Thời sự
Việt Nam với các Hiệp định thương mại tự do: Cơ hội và thách thức
03:54 PM 04/07/2018
(LĐXH) - Nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững, sáng ngày 4/7/2018 tại Hà Nội, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (“VBF”) giữa kỳ năm 2018 đã chính thức được khai mạc dưới sự góp mặt của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu và các nước Hoa Kỳ, Anh Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; Tổ chức tài chính quốc tế... cùng các nhóm diễn giả trong và ngoài nước.
Đây được coi là cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Quang cảnh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (“VBF”) giữa kỳ năm 2018
Sau 20 năm triển khai sáng kiến Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam kể từ hội nghị tư vấn các nhà tài trợ năm 1997 tại Tokyo, Diễn đàn VBF đã trở thành một kênh đối thoại chính sách thường xuyên và hiệu quả giữa chính phủ và cộng đồng trong và ngoài nước, với mục đích xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư tư nhân và thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam. Diễn đàn VBF là nơi trao đổi, chia sẻ, lắng nghe những ý tưởng, quan điểm và ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, xuất phát từ thực tiễn và chủ trương, định hướng của nhà nước. Các nhóm công tác của VBF, các chuyên gia pháp luật trên nhiều lĩnh vực, chuyên ngành đã đóng góp quan trọng cho Việt Nam từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiệm cận với các thông lệ quốc tế, tăng tính minh bạch, dễ dự đoán, bình đẳng, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, đem lại làn gió mới cho việc mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhờ những nỗ lực của cả hai phía, chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, môi trường đầu tư ở Việt Nam ngày càng được cải thiện. 
Năm 2017, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam Thường niên 2017 diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt: Việt Nam vừa tổ chức thành công tuần lễ cấp cao APEC, 30 năm Việt Nam mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, kỷ niệm 20 năm thành lập VBF. Trong 20 năm qua, với gần 40 kì đối thoại, hàng ngàn lượt kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đã được Chính phủ ghi nhận, tiếp thu và thực hiện. Những cam kết, định hướng và gợi mở của Thủ tướng chính phủ và các cơ quan chính phủ tại diễn đàn cũng tạo cho Doanh nghiệp thêm tin tưởng vào chính sách và môi trường kinh doanh ở Việt Nam. 
Phát biểu tại Diễn đàn, Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Thời gian qua, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc. Nhiều nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, Chính phủ đã ra đời, trong đó, Chính phủ đã đề ra những mục tiêu, cải cách quan trọng như không thanh tra kiểm tra chồng chéo, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự, thực hiện chính phủ điện tử, cắt giảm tối thiểu 30-50% các thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh hiện hành, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 3 nền kinh tế có chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh thuận lợi hàng đầu trong ASEAN ... Kết quả từ những tác động tích cực đó là Việt Nam đã cải thiện thứ hạng trong các bảng xếp hạng của WBG, WEF, tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới, trên 120 000 doanh nghiệp đăng ký thành lập v.v… 
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại diễn đàn
Tuy nhiên, chặng đường cải cách môi trường kinh doanh ở Việt Nam vẫn còn rất gian nan. Gần 60% doanh nghiệp vẫn trong tình trạng kinh doanh không có lãi. Trong 11 tháng đầu năm 2017, vẫn có tới 65 000 doanh nghiệp buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động, khoảng cách về chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam so với 3 nền kinh tế dẫn đầu ASEAN vẫn còn xa. Nhiều loại chi phí kinh doanh vẫn còn cao và đang có xu hướng gia tăng, điều kiện kinh doanh còn nhiều cản trở, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu còn phức tạp, chưa được cắt giảm như mong muốn. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn còn lép vế so với các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp FDI về quy mô, nhưng lại phải chịu nhiều thiệt thòi trong tiếp cận đất đai, tín dụng, cũng như mức lãi xuất hợp lý. Mức lương tối thiểu tăng nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động trong nhiều năm qua đã kéo theo gánh nặng đóng mức bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phí công đoàn và các khoản phí bắt buộc khác. Mặc dù Việt Nam là quốc gia có quy mô xuất khẩu lớn nhưng chi phí logistic của VN lại cao và kém cạnh tranh so với nhiều nước. 
Từ thực trạng nêu trên, Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh: Chính phủ và các bộ ngành địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa tốc độ cải cách, cắt giảm mạnh hơn, minh bạch hơn nữa các thủ tục hành chính. Cần nghiên cứu và ban hành các cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy sự gắn kết giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp tư nhân trong nước trong các lĩnh vực như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, hình thành các chuỗi giá trị, góp phần tạo ra các động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và thực hiện quốc tế hóa được khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa – những chủ nhân đầy năng động của nền kinh tế số và đó phải là một đường lối chính sách quan trọng bậc nhất của nền kinh tế nước ta trong thời gian tới. Đồng thời, cần đảm bảo tốc độ tăng lương tối thiểu không tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng năng suất lao động trong các năm tới. Từ đó giúp cho các doanh nghiệp giảm chi phí, tăng tích lũy đầu tư tạo việc làm cho người lao động. Điều này rất quan trọng khi mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất thiếu vốn nhưng lại khó tiếp cận đất đai, tín dụng ngân hàng và lãi suất hợp lý
Đại diện Bộ Lao động - TBXH do Thứ trưởng Lê Quân tham dự Diễn đàn
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, diễn biến nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cùng với bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với nhiều hiệp định tự do, quy mô lớn, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, đã đặt Việt Nam trước nhiều cơ hội và thách thức mới. Việc mở rộng thị trường từ các hiệp định thương mại tự do và tiếp cận thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ tạo ra môi trường và công cụ đắc lực, giúp Việt Nam có cơ hội tham gia hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. 
Trong bối cảnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các nghị quyết quan trọng như Nghị quyết 01 về giải pháp điều hành các vấn đề kinh tế xã hội, Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia … Gần đây nhất là Nghị quyết 98 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa 12 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ tham mưu, đề xuất bãi bỏ các quy định bất hợp lý, giảm tối đa các rào cản, giảm rủi ro, xóa bỏ phân biệt đối xử trong đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp. 
Với chủ đề VBF - 20 năm đồng hành cùng doanh nghiệp và hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội 2020, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tập trung đi sâu, phân tích, đánh giá về môi trường kinh tế xã hội, môi trường kinh doanh của Việt Nam trong những năm qua, những tác động trong điều hành kinh tế vĩ mô và những nỗ lực cải cách của Chính phủ,vai trò của cộng đồng doanh nghiệp với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam đến năm 2020.

Hà Giang