Pháp luật
Về dự thảo Luật qui hoạch: Chính phủ yêu cầu điều chỉnh theo hướng có tính kế thừa, đồng bộ
01:09 PM 30/03/2017
Đề cập chuyện bị cho là “nói ngược” về dự thảo Luật qui hoạch, Bộ trưởng Xây dựng cho rằng các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đều thể hiện tính nhất quán, yêu cầu chỉnh lý dự luật Quy hoạch theo hướng “bảo đảm có quy định về quy hoạch xây dựng trong dự thảo luật theo hướng kế thừa, tích hợp đồng bộ và điều chỉnh quy hoạch xây dựng.

Quy hoạch chồng chéo: Do tổ chức thực hiện

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng về việc xây dựng dự thảo luật Quy hoạch, Bộ đã nghiên cứu, góp ý với Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) về nhiều nội dung. Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, Bộ KH-ĐT tiếp thu một phần ý kiến góp ý nhưng dù vậy, ở bản dự thảo gần nhất vẫn còn một số nội dung quan trọng chưa được thống nhất.

Ký văn bản báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định vai trò của việc lập quy hoạch xây dựng trong thực tiễn cuộc sống hiện nay. Quy hoạch xây dựng là loại quy hoạch vật thể, trực tiếp tạo lập, tổ chức không gian vật thể bao gồm các công trình bất động sản, nhà ở, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái. Theo đó, quy hoạch xây dựng luôn hiện hữu, tác động lớn, trực tiếp, thường xuyên, liên tục tới không gian sống của từng người dân và toàn xã hội, tạo lập bộ mặt đô thị, nông thôn hiện đại và có bản sắc.

Quy hoạch xây dựng cũng là công cụ pháp lý, công cụ quản lý Nhà nước cơ bản để kiểm soát quá trình phát triển, quá trình xây dựng đô thị và nông thôn theo quy hoạch và có kế hoạch.

Thực tế hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 15 quy hoạch vùng liên tỉnh (vùng kinh tế - xã hội, vùng kinh tế trọng điểm, vùng đô thị lớn và vùng đặc thù). 100% các tỉnh, thành đã lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh.

Ngoài ra, còn rất nhiều đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đã được phê duyệt như: Quy hoạch cấp nước, quy hoạch thoát nước, quy hoạch quản lý chất thải rắn các vùng kinh tế trọng điểm, các vùng lưu vực sông lớn.

Việc xây dựng quy hoạch đô thị, quy hoạch các khu chức năng đặc thù, quy hoạch xây dựng xã nông thôn tới nay cũng đã hoàn thành cơ bản trên cả nước.

Vấn nạn tắc đường, lôm côm tại các đô thị lớn như Hà Nội đang gây tranh luận là do pháp luật về quy hoạch sai quấy hay do việc quản lý, thực hiện quy hoạch không tốt.
Lập qui hoạch xây dựng có vai trò quan trọng trong thực tiễn cuộc sống.
(Ảnh minh họa)
“Công tác quản lý thực hiện quy hoạch xây dựng đã ngày càng đi vào nề nếp, trở thành công cụ quan trọng và không thể thiếu để quản lý đầu tư xây dựng. Trong quá trình thực hiện quy định tại Luật Xây dựng về công tác quy hoạch xây dựng, đã phát sinh một số bất cập cần chấn chỉnh nhưng chủ yếu do nguyên nhân ở khâu tổ chức thực hiện chứ không phải do quy định pháp luật” – Bộ trưởng Xây dựng nhận định.
Đối chiếu với bản dự thảo gần nhất của luật Quy hoạch, lãnh đạo Bộ Xây dựng khái quát, quy định về quy hoạch xây dựng không còn trong hệ thống quy hoạch Việt Nam mà chỉ thể hiện tích hợp trong nội dung quy hoạch tổng thể.
Bộ trưởng “nói ngược” vì lợi ích ngành?
Nói về vấn đề này, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng phân tích, việc làm luật Quy hoạch mới lần này là một cuộc cách mạng, thay đổi lớn, giải quyết những bất cập của đất nước từ trước đến nay như chồng chéo, cục bộ, lợi ích nhóm trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch. Các quy định đưa ra là tiệm cận với xu hướng của quốc tế, để tránh hiện tượng cát cứ. Điều đó, theo Bộ trưởng KH-ĐT, động chạm đến lợi ích cục bộ các ngành nên chưa có sự đồng thuận.
“Bộ Xây dựng muốn giữ lại quy hoạch xây dựng nhưng chúng tôi trong 7 năm nay đã tổ chức trên 30 cuộc hội thảo, trong đó mời các chuyên gia đầu ngành cả cả nước liên quan đến lĩnh vực xây dựng hay đất đai, tài nguyên như Phạm Sỹ Liêm, Trần Trọng Hanh, Đặng Hùng Võ, Chu Hồi… Các chuyên gia đều nói phải thay đổi. Đó đều là những con người đầu ngành trong các lĩnh vực trên, chúng ta phải lắng nghe chứ” – Bộ trưởng KH-ĐT nói trước UB Thường vụ Quốc hội.
Lật lại những lý lẽ này, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng, thực tế, xã hội cần một khung thể chế đối với quy hoạch nhằm định hướng cho các quy hoạch ngành và quy hoạch các cấp có một khung thống nhất, trình tự và liên kết, chứ không phải vẽ ra một loại quy hoạch thay thế toàn bộ các quy hoạch hiện hành, liên quan, phủ nhận hàng loạt đạo luật hiện hành.
Dự thảo luật, theo đó, mới chỉ giải quyết được những vấn đề vĩ mô theo kiểu quy hoạch kinh tế xã hội tập trung trước đây.
“Việc tổ chức lập, hình thành một bản quy hoạch tổng thể trong thời điểm hiện nay là chưa khả thi vì không dễ dàng thực hiện đồng loạt, tất cả các nội dung lĩnh vực trong cùng một thời gian. Trong khi kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, trong việc lập quy hoạch, chỉ khi nào các nội dung nghiên cứu, đề xuất về không gian, kiến trúc cảnh quan cơ bản ổn định thì việc nghiên cứu, đề xuất về các nội dung hạ tầng kỹ thuật và môi trường mới đủ điều kiện để tiến hành” – Bộ trưởng Xây dựng khuyến cáo.
Đề cập chuyện bị cho là “nói ngược”, Bộ trưởng Xây dựng đối chiếu chỉ đạo gần đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với văn bản chỉ đạo hồi tháng 1 năm nay cũng như chỉ đạo của Thủ tướng tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng từ năm 2015 đều thể hiện tính nhất quán, yêu cầu chỉnh lý dự luật Quy hoạch theo hướng “bảo đảm có quy định về quy hoạch xây dựng trong dự thảo luật theo hướng kế thừa, tích hợp đồng bộ và điều chỉnh quy hoạch xây dựng bao gồm Quy hoạch xây dựng vùng, Quy hoạch đô thị, Quy hoạch xây dựng nông thôn, Quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù theo quy định hiện hành”.
Trong khi đó, theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, nếu thực hiện như quy định tại dự thảo luật Quy hoạch thì trên thực tế, sẽ bãi bỏ hoặc điều chỉnh một số lượng rất lớn các quy hoạch xây dựng đã và đang được thực hiện, có thể dẫn đến sự lúng túng, mất rất nhiều công sức, nguồn lực, thời gian và có thể tác động tiêu cực và có nhiều hệ lụy đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
PV