Lao động
Việc làm thoả đáng trong bối cảnh COVID-19
08:36 AM 04/11/2021
LĐXH - Trong thời gian vừa qua, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhiều địa phương trong cả nước phải thực hiện các quy định giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh nên rất nhiều công sở, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đều tạm dừng hoạt động, làm việc luân phiên, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, cắt giảm nhân sự dẫn đến người lao động buộc phải tạm hoãn công việc, ngừng việc không hưởng lương, thậm chí mất việc làm.

Theo báo cáo tác động của dịch Covid- 19 đến tình hình lao động, việc làm tại Việt Nam của Tổng Cục thống kê công bố vào ngày 12/10/2021 biến thể Delta của virus corona đã tác động nặng nề đến thị trường lao động Việt Nam trong quý III năm 2021. Theo đó, quý III/2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến họ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi quý III năm 2021 là 3,98%, mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, khiến cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động càng khó khăn hơn. Thu nhập bình quân tháng của lao động quý III năm 2021 là 5,2 triệu đồng, giảm 877 nghìn đồng so với quý trước và giảm 603 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao, nhưng các doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo việc làm thoả đáng bao gồm cơ hội đào tạo và tiếp cận nghề nghiệp có chất lượng cho lao động trẻ, đảm bảo các điều kiện chi trả, phúc lợi, giờ làm việc, điều kiện làm việc, quan tâm tới cha mẹ trẻ, phụ nữ mang thai, cho con bú, cha mẹ nuôi con nhỏ, hay tạo môi trường làm việc an toàn, phát triển, hạnh phúc cho lao động. Vấn đề này không chỉ là tuân thủ pháp luật, không chỉ là đáp ứng các tiêu chí để kinh doanh, xuất khẩu, mà còn là trách nhiệm, là chiến lược để đảm bảo việc vận hành kinh doanh, đảm bảo sự gắn bó của nhân sự doanh nghiệp và thương hiệu của doanh nghiệp. Đầu tư vào những người làm việc của doanh nghiệp, chính là đầu tư vào sự bền vững của doanh nghiệp.

Chuyên gia cao cấp về quyền trẻ em và kinh doanh Mattias Forsberg chia sẻ các nội dung trong bộ nguyên tắc bảo vệ quyền trẻ em trong kinh doanh

Ông Mattias Forsberg, Chuyên gia cấp cao về Quyền trẻ em và kinh doanh, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Thụy Điển chia sẻ trong bộ nguyên tắc bảo vệ Quyền Trẻ em trong kinh doanh, nguyên tắc thứ 3 là về Cung cấp công việc tốt cho người lao động trẻ, cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Ông Mattias Forsberg nhấn mạnh: “Thực tế ảnh hưởng của đại dịch đối với trẻ em và gia đình rất nặng nề, dù có rất nhiều nỗ lực đã được thực hiện bởi các bên liên quan. Các lao động trẻ cũng là các đối tượng dễ bị tổn thương và cần nhiều sự quan tâm từ phía nhà tuyển dụng. Họ cũng là nhóm gặp nhiều rủi ro khi các nhà tuyển dụng thường ngần ngại. Chúng ta đã cố gắng để thúc đẩy Quyền Trẻ em, đồng thời để tăng cường tác động đối với trẻ em và doanh nghiệp trong việc thực thi Quyền Trẻ em trong các hoạt động kinh doanh. Chính phủ các nước cũng đã có nhiều nỗ lực để góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho lao động trẻ. Tuy nhiên, tôi luôn mong chờ những nỗ lực thực tế của tất cả chúng ta.”

Chia sẻ về vấn đề việc làm cho nhóm lao động trẻ, thanh thiếu niên, Bà Lê Minh Thảo, Tư vấn về Quyền Trẻ em và Doanh nghiệp, UNICEF Việt Nam cho rằng chúng ta đang sống trong thời đại phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế và công nghệ số hoá, những kỹ năng truyền thống có thể thay thế bằng trí tuệ nhân tạo. Hiện tại, các hình thức việc làm cũng dần thay đổi khi mà cách thức làm việc thay đổi, hay cách xu thế kết nối, liên kết toàn cầu thay đổi. Điều này tạo ra sự chuyển đổi trong xu hướng việc làm và tuyển dụng, đồng thời thanh thiếu niên có thể thiếu hụt về kỹ năng. Việc đầu tư vào thế hệ trẻ là khoản đầu tư thông minh và đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Các bạn trẻ cũng cần chủ động nắm bắt các cơ hội, biết mình cần gì, muốn gì để có thể tiếp cận các cơ hội đến từ các doanh nghiệp.

