Kinh tế
Việt Nam mỗi năm có khoảng 40 ngàn người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá
04:21 PM 26/11/2022
(LĐXH) - “Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Theo tổ chức WHO dự báo đến năm 2030 sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện”. Đây là một trong số những thông tin được đưa ra tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về thực trạng, thách thức trong phòng, chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức trong sáng 25/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông  Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có Ths. Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông; bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế; Ths.Bs. Nguyễn Tuấn Lâm - Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam; Ths. Đào Thế Sơn, cùng đại diện các cơ quan báo đài trên địa bàn Thành phố…

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hồ Hồng Hải cho biết, thuốc lá rất có hại có sức khỏe, theo Tổ chức Y tế thế giới thống kê tỷ lệ tử vong do thuốc lá gần 8 triệu người, có thêm 1 triệu người tử vong do thuốc lá thụ động. Ở Việt Nam, cứ 7 người thì có 1 người tử vong do thuốc lá gây ra.

Chi phí cho thuốc lá ở Việt Nam ước  tính khoảng 49 ngàn tỷ đồng năm (chiếm 1% GDP), con số bỏ ra rất lớn. Việt Nam là một nước có người sử dụng thuốc lá đứng thứ 15 trên thế giới, xu thế sử dụng thuốc lá ngày càng gia tăng, người sử dụng thuốc lá trong giới trẻ rất nhanh, hình thức sử dụng thuốc lá mới như thuốc lá điện tử ngày càng phổ biến.

Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về thực trạng, thách thức trong phòng, chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức trong sáng 25/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Hồ Hồng Hải cũng cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều biện pháp, chính sách để hạn chế sử dụng thuốc lá, trong đó có chính sách về thuế, về truyền thông để người sử dụng thuốc lá ngày càng hiểu về tác hại của thuốc lá gây ra, đồng thời cần nâng cao hơn nữa hiểu biết của người dân để công tác phòng chống ngày càng hiệu quả hơn. Ngoài ra, từ năm 2013 đến 2020, việc ban hành các văn bản hướng dẫn luật phòng chống tác hại thuốc lá được triển khai khá đầy đủ.

Theo TS. TS Angela Pratt, Trưởng đại diện VP WHO tại Việt Nam, chia sẻ: Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc kiểm soát thuốc lá trong những năm gần đây. Tỷ lệ hút thuốc ở cả người trưởng thành và thanh thiếu niên đang giảm dần. Tuy nhiên cần phải có những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu giảm thiểu việc sử dụng thuốc lá 30% tương đối vào năm 2030 so với tỷ lệ của năm 2015 như đã đề ra trong Chương trình Sức Khỏe Việt Nam.

TS. TS Angela Pratt cũng cho rằng: Một trong những cách hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu này là tăng giá thuốc lá thông qua việc tăng thuế thuốc lá. Giá thuốc lá ở Việt Nam rẻ đến mức khó tin – đồng nghĩa với việc giá cả không phải là rào cản đối với giới trẻ trong việc hình thành thói quen hút thuốc lá. Chúng ta cần thay đổi điều này, và làm cho việc bắt đầu cũng như tiếp tục hút thuốc ở những người trẻ trở nên khó khăn hơn. Tăng thuế thuốc lá sẽ là cách nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất để đạt được điều này.

TS. TS Angela Pratt  cũng đề cập đến những sản phẩm thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá mới khác không an toàn, không có lợi cho sức khỏe mà rất nguy hiểm đối với sức khỏe của thanh thiếu niên. Các bằng chứng hiện có đều chỉ ra rằng tỷ lệ sử dụng đang có xu hướng gia tăng. “WHO khuyến nghị các quốc gia nên làm mọi cách để ngăn chặn thanh thiếu niên sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới. Điều này có nghĩa là chúng tôi đặc biệt khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe của giới trẻ thì không nên thí điểm hoặc hợp pháp hóa các sản phẩm này, để chúng ta có thể tránh việc tạo ra một thế hệ tương lai nghiện các sản phẩm thuốc lá rất có hại này”, Tiến sĩ Angela Pratt khuyến nghị.

 

 Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế)  chia sẻ về thực trạng sử dụng thuốc lá, tác của thuốc lá tại Việt Nam.

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế)  chia sẻ về thực trạng sử dụng thuốc lá, tác của thuốc lá tại Việt Nam. Theo bà Hương, hiện nay tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. WHO dự báo đến năm 2030 sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện.

Bên cạnh đó, có 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi… Đây đều là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Trong đó, theo nghiên cứu của Bệnh viện K, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%; số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỉ lệ sử dụng thuốc lá cao.

Còn chia sẻ về tác hại của thuốc lá thế hệ mới đến sức khỏe, Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm ( Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, thuốc lá thế hệ mới chứa nhiều chất độc như thuốc lá truyền thống.

