Xã hội
Bài 2: Vai trò của công tác xã hội trong trợ giúp cộng đồng ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu
02:33 PM 11/10/2019
Trợ giúp người dân, cộng đồng trong thảm họa, thiên tai là một trong những lĩnh vực trọng tâm của công tác xã hội (CTXH), trong đó nhân viên CTXH đóng vai trò quan trọng hỗ trợ cộng đồng ngăn ngừa và giảm nhẹ thiệt hại của thiên tai, biến đổi (BĐKH) thông qua nhiều hoạt động trợ giúp trước, trong và sau thiên tai, bão lũ, tác động của BĐKH.
Công tác xã hội kết nối các nguồn lực, dịch vụ với đối tượng cần trợ giúp
Theo tác giả Bùi Thị Xuân Mai, CTXH là một nghề, một hoạt động chuyên nghiệp nhằm trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu và tăng cường chức năng xã hội, đồng thời thúc đẩy môi trường xã hội về chính sách, nguồn lực và dịch vụ nhằm giúp cá nhân, gia đình, cộng đồng giải quyết và phòng ngừa các vấn đề xã hội góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Nhân viên xã hội là người được đào tạo và trang bị các kiến thức, kỹ năng trong CTXH, họ có nhiệm vụ: Trợ giúp các đối tượng nâng cao khả năng giải quyết và đối phó với vấn đề trong cuộc sống; tạo cơ hội để các đối tượng tiếp cận được nguồn lực cần thiết; thúc đẩy sự tương tác giữa các cá nhân, giữa cá nhân với môi trường tạo ảnh hưởng tới chính sách xã hội, các cơ quan, tổ chức vì lợi ích của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng thông qua hoạt động nghiên cứu và hoạt động thực tiễn. Thúc đẩy sự hoạt động có hiệu quả và tính nhân văn của các hệ thống cung cấp nguồn lực và dịch vụ xã hội;Phát triển và cải thiện chính sách xã hội.
Nhân viên CTXH có vai trò giúp nâng cao năng lực, thúc đẩy người dân phát triển tối đa tiềm năng, làm phong phú đời sống của họ, và ngăn ngừa, giảm nhẹ các thiệt hại của người dân khi xảy ra thiên tai, BĐKH.
Tặng quà hỗ trợ người dân vùng lũ
Có thể kể tới một số hoạt động cụ thể của CTXH trong ứng phó với BĐKH như: trang bị kiến thức về bảo vệ môi trường; kiến thức về biện pháp phòng tránh và ứng phó với BĐKH; hỗ trợ người dân khu vực thiên tai; hỗ trợ phát triển sinh kế, giảm nghèo bền vững; giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng xã hội cho con người; phát triển cộng đồng… CTXH chuyên nghiệp tập trung vào quá trình giải quyết các vấn đề và sự biến đổi không ngừng của khí hậu cũng nằm trong phạm vi này.
Bên cạnh đó, CTXH có vai trò kết nối các đối tượng, kể cả những người chịu ảnh hưởng từ BĐKH với hệ thống các nguồn lực, dịch vụ và cơ hội trong xã hội như dịch vụ việc làm, dịch vụ chăm sóc y tế, hệ thống đầu tư cơ sở hạ tầng, nước sạch, các dự án, tổ chức phi chính phủ… Do đó, nhân viên CTXH là những tác nhân đổi mới trong xã hội, trong đời sống của các cá nhân, gia đình, cộng đồng mà họ phục vụ.
CTXH trong việc thích ứng với BĐKH ở Việt Nam bao gồm các nội dung sau:  Cung cấp các dịch vụ can thiệp hoặc hỗ trợ trực tiếp như tham vấn, quản lý CTXH với các cá nhân, CTXH với nhóm và phát triển cộng đồng chịu hậu quả của BĐKH; Điều phối, kết nối, chuyển gửi các cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng có khó khăn do hậu quả của BĐKH và có nhu cầu hỗ trợ đến các dịch vụ, nguồn lực phù hợp; Làm việc với các tổ chức xã hội và hệ thống xã hội, tạo thay đổi hỗ trợ cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng có khó khăn do chịu tác động từ BĐKH;  Tham gia thực hiện quản lý các dịch vụ hỗ trợ các cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc giải quyết hậu quả của BĐKH; Tham gia vào xây dựng và vận động chính sách hỗ trợ các cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng có khó khăn do BĐKH.
