Giáo dục - Nghề nghiệp
Vĩnh Phúc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có tay nghề
08:20 AM 23/09/2021
(LĐXH)- Những năm qua, công tác đào tạo nghề (nay là giáo dục nghề nghiệp), phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có tay nghề đã được tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Việc tập trung triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân đã tạo bước chuyển mạnh mẽ về chất lượng đào tạo và cơ cấu ngành nghề, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp và thị trường lao động. Qua đó, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo và chỉ số đào tạo lao động PCI, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư tại Vĩnh Phúc; giữ vững ổn định và trật tự xã hội, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người lao động.
Chỉ tính trong 5 năm trở lại đây, Vĩnh Phúc đã uyển mới được 142.226 người; trong đó, trình độ cao đẳng 5.764 người, trung cấp 26.878 người, trình độ sơ cấp 109.584 người. Qua đó, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 74,2% năm 2019 lên 76,1% năm 2020, trong đó tỷ lệ lao động được cấp chứng chỉ đạt 33,4%.
Bên cạnh đó, việc đào tạo thí điểm theo chương trình chuyển giao (chương trình của Úc, CHLB Đức và Pháp), Vĩnh Phúc tham gia đào tạo ở 05 nghề: Điện tử Công nghiệp 86 sinh viên; Công nghệ ô tô 38 sinh viên; cắt gọt kim loại 36 sinh viên; Điện công nghiệp 20 sinh viên, Hàn 34 sinh viên. Ngoài ra, tỉnh cũng có 236 sinh viên tham gia đào tạo chương trình chất lượng cao.

Chương đào tạo chất lượng cao chuyển giao của CHLB Đức tại Trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc)

Cùng với đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cũng được Vĩnh Phúc quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại; thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN một cách cụ thể theo ngành, nghề, theo vùng, trong đó có quy hoạch các trường chất lượng cao. Trong 5 năm, Vĩnh Phúc đã đầu tư thiết bị đào tạo cho các cơ sở GDNN thuộc tỉnh là 176,451 tỷ đồng đồng (ngân sách Trung ương hỗ trợ 44 tỷ đồng, nguồn kinh phí địa phương 132,451 tỷ đồng)…
Có thể thấy, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên cho phát triển nguồn nhân lực, nhiều giải pháp phát triển nguồn nhân lực đã được triển khai đồng bộ tạo bước đột phá đáng kể về chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, đặc biệt là nguồn nhân lực có kỹ năng nghề. Bên cạnh đó, mạng lưới các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tương đối đa dạng về loại hình, trình độ, ngành nghề đào tạo. Công tác tuyển sinh, đào tạo sơ cấp, trung cấp, cao đẳng thực hiện linh hoạt với nhiều hình thức phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động. Đội ngũ nhà giáo phát triển cả về số lượng và chất lượng từng bước được chuẩn hóa.
Thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo và hiệu quả của GDNN; phát triển hệ thống GDNN với nhiều phương thức và trình độ đào tạo, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng tăng cường thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho thị trường lao động; góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực có cơ cấu trình độ, ngành nghề phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để đạt được những mục tiêu này, mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 241/KH-UBND ngày 17/9/2021 về đào tạo nghề giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2025, tuyển sinh, đào tạo nghề cho 285.166 người; trong đó, trình độ cao đẳng 31.464 người, trung cấp 87.767 người, sơ cấp 163.846 người, đào tạo chương trình chất lượng cao 2.089 người. Bình quân mỗi năm tuyển sinh, đào tạo trên 57.000 người, trong đó tuyển mới khoảng 25.000 người.
Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 82%, trong đó lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 40%. Cụ thể, trong năm 2021, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 77,2%, lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 34,8%; năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78,4%, lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 36,1%; năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 79.6%, lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 37.4%; năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80,8%, lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 38,7% và năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 82%, lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 40%.
Đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 42% học sinh tốt nghiệp THCS và ít nhất 50% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học GDNN.

Chỉ số đào tạo lao động PCI ở Vĩnh Phúc được nâng lên qua từng năm

Nhiệm vụ và giải pháp mà tỉnh Vĩnh Phúc đề ra là tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đổi mới phương pháp quản lý; nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý nhà nước về đào tạo.
Tỉnh tiếp tục hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDNN. Phát triển hệ thống GDNN theo hướng tăng quy mô và nâng cao chất lượng, tập trung đào tạo chương trình chất lượng cao chú trọng các ngành nghề kinh tế mũi nhọn, các lĩnh vực quan trọng của tỉnh. Đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường huy động nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp, từ các nhà đầu tư khác để tăng nhanh số lao động qua đào tạo ở các cấp trình độ. Đồng thời, xây dựng các chương trình phối hợp gắn kết giữa cơ sở GDNN với các doanh nghiệp trong công tác đào tạo và tuyển dụng lao động sau đào tạo; tổ chức đào tạo, đào tạo lại hoặc bổ sung kiến thức, nâng cao kỹ năng tay nghề cho người lao động tại doanh nghiệp.
Theo kế hoạch, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc chủ trì, phối hợp các Sở, Ban, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố rà soát, bổ sung danh mục và định mức chi phí các nghề trình độ sơ cấp theo nhu cầu thực tế; tổng hợp nhu cầu đào tạo và sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các địa phương. Phối hợp các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về đào tạo nghề, giải quyết việc làm...

Minh Anh