Giáo dục - Nghề nghiệp
Vấn nạn lạm thu đầu năm học: Lạm thu làm xấu bức tranh giáo dục
02:20 PM 18/09/2017
Tiền ti vi, tiền máy chiếu, tiền điều hòa... sao năm nào phụ huynh cũng phải đóng? Nếu tự nguyện thì phải tự nguyện vô danh, còn mở phong bì đếm phụ huynh này bằng này tiền, phụ huynh kia bằng kia tiền thì sao tự nguyện thực chất được?
Đó là ý kiến của TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT trước vấn nạn lạm thu hiện nay tại các trường học của Việt Nam. TS Lê Trường Tùng cho biết:
Trong giáo dục, học phí phải ra học phí - còn nếu không phải học phí, đã là tiền nong thì phải hết sức minh bạch, rõ ràng. Hiện nay đang lẫn lộn giữa khoản thu ngoài học phí với đóng góp tự nguyện, giữa việc thu của nhà trường với  thu của hội phụ huynh. Nó tạo ra bức tranh mập mờ, gây cảm giác khó chịu cho phụ huynh và xã hội.
Có sự mập mờ này không chỉ là bởi nhà trường, mà còn do chính những chỉ đạo lộn xộn, không nhất quán từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Ví dụ Bộ GD&ĐT quy định ngoài học phí các trường không được thu những khoản khác trái quy định. Tức là những khoản thu ngoài học phí mà trong quy định thì trường được thu - và  những khoản này được gọi tên là  “xã hội hóa”, nấp dưới chiêu bài tự nguyện và dựa vào sự ràng buộc, phụ thuộc của phụ huynh vào nhà trường vì có con em họ đang học tại trường đó. Cơ chế này đưa phụ huynh vào thế dù có không thích nhưng vẫn phải “tự nguyện” cho xong.
​Vấn nạn lạm thu đầu năm học: Lạm thu làm xấu bức tranh giáo dục - ảnh 1
TS Lê Trường Tùng.
Thế còn quỹ hội phụ huynh, ông đánh giá sao?
Đã có quy chế quy định cụ thể hội phụ huynh được thu khoản gì và không được thu khoản gì. Trong đó, các khoản thu phải trên nguyên tắc tự nguyện và không được thu những khoản không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, không được thu các khoản dùng để xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường, khen thưởng giáo viên, bảo vệ, vệ sinh…
Nhiều hội phụ huynh hiện nay mang tính hình thức, thậm chí bị biến tướng. Tự nguyện vẫn mang tính áp đặt theo kiểu tự nguyện công khai. Nhiều khi một số phụ huynh có điều kiện, có “máu mặt” ở trong hội đứng về phía lợi ích của trường để hy vọng con cái được thầy cô quan tâm hơn. Hội phụ huynh như cánh tay nối dài của hiệu trưởng nhà trường. Hội phụ huynh hoạt động lỏng lẻo và không biết đang bảo vệ quyền lợi của ai, dù có điều lệ hoạt động đầy đủ.
Tôi nghĩ quỹ phụ huynh, cũng như các khoản đóng góp cho nhà trường -  cũng phải là tự nguyện thực chất - và đã là tự nguyện thì cần phải là vô danh. Nhưng ở Việt Nam, “tự nguyện vô danh” trong việc đóng góp cho nhà trường thật khó làm được điều này. Điều đó chứng tỏ chữ “tự nguyện” đang dùng chỉ là lời nói, là lá bài che chắn cho mục đích khác. Nên tự nguyện mà phải ghi cụ thể số tiền bao nhiêu, ai đóng góp thì chắc chắn không ai dám không đóng.
​Vấn nạn lạm thu đầu năm học: Lạm thu làm xấu bức tranh giáo dục - ảnh 2 Lạm thu đầu năm học luôn là vấn đề gây bức xúc trong dư luận.
Vậy giải pháp cho vấn đề này là gì, thưa ông?
Chúng ta cứ nghĩ việc lạm thu, thu các khoản nọ kia là việc của các trường nhưng thực chất, chính chủ trương kêu gọi cá nhân, tổ chức đóng góp xây dựng cơ sở vật chất cho trường đang bật đèn xanh, tạo hành lang pháp lý cho các trường làm việc này. Các trường cần thu thêm, chỉ cần xin phép xã hội hóa, chia bình quân mỗi học sinh và được sự đồng ý của UBND địa phương, của phòng giáo dục căn cứ trên văn bản của Bộ là đúng quy định.
Thế nên năm nào cũng giống năm nào, không năm nào giải quyết được vấn đề, và mỗi trường thu một kiểu. Muốn giải quyết triệt để lạm thu thì  hoặc cấm hẳn việc thu thêm, hoặc áp dụng tự nguyện vô danh, hoặc thu học phí cao kèm theo việc cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao và không thu các khoản khác. Có như thế, giáo dục mới đàng hoàng được. Còn cứ lèm nhèm như hiện nay thì càng làm mất niềm tin vào giáo dục. Rồi cũng khổ hiệu trưởng, khổ các thầy cô đầu năm đã phải nhăn nhó với chuyện tiền nong. Báo chí vào cuộc, thầy cô giải trình, thi thoảng lôi một hai thầy cô ra kỷ luật, thành chuyện rùm beng cả lên. Rồi học sinh đọc được, các em sẽ nghĩ gì về thầy cô? Các thầy cô cũng có lấy tiền đó bỏ túi riêng đâu, cuối cùng chỉ vì trường thôi. Bộ cần phải có giải pháp giải quyết, nếu không sẽ mãi là bệnh kinh niên, mãn tính.
Việc lạm thu thì chắc Bộ biết, cái tôi băn khoăn là liệu Bộ GD&ĐT có mạnh dạn quy định những khoản xã hội hóa đó thực sự mang tính tự nguyện – đi kèm theo tính chất vô danh. Phụ huynh đóng góp, cho vào phong bì không ghi tên, bỏ vào thùng Xã hội hóa - không ai biết ai đóng góp bao nhiêu. Nhiều người nói rằng như thế khoản thu được sẽ rất nhỏ. Tôi cũng nghĩ thế, nhưng đó chính là phép thử thực sự cho các khoản tự nguyện trong các trường của Việt Nam.
Các trường sẽ quản lý, thống kê tiêu pha cho minh bạch trong khoản đóng góp đó theo kiểu liệu cơm gắp mắm, được nhiều chi nhiều, đươc ít chi ít chứ không phải cố thu cho bằng được. Nhưng liệu các trường có dám làm thế không? Nếu không dám làm thế thì tự nguyện của chúng ta rõ là đang có vấn đề.
Tự nguyện vô danh cũng giống như bỏ phiều kín vậy, nguyên tắc phải nặc danh, khi đó mới hy vọng kết quả thể hiện được đúng bản chất, đúng sự thật. Còn tự nguyện “ghi danh” đổ đồng bình quân như hiện nay thì chắc chắn không phụ huynh nào dám mạo hiểm chuyện học hành của con cái vì chuyện tiền nong. Với những trường không thu học phí (cấp tiểu học) thì trách nhiệm của nhà nước là đảm bảo đủ nguồn lực để hoạt động. Các trường không thể lấy lý do là do ngân sách nhà nước cấp hay thế nọ thế kia, sử dụng xã hội hóa để huy động sự đóng góp của tất cả các tổ chức, cá nhân. Các cấp Đảng ủy chính quyền địa phương cũng không thể xem đó như một chủ trương.
Tóm lại, Bộ GD&ĐT nên quy định luôn, thu theo cơ chế tự nguyện-vô danh. Quỹ hội phụ huynh cũng thế. Khi họp phụ huynh công bố năm nay trường cần bằng này, phụ huynh đóng góp rồi sau đó trường liệu cơm gắp mắm thì mọi chuyện sẽ ổn. "Phụ huynh đóng góp, cho vào phong bì không ghi tên, bỏ vào thùng Xã hội hóa - không ai biết ai đóng góp bao nhiêu. Nhiều người nói rằng như thế khoản thu được sẽ rất nhỏ. Tôi cũng nghĩ thế, nhưng đó chính là phép thử thực sự cho các khoản tự nguyện trong các trường của Việt Nam" - TS Lê Trường Tùng chia sẻ

