Xã hội
Việt Nam cam kết xóa bỏ nạn mua bán người
01:35 PM 30/07/2020
(LĐXH)- Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thay mặt Chính phủ gửi thông điệp: “Việt Nam cam kết hết mình chung lưng cùng tuyến đầu, xóa bỏ nạn mua bán người, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Sáng 30/7, Bộ Công an, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, UBND tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”.
Dự lễ có đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 138/CP; đại biểu các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Nghệ An và tổ chức quốc tế.
Đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phát biểu tại lễ mít tinh
Phát biểu tại lễ mít tinh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, trong những năm qua tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đến quyền con người; tác động tiêu cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hôi. Mua bán người là tội phạm có nguồn thu nhập cao thứ 3, sau tội phạm ma túy và mua bán vũ khí. Nạn nhân phải chịu những tổn thất to lớn về tâm, sinh lý. Hậu quả không dừng lại ở cá nhân, gia đình, mà còn ảnh hưởng đến xã hội, tiềm ẩn nguy cơ đối với an ninh chính trị xã hội.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; tích cực tố giác tội phạm mua bán người.
Đồng thời, tập trung thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế, tạo việc làm, giảm nghèo cho người dân, đặc biệt là người dân các huyện miền núi, rẻo cao. Cùng đó, chú trọng hỗ trợ các gia đình khó khăn có nguy cơ là nạn nhân mua bán người, thông qua đào tạo nghề, khởi nghiệp.
Tiếp tục phát động phong trào toàn dân phòng chống mua bán người; chủ động phát hiện, ngăn chặn các hoạt động liên quan đến tội phạm mua bán người, nhất là địa bàn biên giới.
Xây dựng thế trận phòng, chống mua bán người, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố xét xử các vụ án; phối hợp chặt chẽ với các nước, các tổ chức quốc tế để phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra các đường dây mua bán người, giải cứu kịp thời các nạn nhân.
Theo bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, tình hình tội phạm trong thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều loại tội phạm mới, xuyên quốc gia. Các loại tội phạm bạo hành, xâm hại phụ nữ, trẻ em gia tăng, có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng.
Các đại biểu đi bộ hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7
Riêng tội phạm mua bán người, 6 tháng đầu năm 2020, toàn quốc phát hiện 60 vụ, liên quan đến 85 đối tượng, lừa bán 90 nạn nhân (giảm 31,5% số vụ, tăng 40% số đối tượng và giảm 39,7% số nạn nhân so với cùng kỳ 2019), nạn nhân đa số là phụ nữ và trẻ em
Thủ đoạn phạm tội là tổ chức xuất cảnh trái phép để lao động thời vụ, sau đó lừa bán để cưỡng bức lao động hoặc ép bán dâm, bán làm vợ, thậm chí bán nội tạng; việc lợi dụng phụ nữ, trẻ em ở các vùng nông thôn, miền núi, biên giới, người dân tộc thiểu số có trình độ hạn chế, hoàn cảnh kinh tế khó khăn lừa bán qua biên giới xảy ra nhiều.
Một số vụ án, đối tượng phạm tội lại chính là nạn nhân bị lừa bán, có cả những vụ việc ra nước ngoài để bán con sau khi sinh; các vụ việc đưa người ra nước ngoài trái phép cũng đang diễn ra phức tạp.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền phòng chống nạn buôn người cũng có những chuyển biến cơ bản, góp phần nâng cao nhận thức và hành động trong toàn xã hội về phòng, chống mua bán người, làm giảm nguy cơ, tội phạm liên quan đến mua bán người, thúc đẩy di cư an toàn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người trở về tái hòa nhập cộng đồng.
Ông Brett Dickson  - Quyền Trưởng đại diện cơ quan Di cư Liên hợp quốc tại Việt Nam nhắc lại thảm kịch vụ 39 người Việt Nam chết trong thùng container tại Vương Quốc Anh và cho rằng, đã đến lúc phải chấm dứt nạn mua bán người tại Việt Nam và trên toàn thế giới.
Quyền Trưởng đại diện cơ quan Di cư Liên hợp quốc tại Việt Nam đề nghị chính phủ, các tổ chức quốc tế, toàn xã hội tiếp tục chung tay phòng chống mua bán người, tăng cường hỗ trợ các nạn nhân, đưa các đối tượng mua bán người ra trước pháp luật. Đồng thời  khẳng định sẽ luôn sát cánh cùng Việt Nam để chấm dứt nạn mua bán người.
Sau lễ mít tinh, các lực lượng chức năng diễu hành hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7
** Việt Nam nằm trong khu vực các nước Tiểu vùng sông Mê - Kông, là một trong những điểm nóng về tình trạng mua bán người. Trong bối cảnh đó, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã hỗ trợ phái cử chuyên gia cố vấn về hoạt động phòng chống mua bán người và triển khai Dự án Thiết lập đường dây nóng phòng chống mua bán người tại Việt Nam, giai đoạn I từ năm 2012-2016, giai đoạn II từ tháng 11/2018 đến tháng 11/2021, với mục tiêu: tăng cường các chức năng hiện tại của Đường dây Tư vấn và Hỗ trợ trẻ em (nay là Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111) và mở rộng thêm chức năng phòng chống mua bán người nhằm đóng góp vào những nỗ lực chung của Chính phủ trong công tác phòng chống mua bán người cũng như tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về./.
Đăng Doanh