Lao động
Việt Nam cần giảm thiểu khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động
03:49 PM 14/06/2018
(LĐXH) Đó là ý kiến phát biểu của bà Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm tại Hội nghị Phát triển nguồn nhân lực nâng cao kỹ năng và sử dụng lao động, được tổ chức vào sáng ngày 13/6 tại Hà Nội.

Tham dự Hội nghị còn có ông Đàm Hữu Đắc, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ dạy nghề thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, ông Chang - Hee Lee, giám đốc ILO tại Việt Nam, cùng đại diện các sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các Trung tâm dịch vụ việc làm phía Bắc và một số doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Các đại biểu tới dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm

Theo bà Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục việc làm, hiện nay Việt Nam có một nguồn nhân lực vô cùng dồi dào, với dân số xấp xỉ 94 triệu người vào năm 2018, trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 55,16 triệu người, đứng thứ 3 trong cộng đồng ASEAN về tỉ lệ lực lượng lao động, một yếu tố quan trọng trong quá trình cạnh tranh. Tuy nhiên, lực lượng lao động tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế, tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có trình độ tay nghề cao, khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu thị trường lao động còn lớn. Tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đào tạo, giữa các vùng miền vẫn chưa được khắc phục triệt để, chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội.

 

Bà Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm phát biểu tại Hội nghị

Ngoài ra, xu hướng thất nghiệp hiện nay cũng đang dần gia tăng, chủ yếu do chất lượng đào tạo trong các trường Đại học, Cao đẳng chưa cao nên lao động mới tốt nghiệp thường không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp. Đồng thời, sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế, khiến cho cung và cầu trong lao động liên tục thay đổi, trong khi các ngành đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp được xu hướng sử dụng lao động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin thị trường lao động chưa phản ánh khách quan, kịp thời sự biến động của thị trường lao động, chưa đưa ra các dự báo trung và ngắn hạn về thị trường lao động, khiến các hoạt động dịch vụ việc làm cũng chưa thực sự hiệu quả. Một trong những nguyên nhân khác dẫn đến sự chênh lệch giữa đào tạo và sử dụng lao động là do hệ thống thông tin thị trường lao động không khớp với nhu cầu của doanh nghiệp, lao động dù đã qua đào tạo nhưng vừa không phù hợp, lại vừa yếu về kĩ năng nên doanh nghiệp không thể tuyển dụng vào làm.

 
Toàn cảnh hội nghị
Cục trưởng Lê Kim Dung cũng khẳng định rằng phát triển nguồn nhân lực, gắn đào tạo nghề với thị trường lao động, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nhân lực được xem là một trong những giải pháp đột phá thúc đẩy thực hiện chiến lược kinh tế của Việt Nam. Xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là sự hình thành Cộng đồng ASEAN và việc triển khai các cam kết thương mại mới như Hiệp định thương mại với EU và Hiệp định toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đòi hỏi Việt Nam phải chuẩn bị lực lượng lao động để có thể đáp ứng và hưởng lợi từ các cam kết này.
Ông Chang - Hee Lee, giám đốc ILO tại Việt Nam cũng đồng quan điểm về vấn đề thiếu hụt nhân lực có tay nghề cao và khoảng cách giữa đào tạo lao động và nhu cầu tuyển dụng thực tế hiện nay tại Việt Nam. Cần phải có một lực lượng lao động chất lượng cao, được đào tạo một cách bài bản và phù hợp với nhu cầu thực tiễn để thích ứng với những thay đổi và thách thức của thị trường lao động trong nước cũng như quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 như hiện nay. Đó là chìa khóa tạo nên năng suất lao động cao hơn, thay đổi chất lượng cuộc sống và đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước trong tương lai. Ông cũng cho rằng cần có sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ, ngành trong việc quản lý và phát triển nguồn nhân lực, bao gồm Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội (Cục Việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp,....), Bộ Giáo dục, các Trung tâm đào tạo dạy nghề,.... nhằm thảo luận, trao đổi và đưa ra các giải pháp tháo gỡ hợp lý và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam trong thời gian tới.
 

Ông Chang - Hee Lee, Giám đốc ILO tại Việt Nam đưa ra chia sẻ tại Hội nghị

Tại Hội nghị, ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ dạy nghề thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đã đưa ra phân tích về vấn đề đào tạo nghề theo nhu cầu doanh nghiệp, ngoài những thành tựu đạt được vẫn còn tồn tại khá nhiều hạn chế, tổng thể đào tạo nghề chưa đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu của doanh nghiệp cả về quy mô, chất lượng và chất lượng đào tạo. Quy mô đào tạo còn nhỏ, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chưa phù hợp với nhu cầu nhân lực của từng ngành, của từng địa phương; mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động còn lỏng lẻo; sinh viên, học sinh tốt nghiệp còn yếu kém về ngoại ngữ, các kĩ năng mềm, khả năng làm việc theo nhóm... Bên cạnh đó, năng lực của cán bộ quản lý, nhà giáo trong nhiều trường, trung tâm rất bất cập, không tổ chức triển khai được hệ thống đào tạo mở, theo yêu cầu của người học, nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường lao động. Không chỉ vậy, bản thân các doanh nghiệp cũng không mấy mặn mà trong việc đào tạo nghề cho lao động. Các doanh nghiệp tự thực hiện đào tạo nghề cho lao động hơn là hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó hình thức tiếp nhận học viên thực tập tại doanh nghiệp và cử lao động trong doanh nghiệp đi học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thực hiện nhiều nhất, nhưng cũng chỉ có 5% doanh nghiệp thực hiện.

Ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp phân tích thực trạng việc đào tạo nghề theo nhu cầu doanh nghiệp hiện nay

Ông cho biết, để đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo, nhất là nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp trong nước và các đối tác nước ngoài về số lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ và chất lượng, trước hết phải nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; đồng thời phải thu hút doanh nghiệp tham gia thực sự vào phát triển nhân lực; đẩy mạnh gắn kết các cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, mở rộng các hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, thể chế hóa trách nhiệm của doanh nghiệp đối với việc phát triển nguồn nhân lực.

 Minh Ngọc