Xã hội
Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022
08:54 AM 20/01/2022
(LĐXH)-Chiều ngày 19/01/2022, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022. Tham dự Hội nghị, có Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Tô Đức, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan và các cục, vụ viện trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đại diện các đối tác, doanh nghiệp.
Toàn cảnh Hội nghị
Năm 2021, tình hình đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực, kéo dài ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội nhất là đời sống người nghèo; biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, xu hướng đô thị hóa, già hóa dân số, lao động di cư tiếp tục là những thách thức, khó khăn đối với công tác giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn cao; kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Một số cơ chế, chính sách đặc thù chưa hiệu quả; một số người dân, địa bàn nghèo chưa nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ giảm nghèo năm 2021 rất nặng nề, tuy nhiên, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của lãnh đạo Bộ, Ban cán sự đảng Bộ, cùng sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, công tác giảm nghèo năm 2021 đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Báo cáo tại Hội nghị, Phó chánh văn phòng giảm nghèo Nguyễn Lê Bình cho biết, năm 2021, Văn phòng Quốc gia giảm nghèo đã tham mưu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành: 01 Chỉ thị của Ban Bí thư, 01 Nghị quyết của Quốc hội, 18 văn bản của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, 22 văn bản của Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền về chỉ đạo, điều hành lĩnh vực giảm nghèo.
Nhìn chung, hệ thống cơ chế, chính sách, chương trình giảm nghèo đã tạo điều kiện cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần giảm nghèo bền vững, góp phần hạn chế tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Cơ chế, chính sách hỗ trợ được triển khai đầy đủ, toàn diện, đồng bộ, đáp ứng cơ bản nhu cầu thiết yếu của người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực không bị giãn cách xã hội, góp phần giải quyết những khó khăn, tác động của đại dịch Covid-19.
Cụ thể, những văn bản nổi bật có ý nghĩa quan trọng trong công tác giảm nghèo mà Văn phòng Quốc gia giảm nghèo đã tham mưu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành là: Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 160/NQ-CP ngày 22/12/2021 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể; cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở cụ thể hóa thành kế hoạch hằng năm của cấp ủy, chính quyền để triển khai thực hiện.
Chỉ thị định hướng chiến lược giảm nghèo bền vững đến năm 2030; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo bền vững; vận động đảng viên, cán bộ, công chức, người lao động và cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị giúp đỡ hộ nghèo, địa bàn khó khăn.
Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Tô Đức
Bên cạnh đó, là Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo đã tham mưu, báo cáo Bộ thay mặt Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí tối thiểu 75 nghìn tỷ đồng. Chương trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình giảm nghèo.
Ông Nguyễn Lê Bình nhấn mạnh,  điểm đặc biệt không thể nhắc tới trong công tác giảm nghèo năm 2021 là Chính phủ ban hành chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 với chuẩn thu nhập bằng mức sống tối thiểu. Việt Nam đã 08 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia theo mô hình tháp nhu cầu, đáp ứng nhu cầu người nghèo từ thấp lên cao, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước từng thời kỳ. Việt Nam lần đầu tiên và là một trong hơn 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới, một trong những quốc gia đầu tiên của Châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu gắn với mục tiêu phát triển bền vững.
Trong năm qua, các địa phương, cơ quan, ban ngành đoàn thể đã tổ chức thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách giảm nghèo cho người dân với khoảng 20 nghìn tỷ đồng được bố trí từ ngân sách bảo đảm thực hiện. Các chính sách hỗ trợ toàn diện cho người dân như hỗ trợ bảo hiểm y tế; miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; hỗ trợ tiền điện, trợ giúp pháp lý; hỗ trợ đào tạo nghề, kết nối việc làm; hỗ trợ nhà ở, nước sạch và vệ sinh; giảm nghèo về thông tin. Riêng vay vốn tín dụng xã hội tính đến ngày 31/12/2021 giải ngân hơn 31.695 tỷ đồng cho 656.290 hộ (127.198 hộ nghèo, 233.662 hộ cận nghèo, 295.349 hộ mới thoát nghèo); tổng dư nợ 107.153 tỷ đồng với 2.683.039 khách hàng đang dư nợ.
