Xã hội
Ủy ban Quốc gia về trẻ em thống nhất Kế hoạch hoạt động năm 2018
02:29 PM 06/12/2017
(LĐXH) - Nhằm thúc đẩy việc thực hiện quyền trẻ em trong các cơ quan Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về trẻ em. Uỷ ban hoạt động theo cơ chế phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ về quyền trẻ em, bao gồm tất cả các Bộ, trong đó các Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế giữ vai trò Phó Chủ tịch. Ủy ban do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đứng đầu, đánh dấu một cột mốc mới trong những nỗ lực thực hiện quyền trẻ em của Chính phủ.

Ủy ban quốc gia về trẻ em do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đứng đầu đã họp thảo luận các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018

Uỷ ban quốc gia về trẻ em đưa ra một cơ chế điều phối quan trọng hỗ trợ Việt Nam thực hiện nghĩa vụ báo cáo nhà nước về việc thực hiện các quyền của trẻ em. Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các quyền này thông qua việc báo cáo tình hình thực hiện Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, cũng như các hiệp ước và công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã phê chuẩn bao gồm Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Công ước về Quyền của người khuyết tật, và Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những cải cách pháp lý đáng kể. Hiến pháp, được Quốc hội thông qua vào năm 2013, có 1 chương về quyền con người với 1 điều khoản cụ thể về quyền trẻ em và vai trò của Nhà nước trong bảo vệ trẻ em. Điều quan trọng là Luật Trẻ em mới có hiệu lực gần đây quy định rõ hơn các điều khoản này trong Hiến pháp bằng cách đưa ra một khung pháp lý để thực hiện các quyền của tất cả trẻ em ở Việt Nam phù hợp hơn Công ước về Quyền Trẻ em.

Với tính chất liên ngành của Luật Trẻ em, Uỷ ban Quốc gia về Trẻ em có vai trò hướng dẫn cụ thể việc thực hiện, bảo đảm tất cả các Bộ, ngành liên quan tham gia và chịu trách nhiệm về việc thực hiện cũng như đảm bảo tính phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế về quyền trẻ em. Ủy ban cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo Chính phủ phân bổ đủ nguồn lực và thu thập số liệu để thực hiện quyền trẻ em theo hướng dẫn của Công ước quốc tế và Luật Trẻ em.

Mặc dù Việt Nam đã đạt được tiến bộ trong việc giảm nghèo, tăng tỷ lệ nhập học và giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em nhưng vẫn còn một chương trình nghị sự chưa hoàn thành cần có sự nỗ lực và sự quan tâm của tất cả các bộ ngành. Số liệu về trẻ em (dưới 18 tuổi) ở Việt Nam vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ. Điều này tạo ra những thách thức rất lớn trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách và chương trình cho trẻ em. Việc thiếu số liệu cũng là một thách thức đối với Việt Nam trong việc theo dõi và báo cáo về tình hình thực hiện Quyền con người và Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam. UNICEF đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Chính phủ thực hiện Điều tra Đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ (MICS) trong suốt 18 năm qua và Ủy ban Quốc gia về trẻ em có thể giúp đưa điều tra MICS vào quá trình thu thập số liệu thường xuyên của quốc gia.

Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam: "Đòi hỏi phải có các giải pháp đột phá để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau"

Ông Youssouf Abdel-Jelil, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam chia sẻ: “Trên thế giới, có nhiều bằng chứng thuyết phục rằng những giây phút đầu tiên của cuộc đời trẻ em mang lại cơ hội vô song để thúc đẩy sự phát triển não bộ của trẻ, và điều này rất quan trọng với sự tăng trưởng kinh tế và khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Nhưng cơ hội này thường xuyên bị lãng phí khiến đất nước chỉ còn lại lực lượng lao động trẻ tuổi với sức khoẻ kém, thiếu kỹ năng và giảm khả năng tạo thu nhập. Ủy ban có thể tạo ra sự thay đổi cho cuộc sống của mọi trẻ em ở Việt Nam bằng cách tăng cường sự hợp tác giữa các Bộ, ngành và các đối tác nhằm phá vỡ vòng luẩn quẩn của đói nghèo và chênh lệch, đồng thời thúc đẩy Việt Nam tiến tới đạt mục tiêu trở thành một nền kinh tế thế kỷ 21”.

Ủy ban sẽ có vai trò đưa ra đường hướng mới trong việc thực hiện quyền trẻ em và đảm bảo rằng "không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau" trong việc duy trì tiến bộ hướng tới đạt Mục tiêu Phát triển bền vững. Ngày 6/12/2017, Ủy ban đã thảo luận Kế hoạch hoạt động năm 2018 và đã thống nhất một số nội dung nhiệm vụ cơ bản.

Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia về trẻ em báo cáo về các nhiệm vụ năm 2018

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia về trẻ em đã chính thức thông báo 06 nhiệm vụ Ủy ban sẽ thực hiện trong năm 2018, cụ thể:

1. Tập trung chỉ đạo việc phối hợp, điều hòa giữa các bộ, ngành, tổ chức, và các địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu của các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch về trẻ em Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020, đặc biệt là việc thực hiện công tác bảo vệ trẻ em tại địa phương và các cơ sở theo quy định của Luật Trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP; đảm bảo xây dựng môi trường lành mạnh cho sự phát triển của trẻ em, tạo điều kiện mọi trẻ em thực hiện các quyền cơ bản là: Quyền sống còn, quyền được phát triển, quyền được bảo vệ và quyền tham gia.

2. Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương rà soát, bổ sung, sửa đổi các chính sách hỗ trợ đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt phù hợp với quy định của Luật Trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em.

3. Triển khai các hoạt động liên ngành tăng cường thực hiện các Chỉ thị số 17 năm 2016 và Chỉ thị số 18 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống đuối nước trẻ em và  phòng, chống và xử lý nghiêm các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục đối với trẻ em.

4. Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương về trách nhiệm thực hiện Công ước về quyền trẻ em và những khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc đối với báo cáo định kỳ thực hiện Công ước của Việt Nam.

5. Chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quy định của Luật Trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP, đặc biệt các quy định về phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp kịp thời các trường hơp trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Nghiêm túc thực hiện báo cáo Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân về kết quả thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em hàng năm.

6. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trẻ em, đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các cơ quan truyền thông trong phổ biến tri thức, tư vấn kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ em.

Đăng Doanh