Nghiên cứu - trao đổi
Vì sao Nhà nước cần quy định lương tối thiểu?
11:05 AM 16/10/2017
Hội thảo của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách về tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam vừa qua đã đề cập đến vấn đề tốc độ tăng lương tối thiểu thời gian vừa qua cao hơn nhiều so với tốc độ tăng năng suất lao động, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu liên tục hàng năm ở mức cao gây khó khăn và làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, vì vậy có chuyên gia cho rằng phải xem lại vai trò của lương tối thiểu, cần mạnh dạn nghiên cứu bỏ quy định mức lương tối thiểu mà thay vào đó cơ chế lương thỏa thuận. Vậy nên nhìn nhận một cách khách quan vấn đề này như thế nào?
Trước hết, về mặt lý thuyết, trong chính sách tiền lương nói chung bao giờ cũng gồm ba nội dung là chính sách về tiền lương tối thiểu, nhằm xác định mức lương thấp nhất; kế đến là xây dựng các thang lương, bảng lương, quy định cụ thể các mức lương theo công việc hay chức danh (còn gọi xác định thước đo giá trị của việc này hay chức danh này cao hay thấp hơn công việc kia hay chức danh kia) của các thang lương, bảng lương và các loại phụ cấp, trợ cấp làm cơ sở để thỏa thuận tiền lương; cuối cùng là xác định cơ chế tiền lương (xác định quản lý tiền lương thông qua các hình thức, quy chế trả lương, tiền thưởng). Đối với mô hình quản lý tập trung như ở nước ta giai đoạn trước đây thì Nhà nước quy định cụ thể các nội dung của chính sách tiền lương, các doanh nghiệp phải thực hiện theo các quy định của Nhà nước. Đối với mô hình kinh tế thị trường thì tiền lương do thị trường quyết định theo nguyên tắc (hay quy luật) giá trị và cung cầu. Doanh nghiệp phải xây dựng chính sách tiền lương của mình, tức là phải xác định mức lương thấp nhất và xác định các mức lương cụ thể để thỏa thuận tiền lương với người lao động căn cứ vào tổ chức sản xuất, kinh doanh và tổ chức lao động của doanh nghiệp mình và thông tin về giá cả tiền công trên thị trường lao động. Nhà nước chỉ gián tiếp can thiệp vào quá trình này thông qua chính sách thuế thu nhập đối với lao động có thu nhập cao, quy định mức lương tối thiểu (mức sàn thấp nhất trên phạm vi vùng hay quốc gia để bất cứ sự thỏa thuận của hai bên đều không được thấp hơn mức sàn này) nhằm bảo vệ lao động yếu thế trong quá trình thương lượng, cung cấp thông tin thị trường lao động để người sử dụng lao động và người lao động làm căn cứ xác định và thỏa thuận tiền lương ghi trong hợp đồng lao động hay thỏa ước lao động tập thể.
Chưa thể bỏ được mức lương tối thiểu. Ảnh minh họa
Thứ hai, vì tiền lương tối thiểu là vấn đề quan tâm của nhiều quốc gia và để bảo vệ cho hàng triệu lao động yếu thế, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đã có một số công ước và khuyến nghị về tiền lương, trong đó công ước số 131 ấn định tiền lương tối thiểu, đặc biệt đối với các nước đang phát triển năm 1970 và khuyến nghị số 135 về xác định lương tối thiểu, xem xét việc áp dụng đối với các nước đang phát triển, tại hội nghị lần thứ 54 Geneva ngày 22/6/1970. Theo báo cáo của tổ chức này, đến năm 2015, có 171 nước chiếm 92% các nước thành viên có quy định mức lương tối thiểu. Một xu hướng xuất hiện những năm gần đây là ngày càng có nhiều quốc gia ban hành luật về tiền lương tối thiểu cũng như nhiều nước Chính phủ quyết định vấn đề này nhằm bảo vệ người lao động. Việt Nam là thành viên của ILO, cũng thuộc số đông thành viên quy định mức lương tối thiểu. Mục tiêu, tiêu chí cũng như cơ chế xác định mức lương tối thiểu của chúng ta thời gian gần đây đang đi theo các quy định trong các công ước và khuyến nghị của ILO;
Thứ ba, thực tế tại Việt Nam từ khi có chính sách tiền lương năm 1960 đến nay, vấn đề tiền lương tối thiểu luôn luôn được đặt ra nghiên cứu và Chính phủ quy định theo từng thời kỳ. Năm 1995, lương tối thiểu được quy định trong Bộ luật Lao động, đặc biệt Bộ luật Lao động năm 2012 quy định rất rõ về mục tiêu, tiêu chí và phương thức xác định mức lương tối thiểu (thực chất là chúng ta nghiên cứu công ước 131 của ILO để nội luật hóa vấn đề này). Trong lịch sử lần cải cách tiền lương đầu tiên năm 1960, mức lương tối thiểu được quy định là 27,3 đồng/tháng, đến cải cách tiền lương năm 1985 mức lương tối thiểu được quy định là 220 đồng/tháng và quy định mức lương tối thiểu đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 50 USD/tháng; cải cách tiền lương năm 1993 mức lương tối thiểu được quy định 120.000 đồng/tháng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được điều chỉnh lại theo 2 vùng là 30, 35 USD/tháng. Cải cách tiền lương năm 2004 quy định mức lương tối thiểu 350.000 đồng/tháng.