Trước tình trạng lạm thu của một số trường học trên cả nước, ngày 15/9, Bộ GD&ĐT đã có quan điểm chính thức về vấn đề này.

Theo ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT, quan điểm của Bộ được thể hiện rất rõ qua các văn bản quy định về thu - chi đã được ban hành. Ngoài ra, Bộ đã có những giải pháp về thanh tra, kiểm tra hết sức chặt chẽ và quyết liệt.

Ngày 28/7/2017, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản số 3936/BGDĐT-TTr về việc Hướng dẫn công tác thanh tra năm học 2017-2018. Theo đó, đề nghị Chánh Thanh tra các Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ  vào văn bản này và các văn bản liên quan, tham mưu Giám đốc Sở ban hành Kế hoạch thanh tra năm học phù hợp với thực tiễn của địa phương và tổ chức thanh tra theo quy định.

Trong đó, đặc biệt tập trung thanh tra để kịp thời chấn chỉnh sai phạm trong việc dạy thêm học thêm, thu chi các khoản kinh phí đầu năm học và các vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm. Việc thanh tra về thu chi cũng bám sát tinh thần Công văn số 2794/BGDĐT-KHTC ngày 30/6/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc báo cáo và cam kết thực hiện giá dịch vụ giáo dục và chống lạm thu năm học 2017-2018.

Ông Trần Tú Khánh cho biết thêm, thời gian tới, cùng với những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về tài chính, thu chi trong các cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường hoạt động thanh kiểm tra tại các địa phương để kịp thời chấn chỉnh, kiến nghị xử lý những sai phạm.            

Theo tienphong.vn