Ngoài ra, CTXH với tư cách là một chuyên ngành khoa học ứng dụng còn có vai trò đóng góp vào việc xây dựng và phát triển các chính sách xã hội nói chung và các chính sách, mô hình dịch vụ phù hợp liên quan đến ứng phó với BĐKH đối với các cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng tại nơi chịu ảnh hưởng của BĐKH.
Ở Việt Nam, đại bộ phận dân số nghèo phải sống trong những môi trường khắc nghiệt, khiến họ rất dễ bị tổn thương trước những biến đổi của khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Đặc biệt, người nghèo ở nông thôn, người nghèo ven biển là những nhóm đối tượng nhạy cảm nhất. BĐKH còn gây trở ngại lớn với những nỗ lực giảm nghèo của quốc gia và từng người dân. Trong khi đó, CTXH có vai trò trong việc giảm nghèo bền vững – một giải pháp được sử dụng để ứng phó với BĐKH. CTXH với người nghèo nhằm giúp đỡ cá nhân, gia đình và cộng đồng nghèo nâng cao năng lực để thoát nghèo bền vững, giúp họ đối mặt, vượt qua những rủi ro như thất học, thiếu việc làm, thiếu vốn… Bên cạnh đó,CTXH còn thúc đẩy các điều kiện xã hội để các cá nhân, gia đình nghèo tiếp cận được các chính sách, nguồn lực xã hội, giải quyết những nhu cầu cơ bản của cuộc sống.
Các nghiên cứu về góc độ giới cho thấy phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở nông thôn, phụ nữ mang thai và trẻ em chịu nhiều tác động của BĐKH hơn nam giới. Khi đó, nhân viên CTXH đã hỗ trợ nhiều cá nhân, phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các hoạt động cung cấp dịch vụ xã hội từ các trung tâm xã hội như công tác tham vấn, tư vấn, trợ giúp khẩn cấp… mang lại hiệu quả hơn cả. Nhiều trẻ em bị lạc, mất nguồn nuôi dưỡng… đã được các trung tâm tham mưu, đề xuất với các cơ quan chức năng ở địa phương giải quyết chế độ đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội, chăm sóc, nuôi dưỡng, phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình đưa các em trở về hòa nhập cộng đồng. Nhiều phụ nữ  gặp khó khăn về sinh kế sau thiên tai cũng được cán bộ của các trung tâm phối hợp với các tổ chức đoàn thể xã hội hỗ trợ nguồn vốn, đào tạo nghề.  
Nhân viên CTXH đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cộng đồng, người dân
nâng cao năng lực ứng phó đến hỗ trợ, khắc phục và giảm thiểu hậu quả
của thảm họa, thiên tai.
(Ảnh minh họa)
Nhân viên công tác xã hội trợ giúp người dân phòng ngừa, giảm nhẹ hậu quả của thiên tai, biến đổi khí hậu
Công tác xã hội với những chức năng cơ bản là: Phòng ngừa, Chữa trị, Phục hồi và Phát triển trong đó chức năng phòng ngừa đóng vai trò rất quan trọng, tuy nhiên các biện pháp phòng ngừa cũng chỉ có tác động giảm bớt sự rủi ro, tuyệt nhiên không làm mất đi sự rủi ro. Do đó nhân viên CTXH được ví như là Bác sỹ xã hội. Nhân viên CTXH đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cộng đồng, người dân từ nâng cao năng lực ứng phó đến hỗ trợ, khắc phục và giảm thiểu hậu quả của thảm họa, thiên tai.
Thảm họa thiên tai là một trong những lĩnh vực trọng tâm của công tác xã hội, trong đó nhân viên CTXH đóng vai trò quản lý thảm họa thiên tai trước, trong và sau thảm họa.