Bà Thảo cũng đưa ra một số đề xuất cho doanh nghiệp như: Tăng cường năng lực kết nối để tạo điều kiện thuận lợi cho các sáng kiến việc làm trong toàn ngành và đẩy mạnh quan hệ đối tác giữa doanh nghiệp và các bên liên quan khác; Nâng cao nhận thức và gia tăng học hỏi giữa các công ty/doanh nghiệp thông qua các hội nghị và/hoặc hội thảo về nâng cao kỹ năng việc làm cho thanh niên, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và thực hành về môi trường làm việc bao trùm; Xây dựng và tăng cường hoàn thiện chính sách tuyển dụng bao trùm, đầu tư cơ sở vật chất và nỗ lực thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; Hợp tác giữa các bên liên quan để xây dựng chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho  lao động trẻ.

Với chủ đề “Doanh nghiệp với việc hỗ trợ lao động trẻ, cha mẹ trẻ trong và sau đại dịch Covid-19”, các chuyên gia đã chia sẻ những thông tin thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và các cơ quan nhà nước trong việc đảm bảo việc làm cho lao động trẻ và bố mẹ trẻ em.

Bà nguyễn Ngọc Hằng, quản lý đào tạo REACH miền Bắc 

Theo bà Nguyễn Ngọc Hằng - Quản lý đào tạo REACH miền Bắc, vấn đề việc làm cho lao động trẻ, đặc biệt là thanh niên khuyết tật trong bối cảnh đại dịch là một thách thức lớn. Bà Hằng cho rằng không chỉ tại miền Nam, miền Bắc cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi đại dịch và trong bối cảnh đó, khi chúng tôi tiếp cận các nhóm thiếu niên yếu thế, chúng tôi thấy rằng các bạn trẻ làm khối dịch vụ hầu như không có việc làm, những bạn khối công nghệ không quá khó khăn nhưng nhìn chung vẫn bị ảnh hưởng. Và dường như đang có tâm lý đối với các phụ huynh cũng như các bạn trẻ rằng các ngành nghề dịch vụ như du lịch, nhà hàng,... đang rất bấp bênh. Hiện nay, tình hình kinh tế đang dần khôi phục tuy nhiên các bạn trẻ vẫn chưa sẵn sàng để quay trở lại Hà Nội vì chưa có định hướng việc làm. Những băn khoăn này vô cùng dễ hiểu đối với các bạn trẻ. Chính vì thế, Viện REACH tập trung vào việc vừa hỗ trợ khó khăn, vừa định hướng và hỗ trợ việc làm thay thế cho các bạn trẻ. Chúng tôi làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để tuyển dụng, hỗ trợ và đảm bảo các quyền lợi về việc làm thoả đáng cho các thanh niên yếu thế.

Ông Châu Hoàng Mẫn, Giám đốc SDRC chia sẻ trực tuyến

Nhận định về xu hướng phối hợp giữa doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, ông Châu Hoàng Mẫn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tư vấn công tác xã hội và phát triển cộng đồng (SDRC) cho biết: “Trong nhiều năm làm việc với các nhóm lao động, tôi nhận thấy các doanh nghiệp đa phần quan tâm đến trẻ em hoặc các lao động trẻ thông qua hình thức từ thiện, hỗ trợ tạm thời chứ không tiếp cận dựa trên quyền của trẻ em ví dụ tạo việc làm, tạo cơ hội cho các em thực hiện quyền của mình. Chúng ta cần phải có cái nhìn khác, cái nhìn của doanh nghiệp cho lao động trẻ. Ngoài ra, việc kết nối giữa doanh nghiệp và các tổ chức xã hội còn rất ít, chưa có kết nối lâu dài. Khi doanh nghiệp phối hơp với tổ chức xã hội để thực hiện hoạt động trách nhiệm xã hội (CSR) không chỉ trong bối cảnh Covid, doanh nghiệp có khả năng cao hơn trong việc “giữ chân” nhân viên, duy trì nguồn nhân sự bền vững khi nhân viên nhận thấy những giá trị mà doanh nghiệp tạo ra là vô cùng cần thiết cho bản thân, con em và gia đình họ.”

Nguyễn Đăng Doanh