Pháp luật
Vĩnh Phúc phổ biến pháp luật lao động trong các loại hình doanh nghiệp
07:36 AM 01/10/2021
(LĐXH)- Nhiều năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, tác động tích cực đến chuyển biến nhận thức và chấp hành pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động.
Vĩnh Phúc nằm trong vùng kinh tế trọng điểm bắc Bộ, cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, gần sân bay Quốc tế Nội Bài, là cầu nối giữa các tỉnh phía tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng châu thổ Sông Hồng. Do vậy, tỉnh có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực và quốc gia.
Sau hơn 20 năm tái thành lập tỉnh, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và đáng tự hào. Từ một địa phương thuần nông trở thành tỉnh có kinh tế phát triển cao, với mức tăng trưởng bình quân đạt 7,1%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp (công nghiệp - xây dựng 61,59%, dịch vụ 30,26%, nông lâm nghiệp thủy sản 8,15%). Đến nay, Vĩnh Phúc là 1 trong 16 tỉnh, thành phố ở miền Bắc có tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương lớn nhất, lên đến 47% (chỉ đứng sau Hà Nội).
Đặc biệt, trong phát triển công nghiệp, Vĩnh Phúc đã đưa ra những giải pháp phát triển mang tính đột phá. Từ 01 Khu công nghiệp những năm đầu tái lập tỉnh, đến nay Vĩnh Phúc đã hình thành được 19 Khu công nghiệp, với tổng diện tích 5.487,31ha. Trong đó, nhiều tập đoàn lớn đã đến đầu tư tại Vĩnh Phúc nhờ môi trường đầu tư, kinh doanh thường xuyên được cải thiện; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có thứ hạng cao.

Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho công nhân lao động thuộc Công ty TNHH điện tử Onxin Việt Nam (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc)

Trên địa bàn tỉnh có 6.578 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng 218.940 lao động, gồm: 385 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng 138.765 lao động; 6.183 doanh nghiệp ngoài Nhà nước, sử dụng 78.240 lao động và 10 doanh nghiệp Nhà nước sử dụng 1.935 lao động.
Số lượng các doanh nghiệp tăng nhanh, cùng với đó là sự phát triển của đội ngũ công nhân lao động đã thúc đẩy hoạt động kinh tế trên địa bàn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động. Đến nay, thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động trong các doanh nghiệp là 9,225 triệu đồng/tháng.
Những năm qua, để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp. Nhờ đó, đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức cũng như ý thức tuân thủ pháp luật của các bên trong quan hệ lao động.
Theo báo cáo ngày 29/9/2021 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đến nay, 100% người sử dụng lao động, 95% người lao động của doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động; 100% người sử dụng lao động, 80% người lao động của hợp tác xã hoạt động theo mô hình doanh nghiệp được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, quyền, nghĩa vụ công dân và người lao động.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng có 100% người sử dụng lao động, 75% người lao động của doanh nghiệp trong khu công nghiệp được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, quyền, nghĩa vụ công dân và người lao động; 100% người sử dụng lao động của doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động tại doanh nghiệp được các đơn vị chủ trì hỗ trợ thực hiện tuyên truyền pháp luật lao động phù hợp với từng lĩnh vực, như: hợp đồng lao động, tiền lương, chính sách đối với lao động nữ, kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất, giải quyết tranh chấp lao động…
Cụ thể, trong giai đoạn 2017 - 2021, các đơn vị liên quan của tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức 247 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp cho 31.765 lượt người lao động, người sử dụng lao động và 3.200 lượt hợp tác xã; mở 38 lớp tập huấn cho 6.941 người lao động của các doanh nghiệp và 06 lớp tập huấn cho 1.230 lượt cán bộ nhân sự, cán bộ BHXH của doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc còn tổ chức các Chương trình gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp và công nhân lao động trên địa bàn xung quanh các vấn đề có liên quan đến: chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động; hướng giải quyết việc tình trạng nợ đọng, trốn đóng, chiếm dụng tiền BHXH, BHYT, BHTN của người lao động; giải pháp hỗ trợ giá tiền điện, cung cấp nước sạch cho công nhân ở trọ, xử lý giác thải tại các khu công nghiệp, nâng cao chất lượng bữa ăn ca, hỗ trợ công nhân mua nhà thu nhập thấp, mở rộng, xây dựng thiết chế công đoàn, Nhà văn hóa công nhân, trường học cho con em công nhân; quan tâm, tạo điều kiện, tăng số lượng, nâng cấp chất lượng phương tiện công cộng đi lại của công nhân đến các khu công nghiệp và nhiều vấn đề khác có liên quan đến đời sống, việc làm của công nhân lao động.
Ngoài ra, việc tổ chức gặp gỡ đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp 02 lần/năm, duy trì Chương trình gặp gỡ doanh nhân hàng tuần đã kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn trong sản xuất , kinh doanh, thực hiện các quy định của pháp luật cho doanh nghiệp, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp phát triển.
Đến nay, nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động của người sử dụng lao động owr Vĩnh Phúc đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Ý thức tìm hiểu pháp luật và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình cũng như ý thức chấp hành nội quy, quy chế, kỷ luật lao động của người lao động được nâng lên và có những chuyển biến tích cực.

Chí Tâm