“Đã có nhiều ảnh báo về tác hại của nicotine. Trong đó, nicotine ảnh hưởng xấu tới sự phát triển não trẻ em và vị thành niên. Sử dụng nicotine ở tuổi thiếu niên gây hại cho các phần của não kiểm soát sự chú ý, học tập, tâm trạng; nicotine thay đổi làm ảnh hưởng xấu tới quá trình các khớp thần kinh được hình thành, các khớp này cần thiết cho bộ nhớ của não; sử dụng nicotine ở tuổi vị thành niên cũng có thể làm tăng nguy cơ gây nghiện các chấy gây nghiện khác trong tương lai…”, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm nhấn mạnh.

Thạc sĩ Đào Thế Sơn – Trường Đại học Thương mại thông tin về thách thức trong kiểm soát thuốc lá bằng công công cụi tài chính ở Việt Nam.

Tại Hội thảo, Thạc sĩ Đào Thế Sơn – Trường Đại học Thương mại thông tin về thách thức trong kiểm soát thuốc lá bằng công công cụi tài chính ở Việt Nam. Theo đó, việc áp dụng mức thuế là biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất. Vì thanh niên và người nghèo là đối tượng đáp ứng tốt nhất với thay đổi về giá thuốc lá. Theo Who giá tắng 10% giảm tiêu thụ như: 4% ở các nước thu nhập cao, 5% ở các nước thu nhập thấp hoặc trung bình; khoảng nửa là bỏ/không bắt đầu hút thuốc và hiệu quả về lâu dài có thể lớn hơn. Theo báo cáo đánh giá, ở Việt Nam có lộ trình tăng thuế thuốc lá chậm, đồng thời các mức tăng cũng không đủ lớn để giảm mức tiêu thụ thuộc lá đối với người dung. Điển hình như chi phí/chi trả trung bình cho một bao thuốc lá hầu như không thay đổi sau 10 năm. Cụ thể, giá thuế hầu như không thay đổi đáng kế trong giai đoạn 2010 – 2020 ( mặc dù các lần tăng thuế 2016, 2019). Thị trường sản phẩm quá đa dạng, nhiều loại thuốc rẻ tiền, khiến người mua có thể lựa chọn thay thế để giũ nguyên mức chi phí. Ngoài ra số thu thuế từ thuốc lá tại Việt Nam trong những năm qua không tăng đáng kế sau khi điều chỉnh lạm phát. Giảm trong giai đoạn 2005 – 2008, tăng năm 2009 – 2010 sau đó lại giảm xuống, và tăng luôn dưới 0,5%, Ths. Đào Thế Sơn nhấn mạnh.

Vì vậy, theo Ths. Đào Thế Sơn, mức thuế để đạt được khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới cần áp dụng biện pháp giảm thuế: Áp dụng thuế TTĐB trên cơ sở tính thuế giá bán lẻ 75%; Tỷ lệ thuế TTĐB ( nếu chỉ áp dụng thuế tỷ lệ) đạt 350%; Giữ nguyên mức thuế tỷ lệ 75%/giá xuất xưởng ( hiện tại) và bổ sung thuế tuyệt đối.

Bà Nguyễn Hạnh Nguyên, Tổ chức HealthBridge Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo về kinh nghiệm quốc tế về vai trò của biện pháp tài chính trong kiểm soát thuốc lá

Hiện nay, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam giảm chậm và còn cao. Theo điều tra mô tả thực trạng sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, thành phố của Việt Nam năm 2020, Việt Nam vẫn nằm trong số 15 quốc gia sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới.

Tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá chung năm 2020 chỉ giảm 0,8% so với năm 2015 (21,7% năm 2020 so với 22,5% năm 2015). Trong đó, tỷ lệ nam giới hút thuốc lá là 42,3%, giảm 2% so với năm 2015 (45,3%) và tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá là 1,7%, tăng so với năm 2015 là 1,1%. Đặc biệt, tỷ lệ nam giới trưởng thành hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử là 5,6%, nữ giới trưởng thành sử dụng thuốc lá điện tử là 1%.

Nếu so sánh thô thì chỉ sau 5 năm, tỉ lệ hút thuốc lá điện tử ở Việt Nam đã tăng lên 36,5 lần đối với cả 2 giới và tăng lần lượt trong hai nhóm nam giới và nữ giới là 22,75 và 46 lần.

Ngoài ra, hiện Việt Nam mới có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá điếu do Bộ Y tế ban hành. Các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn của thuốc lá trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá chưa điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Chưa có thông tin về thành phần, các chất có trong thuốc lá mới (trên 18.000 chất và hương liệu), chưa đủ thông tin để xác định thành phần các chất cần kiểm soát trong quy chuẩn kỹ thuật…

Vương Linh