tăng cường khảo sát nhu cầu của người học tại các xã, phường, thị trấn; tuyên truyền, tư vấn những ngành nghề phù hợp và thiết thực gắn với cuộc sống, công việc của lao động nông thôn. Các trường cao đẳng, trung cấp tập trung công tác tuyên truyền, tư vấn, giáo dục định hướng nghề nghiệp, phối hợp phân luồng học sinh THCS tham gia học nghề. Chú trọng tuyển sinh trình độ cao đẳng, chương trình chất lượng cao để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động liên kết, phối hợp với doanh nghiệp trong công tác tuyển sinh, đào tạo, giải quyết việc làm sau đào tạo; liên kết với các trường đại học, trường cao đẳng chất lượng cao trong nước để tổ chức tuyển sinh, đào tạo các ngành, nghề, trình độ đào tạo theo nhu cầu xã hội; các ngành, nghề mà các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động. Đồng thời, tăng cường vai trò của Trung tâm Dịch vụ việc làm trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, chủ động phối hợp với các sở ngành, doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động...

Chí Tâm