Lao động
Vì sao cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 28/2020/NĐ-CP?
08:38 AM 03/12/2021
(LĐXH) - Ngày 01/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động (LĐ), bảo hiểm xã hội (BHXH), đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thay thế Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP nhằm kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định trước đây.
Những bất cập sau một năm thực hiện Nghị định 28/2020/NĐ-CP
Nghị định số 28/2020/NĐ-CP cùng với pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã tạo hành lang pháp lý hữu hiệu cho công tác xử lý, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực LĐ, BHXH, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần nâng cao ý thức chấp hành, tính tuân thủ pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong những lĩnh vực này.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, sau hơn một năm áp dụng trên thực tế, đã xuất hiện các yêu cầu, đòi hỏi các quy định xử phạt về LĐ, BHXH, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cần phải được tiếp tục hoàn thiện, cụ thể như sau:
Thứ nhất, yêu cầu từ việc đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật sau khi nhiều văn bản pháp luật liên quan đã được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung.
- Ngày 20/11/2019, Quốc hội đã thông qua Bộ luật LĐ (sửa đổi), có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021; ngày 13/11/2020, Quốc hội thông qua Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022. Sự ra đời của 02 luật này và những văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành dẫn đến sự thay đổi quan trọng về luật pháp và hoạt động quản lý nhà nước trong 2 lĩnh vực là LĐ và NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Những thay đổi đó đòi hỏi những quy định xử phạt của Nghị định số 28/2020/NĐ-CP phải được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và hiệu lực thi hành của hệ thống pháp luật.
Nghị định số 28/2020/NĐ-CP cùng với pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã tạo hành lang pháp lý hữu hiệu cho công tác xử lý, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực LĐ, BHXH
Sau khi Nghị định số 28/2020/NĐ-CP được ban hành, một số Nghị định có liên quan đã được sửa đổi bổ sung, bao gồm: Nghị định số 58/2020/NĐ-CP ngày 27/5/2020 của Chính phủ quy định mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp, Nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, Nghị định 23/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều 37 và Điều 39 của Luật Việc làm về Trung tâm dịch vụ việc làm và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm... Do vậy, một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong Nghị định số 28/2020/NĐ-CP không còn phù hợp, không đảm bảo tính thống nhất với các văn bản có liên quan được ban hành sau thời điểm ban hành Nghị định số 28/2020/NĐ-CP.
- Ngày 13/11/2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022. Những nội dung thay đổi trong Luật này như thời hiệu xử phạt, mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt, giao quyền xử phạt và thời hạn ra quyết định xử phạt... đòi hỏi những quy định liên quan của Nghị định số 28/2020/NĐ-CP cũng phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Thứ hai, qua hơn 1 năm thực hiện Nghị định số 28/2020/NĐ-CP đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập trong công tác xử lý vi phạm hành chính, cụ thể như sau:
Một số hành vi vi phạm chưa được quy định trong Nghị định, chủ yếu trong lĩnh vực ATVSLĐ như: không duy trì đủ điều kiện hoạt động huấn luyện ATVSLĐ để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện ATVSLĐ trong suốt quá trình hoạt động; không duy trì đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn LĐ theo quy định của pháp luật; sử dụng nhân lực thực hiện quan trắc môi trường LĐ không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; không duy trì đủ điều kiện hoạt động quan trắc môi trường LĐ đã công bố trong suốt quá trình hoạt động; thực hiện quan trắc môi trường LĐ trong thời gian bị đình chỉ hoạt động quan trắc môi trường LĐ…
Một số hành vi vi phạm quy định tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP có mức xử phạt chưa phù hợp như: hành vi vi phạm của bên thuê lại LĐ quy định tại khoản 1 Điều 12; hành vi của người sử dụng LĐ quy định tại khoản 2 Điều 13; hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, BHTN để trục lợi quy định tại khoản 2 Điều 39…
Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 28/2020/NĐ-Cp nhằm bảo đảm tính thống nhất và hiệu lực thi hành của hệ thống pháp luật
Một số hành vi vi phạm chưa có hình thức xử phạt bổ sung hoặc biện pháp khắc phục hậu quả nên tính răn đe, phòng ngừa còn hạn chế, chưa đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị vi phạm như: bên cạnh việc buộc trả lại số tiền đã thu trái quy định hoặc trả thiếu so với quy định của NLĐ, doanh nghiệp, tổ chức khác thì chưa có biện pháp khắc phục hậu quả đi kèm với nó là buộc trả một khoản tiền tương ứng với tiền lãi của số tiền đã thu trái pháp luật, trả thiếu so với quy định của pháp luật; buộc giao kết hợp đồng bằng văn bản; buộc NSDLĐ bố trí NLĐ làm công việc theo đúng HĐLĐ; buộc hủy kết quả quan trắc môi trường đối với một trong các hành vi: NSDLĐ phối hợp với tổ chức quan trắc môi trường LĐ gian lận trong hoạt động quan trắc môi trường LĐ, cung cấp dịch vụ quan trắc môi trường LĐ mà chưa được công bố đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật…
Bảo đảm tính thống nhất và hiệu lực thi hành của hệ thống pháp luật
Xuất phát từ những lý do và yêu cầu trên, mới đây Bộ LĐ-TB&XH đã có Tờ chính Chính phủ về Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực LĐ, BHXH, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (thay thế cho Nghị định số 28/2020/NĐ-CP). Dự thảo Nghị định bổ sung các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực LĐ, BHXH, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để đảm bảo phù hợp với Bộ luật LĐ năm 2019, Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, các văn bản hướng dẫn thi hành các luật trên và các văn bản pháp luật khác có liên quan mới được ban hành. Đồng thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Nghị định số 28/2020/NĐ-CP và đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Cùng với đó là hoàn thiện cơ sở pháp lý cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hoạt động thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực LĐ, BHXH, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bảo đảm tính răn đe, nghiêm minh, phòng ngừa vi phạm, khả thi và hiệu quả trong tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Đức Tùng