Đặc biệt là các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội đặc thù do Trung ương, địa phương ban hành kịp thời nhằm hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 như chính sách hỗ trợ tiền mặt, lương thực, chăm sóc y tế, hỗ trợ máy tính, dịch vụ internet phục vụ học tập trực tuyến cho trẻ em nghèo; hỗ trợ chi phí nước sinh hoạt; hỗ trợ hộ nghèo thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội.
Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Nguyễn Lê Bình trình bày Báo cáo tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022 tại Hội nghị
 Với sự quyết tâm cao nhất, năm 2021 đã giảm được 0,52% tỷ lệ hộ nghèo (từ 2,75% cuối năm 2020 xuống còn 2,23% cuối năm 2021); giảm 0,34% tỷ lệ hộ cận nghèo (từ 3,71% cuối năm 2020 xuống còn 3,37% cuối năm 2021). Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo thấp do năm 2021 vẫn tiếp tục áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 (chuẩn thu nhập chỉ còn bằng khoảng 45% mức sống tối thiểu nên đây là những người nghèo nhất); nhiều hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nên không thoát được nghèo, thậm chí tái nghèo hoặc phát sinh nghèo mới.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Lê Văn Thanh ghi nhận, năm 2021,Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo đã thực hiện rất tốt các kế hoạch, chương trình đề ra. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19, thiếu thốn về sức người, sức của dưới áp lực công việc vô cùng lớn song đội ngũ lãnh đạo, cán bộ công chức của Văn phòng chủ động, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ. Năm 2021 là năm đầu của giai đoạn 2021-2025, Văn phòng Quốc gia giảm nghèo đã tham mưu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu trình Ban Bí thư, Quốc hội ban hành những Chỉ thị, Nghị quyết, dự án, chương trình, chính sách hết sức quan trọng. Việc tham mưu xây dựng và trình các văn bản cơ bản đảm bảo, đúng thời gian, trong đó có thể ví quá trình xây dựng để ban hành được Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 không khác gì việc xây dựng một dự án luật, đòi hỏi sự nỗ lực và tham gia rất lớn, rất nhiều của các cơ quan, ban ngành, của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 cũng là một sự kiện hết sức ý nghĩa, quan trọng, đúng thời điểm để các cơ quan, ban ngành và các cấp ủy, chính quyền địa phương có thể triển khai công tác giảm nghèo ngay từ đầu năm 2022.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá năm 2021 là năm tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đại dịch Covid-19 chưa thể kết thúc ngay. Đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, xu thế đô thị hoá, già hóa dân số, chênh lệch về thu nhập và mức sống, tình trạng di cư lao động đặt ra những thách thức rất lớn đối với người nghèo, với công tác giảm nghèo.
Do đó, Thứ trưởng đề nghị Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo ngay từ đầu năm 2022 phải tham mưu, tổ chức triển khai sớm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, tích cực nghiên cứu hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025. Cụ thể , ban hành các chính sách, văn bản, tiêu chí phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, tránh trùng lắp, đề xuất các dự án, xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu trên toàn quốc. Tham mưu Bộ hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch 5 năm, hằng năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.  Tham mưu Bộ hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng dự toán ngân sách 5 năm và hằng năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Tham mưu Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về giảm nghèo; hướng dẫn, tổ chức thực hiện Chương trình, đề xuất những chính riêng cho đối tượng giảm nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội. Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện hiệu quả Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025 để tất cả xã hội cùng chung tay giúp đỡ người nghèo. Trình Bộ trưởng ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo. Động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình, các cơ sở truyền thanh, truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo tới nhân dân và các cấp chính quyền. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025. Hướng dẫn các xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tự quản, hộ gia đình thoát nghèo, sản xuất giỏi, làm kinh tế giỏi tiêu biểu; xây dựng, nhân rộng các mô hình tốt, sáng kiến hay về giảm nghèo bền vững. Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng nhấn mạnh thêm, trong năm 2022, cần tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giảm nghèo, đẩy mạnh hoạt động hợp tác với các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển để huy động sự hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo) trong lĩnh vực giảm nghèo. Huy động một số doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế để triển khai hỗ trợ thí điểm và nhân rộng một số mô hình, giảm nghèo hiệu quả tại một số địa bàn nghèo có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện công tác giảm nghèo./.
Mỹ Hạnh