Cơ sở mức lương tối thiểu nêu trên tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ mức lương được điều chỉnh tăng dần (từ năm 1993 đến năm 2017 đã điều chỉnh 16 lần) và được tách riêng cho khu vực chi từ ngân sách nhà nước gọi là mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu áp dụng cho các doanh nghiệp theo 4 vùng. Nếu tính từ năm 2008 đến năm 2017, Chính phủ đã tăng 10 lần cho khu vực doanh nghiệp từ mức 450.000 đồng/tháng lên mức bình quân 3.138.000 đồng/tháng, tăng 5,97 lần, mức tăng bình quân 18,52%/năm (trong đó doanh nghiệp trong nước tăng 21,85%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,18%). Con số này vượt hết tất cả các chỉ số như GDP tăng trung bình 6,7 %, CPI tăng 10,7 %, nếu tính chỉ số giá lương thực, thực phẩm cũng chỉ tăng gần 13% và tốc độ tăng năng suất lao động chỉ tăng ở mức gần 4%. Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu hàng năm và ở mức cao trong thời gian vừa qua là nhằm mục tiêu lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ theo quy định của Bộ luật Lao động, thực tế đến năm 2018 cơ bản đạt được mục tiêu này;
Thứ tư, thị trường lao động yêu cầu đáp ứng công việc đòi hỏi rất đa dạng, có công việc vị trí đòi hỏi người lao động phải qua đào tạo ở trình độ nhất định và tích lũy kinh nghiệm ở mức nào đó thì mới đáp ứng được, ngược lại có công việc giản đơn không cần đào tạo hoặc thời gian đào tạo ngắn là đáp ứng yêu cầu, theo đó sự thỏa thuận tiền lương sẽ tạo ra thang giá trị giữa các công việc với nhau có mức cao nhất và mức thấp nhất (mức tối thiểu). Đối với công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao thì người lao động hoàn toàn có vị thế để thương lương với người sử dụng lao động, ngược lại người lao động làm công việc giản đơn thì vị thế thương lượng với người sử dụng lao động yếu hơn và kết quả thương lượng phụ thuộc rất lớn vào quan hệ cung cầu, nếu không có sự tham gia của bên thứ ba (tổ chức đại diện hoặc Nhà nước) trong quá trình thương lượng thì hai bên vẫn tìm ra được mức lương thấp nhất này nhưng phần lớn là người lao động sẽ bị thua thiệt vì mức thỏa thuận khó đảm bảo mức sống tối thiểu. Cho nên tổ chức đại diện hoặc Nhà nước phải đặt ra ngưỡng để hai bên thương lượng, thỏa thuận không được thấp hơn ngưỡng này nhằm bảo vệ người lao động không bị rơi vào tình trạng nghèo khó. Vì vậy công ước của ILO và Bộ luật Lao động đã đưa ra quy định mức lương tối thiểu là mức lương trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất mà công việc này không cần qua đào tạo cũng làm được, trong điều kiện lao động bình thường, mức lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ;
Từ lý thuyết, luật pháp và kinh nghiệm quốc tế cũng như luật pháp và thực tiễn của chúng ta cho thấy chưa thể bỏ mức lương tối thiểu và Nhà nước vẫn có vai trò quyết định vấn đề này, còn công việc giản đơn nhất thì còn mức lương thấp nhất (tối thiểu), nhất là nước ta đang trong giai đoạn phát triển, đang sản xuất những sản phẩm có giá trị sáng tạo mới không cao, trình độ chuyên môn, kỹ thuật của người lao động còn thấp; năng lực thương lượng của người lao động và tổ chức đại diện còn hạn chế. Vấn đề cần bàn là quy định như thế nào để bảo đảm hài hòa và làm thế nào để mở rộng đối tượng áp dụng mức lương tối thiểu cho cả khu vực chưa có quan hệ lao động để bảo vệ người lao động ở cả  khu vực này. Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cũng như Hội đồng tiền lương quốc gia. Nếu chúng ta phát huy được vai trò đại diện của các bên, phân tích được tác động của tiền lương tối thiểu, nghiên cứu một cách đồng bộ các tiêu chí (nhu cầu sống tối thiểu, điều kiện kinh tế - xã hội và mặt bằng tiên công trên thị trường) quy định trong Bộ luật Lao động thì chắc chắn sẽ tham mưu cho Chính phủ quyết định được phương án tăng lương tối thiểu hài hòa hơn, vừa bảo vệ được người lao động vừa tăng thêm sự đồng thuận, ít đi những tiếng nói phản ứng không đồng tình vì vượt quá khả năng của doanh nghiệp. Cũng không vì cơ chế xác định chưa đạt được sự đồng thuận như mong muốn mà chúng ta lại kiến nghị bỏ luôn mức lương tối thiểu./.
                                                                        TS. Phạm Minh Huân
                                                                           Nguyên Thứ trưởng
                                                             Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội