Lao động
Vì sao 50 lao động “chui” tại Hàn Quốc của xã Hương Ngải chưa muốn về nước?
09:32 AM 01/11/2017
(LĐXH)- Nhiều lao động không muốn trở về nước do ở nhà còn khoản nợ, trong khi ở lại vẫn kiếm được khoảng 1.000 USD.
Theo lãnh đạo xã Hương Ngải (huyện Thạch Thất, Hà Nội), Hương Ngải là một trong những xã có lao động đi xuất khẩu lớn nhất huyện Thạch Thất. Lũy tiến từ trước đến nay đã có khoảng 1.120 lao động, trong đó thị trường đông nhất là Hàn Quốc (khoảng 450 người), Đài Loan (165), Nhật Bản (90), Trung Đông (320). Bên cạnh đó là lực lượng đi Lybia nhưng đã trở về hết.
Tính đến thời điểm cuối năm 2017, số lao động đang làm việc tại Hàn Quốc là 120, Trung Đông là 120, Đài Loan là 60. Trong số 120 lao động tại Hàn Quốc thì có khoảng trên 50 người thuộc diện hết hợp đồng, bỏ trốn ra ngoài làm bất hợp pháp.
Hương Ngải có số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc lớn nhất huyện Thạch Thất
Trước đây, việc lao động Hương Ngải đi XKLĐ rất thuận lợi. UBND xã đã thành lập Hội đồng XKLĐ với các thành viên là đại diện các ngành, đoàn thể có trách nhiệm thẩm định thông tin, làm việc trực tiếp với đơn vị tuyển dụng lao động được cấp phép. Chỉ khi nhận thấy đơn vị tuyển có đầy đủ các điều kiện pháp lý thì Hội đồng mới triển khai việc thông báo rộng rãi để nhân dân biết và đăng ký. Những đợt chỉ tiêu tuyển dụng ít, Hội đồng ưu tiên cho con em các gia đình chính sách, các hộ dân còn ở diện nghèo.
Sau đó, xã trực tiếp mời cơ quan XKLĐ về phổ biến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài và cùng với đơn vị tổ chức cho người lao động được kiểm tra tay nghề, học ngoại ngữ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người đi XKLĐ hoàn tất nhanh nhất các thủ tục như khám sức khoẻ, làm hộ chiếu và đặc biệt là nguồn kinh phí để đi lao động. Bằng cách làm đạt hiệu quả, xã Hương Ngải đã thu hút được rất nhiều đơn vị làm công tác XKLĐ đến tuyển dụng lao động tại địa phương. Tuy nhiên, hiện nay mọi công tác về XKLĐ đã bị đình lại do số lao động bỏ trốn quá nhiều.
Theo lãnh đạo địa phương, những hộ gia đình có con em lao động bất hợp pháp cũng rất sốt ruột và mong muốn lao động trở về, bởi ở lại tính mạng không đảm bảo, rồi vấn đề an ninh an toàn trong lao động và cư trú, nhưng cũng vì “miếng cơm manh áo” nên người lao động không muốn trở về.
Anh Phí Văn Tha (sinh năm 1982), ở thôn 9, xã Hương Ngải là một trong số những lao động hết hợp đồng tại Hàn Quốc vào cuối năm 2016 nhưng không về  nước mà ở lại lao động bất hợp pháp, là một trường hợp điển hình. Giống như thời điểm trước đây, dù lao động bất hợp pháp nhưng anh Tha vẫn đều đặn gửi về 20 triệu đồng mỗi tháng để vợ trang trai việc nhà. Ở quê, vợ chồng anh vẫn còn món nợ hơn 100 triệu vay mượn để làm nhà vẫn chưa trả hết. Do đó, dù có muốn về thì anh vẫn cố nán lại được tháng nào hay tháng đó để kiếm tiền trang trải cho gia đình, trả nợ và nuôi 3 con nhỏ cùng mẹ già trên 80 tuổi. 
Do đó, bài toán nan giải là về nhà lao động sẽ làm gì để cho thu nhập như ở Hàn Quốc, để bảo đảm cuộc sống của họ, rất cần được sự tháo gỡ từ các cấp chính quyền địa phương./.
Minh Hồng
Từ khóa: lao động Bỏ trốn