Trước thảm họa, thiên tai, nhân viên CTXH tập trung vào những nhiệm vụ phòng ngừa, giảm thiểu, cũng như nâng cao năng lực ứng phó khẩn cấp của cộng đồng thông qua việc chuẩn bị và lập kế hoạch nhằm giảm bớt tác hại của thảm họa, thiên tai gây ra thông qua các hoạt động phát triển chính sách; đánh giá tổn thương; cùng cộng đồng, cơ quan chức năng, tổ chức chuẩn bị ứng phó với thảm họa thiên tai; xây dựng kế hoạch đánh giá khẩn cấp để bảo đảm an toàn cho cộng đồng khi xảy ra thiên tai, thảm họa; hỗ trợ thiết lập các hệ thống cảnh báo sớm và chuẩn bị cho cộng đồng đối phó các thảm họa tự nhiên.
Trong và sau thảm họa thiên tai nhân viên CTXH phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức hỗ trợ người dân khi thảm họa xảy ra, đồng thời cũng tham gia khắc phục thảm họa bằng cách hỗ trợ, tạo điều kiện khôi phục sinh kế, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tâm lý xã hội và xây dựng  cộng đồng hướng tới sự phát triển bền vững.
Ngoài ra, nhân viên CTXH còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển cộng đồng -  một trong 3 phương pháp cơ bản của nghề công tác  xã hội, trong đó nhân viên CTXH được goị là tác viên cộng đồng, những người sẽ hỗ trợ cộng đồng nhận diện được vấn đề, xác định vấn đề, xây dựng kế hoạch giải quyết vấn đề.
Mục đích của hoạt động phát triển cộng đồng trong ứng phó với thiên tai là hỗ trợ cộng đồng nâng cao năng lực trong nhận thức được nguy cơ đối đầu với thiên tai, tiếp nhận một cách hiệu quả các dịch vụ trợ giúp, đáp ứng các nhu cầu và giải quyết các vấn đề  của cộng đồng trong thiên tai và hỗ trợ cộng đồng phục hồi sau thiên tai
Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao trong lĩnh vực ứng phó với sự biến đổi khi hậu trên địa bàn Hà Nội, theo Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Hà Nội, nhân viên CTXH tại cộng đồng cần thực hiện tốt những nội dung sau:  Tăng cường công tác tuyên truyền quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về công tác phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu. Tuyên truyền Luật phòng, chống thiên tai và các quy định của Nhà nước, của địa phương liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai. Quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong quá trình tham gia các hoạt động phòng chống thiên tai phù hợp với từng đối tượng. Ví dụ tuyên truyền vận động lực lượng thanh niên khi thiên tai xảy ra họ phải là lực lượng đi đầu trong các hoạt động trợ giúp người dân như đưa người già, trẻ em, người khuyết tật đi sơ tán khỏi vùng bị ngập úng…
Thông qua các hoạt động truyền thông nhân viên CTXH cần lòng ghép với việc truyền đạt về kỹ năng ứng phó khi thiên tại xảy ra nhằm giảm thiệt hại về người, tài sản.
 Kết nối người dân vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu với các  nguồn lực, dịch vụ trợ giúp để họ lựa chọn các loại hình dịch vụ phù hợp với sức khỏe, khả năng, điều kiện của bản thân, gia đình để thay đổi cuộc sống.
Điều phối, kết nối và cung cấp các dịch vụ xã hội một cách dân chủ, công khai, minh bạch  để mọi người dân cùng giám sát, đồng hành trong quá trình khắc phục các thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra. Khi tiếp nhận sự trợ giúp NVCTXH phải lập danh sách cập nhật đơn vị trợ giúp và danh sách các đối tượng cần nhận sự trợ giúp để tránh bỏ sót hay trùng lặp việc nhận đồ cứu trợ, tránh gây “bức xúc” trong nhân dân và giúp người dân, cộng đồng sớm ổn định cuộc sống.
Thảo Lan