Kinh tế
Ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hóa hoạt động ngân hàng: Thực trạng và giải pháp
11:59 AM 20/11/2018
(LĐXH) Trong xu thế nền kinh tế nước ta đang từng bước thực hiện cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong hệ thống ngân hàng Việt Nam là một yêu cầu bức thiết, cần có những bước đi kịp thời, phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Nhận thức được vị trí, vai trò của công nghệ thông tin trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung và trong ngành ngân hàng nói riêng, ngay từ những năm 90 của thế kỷ XX, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động xây dựng và thực hiện chiến lược ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) trong hệ thống ngân hàng phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công nghệ thông tin tại các văn bản: Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/3/1991 của Bộ Chính trị; Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khoá VII) ngày 30/7/1994; Nghị quyết số 49/CP ngày 4/8/1993 của Chính phủ, Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị khóa VIII về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước,...
Sau gần ba thập kỷ ưu tiên nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển và đẩy mạnh ứng dụng CNTT, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã xây dựng được một nền tảng hạ tầng kỹ thuật CNTT tương đối hiện đại và đồng bộ, kết nối liên hoàn hoạt động kinh doanh của các Tổ chức tín dụng (TCTD) với các hoạt động quản lý và điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước (NHNN). Trong xu thế nền kinh tế nước ta đang từng bước thực hiện cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong hệ thống ngân hàng Việt Nam là một yêu cầu bức thiết, cần có những bước đi kịp thời, phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Trong bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến thực trạng việc ứng dụng CNTT trong hệ thống ngân hàng giai đoạn từ năm 2013 đến 2016 và trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng và phát triển CNTT trong hệ thống ngân hàng giai đoạn từ 2017 đến năm 2020.

Việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong hệ thống ngân hàng Việt Nam

đang là một yêu cầu bức thiết (Ảnh minh họa)

Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống ngân hàng Việt Nam giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2016
Tiếp tục thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ứng dụng và phát triển CNTT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, định hướng việc ứng dụng CNTT trong hệ thống ngân hàng, như: Kế hoạch ứng dụng CNTT của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015 ban hành kèm theo Quyết định số 627/QĐ-NHNN ngày 06/4/2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Kế hoạch ứng dụng CNTT trong ngành ngân hàng giai đoạn 2013 - 2015 ban hành kèm theo Quyết định số 2752/QĐ-NHNN ngày 27/11/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,... Các văn bản này cùng với các văn bản pháp luật của Nhà nước đã tạo ra khung pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT trong toàn bộ hệ thống ngân hàng và góp phần tạo ra những thành tựu trong hoạt động của hệ thống ngân hàng từ năm 2013 đến nay, cụ thể như sau:
Một là, chất lượng và tiện ích dịch vụ ngân hàng điện tử ngày càng được nâng cao. Đến nay khoảng trên 80% TCTD đã cung cung cấp dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking và hầu hết các TCTD đã triển khai dịch vụ ngân hàng trực tuyến,...
Hai là, chất lượng dịch vụ thanh toán điện tử, thanh toán thẻ điện tử không ngừng được nâng cao. Tính đến nay, hơn 64% TCTD đã thực hiện việc thanh toán điện tử, thanh toán thẻ, 65% Tổ chức tín dụng triển khai hỗ trợ khách hàng qua Call Center, 40% TCTD triển khai quản trị nguồn lực (ERP), quản lý chỉ số đánh giá thực hiện công việc (KPI),... Với các hoạt động này cùng với phương châm lấy khách hàng làm trung tâm đã đem đến kết quả là số lượng giao dịch qua ATM và POS đều tăng trưởng ở mức cao, tương ứng là 87% và 77% so với năm 2013,...
Ba là, công tác an ninh, an toàn cho hệ thống CNTT của các Tổ chức tín dụng luôn được chú trọng nhằm đảm bảo hoạt động của toàn bộ hệ thống TCTD được liên tục, quyền lợi của khách hàng luôn được đảm bảo, chẳng hạn như: 100% TCTD có chiến lược, kế hoạch về an toàn CNTT, 100% TCTD đã ban hành và cập nhật thường xuyên các quy trình, quy định sử dụng, vận hành hệ thống hạ tầng CNTT; trên 90% TCTD đã triển khai Hệ thống quản lý truy cập Internet, hệ thống phòng chống thư rác,...
Bốn là, hoạt động ứng dụng CNTT trong hệ thống ngân hàng luôn được cập nhật và nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế về CNTT, như: 72% các TCTD hoàn thành xây dựng, nâng cấp TTDL chính đạt tiêu chuẩn TIA-942 từ mức độ 2 trở lên, 65% các TCTD hoàn thành xây dựng, nâng cấp TTDL dự phòng đạt tiêu chuẩn TIA-942 từ mức độ 2 trở lên,...
 Bên cạnh những kết quả đã đạt được như trên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT trong hệ thống ngân hàng vẫn còn có một số bất cập, chưa đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của thực tiễn, cụ thể như sau:
- CNTT phát triển nhanh, trong khi các quy định pháp luật cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện nay của Nhà nước chưa theo kịp với thực tế đã làm giảm hiệu quả ứng dụng CNTT trong các TCTD.
-  Nguồn nhân lực công nghệ thông tin của  các TCTD đều đang đứng trước khó khăn thiếu hụt về nhân lực CNTT có trình độ cao. Một số đơn vị hiện chưa có bộ phận hoặc cán bộ chuyên trách về an ninh, an toàn thông tin; các dịch vụ CNTT phức tạp phần lớn phải thuê ngoài. Bên cạnh đó, một số TCTD còn thiếu quy định về ưu tiên, đãi ngộ, tôn vinh nhân lực trình độ cao về CNTT nên vẫn còn tình trạng nhân lực về CNTT chưa an tâm cống hiến và gắn bó lâu dài với các TCTD đó.
-  Ứng dụng CNTT trong nâng cao năng lực quản trị điều hành cũng như kiểm soát rủi ro theo chuẩn mực của Basel II còn nhiều hạn chế. Ở một số TCTD, nhân lực CNTT phải kiêm nhiệm nhiều công việc nên tính chuyên môn hóa chưa cao. Bên cạnh đó, việc triển khai các dự án CNTT ở một số một số TCTD còn bị kéo dài do các TCTD này chưa thực sự được chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế, trong hoạt động tác nghiệp lại thiếu ổn định, phát sinh nhiều thay đổi,...
- Việc triển khai kiến trúc CNTT mới gặp nhiều khó khăn do hệ thống cũ đang sử dụng chưa tương thích và không đáp ứng được với kiến trúc CNTT mới, đòi hỏi phải được điều chỉnh hoặc thay thế thiết bị mới dẫn đến phát sinh chi phí ngoài mong muốn của các TCTD. Ví dụ như: việc ứng dụng dịch vụ (Service Oriented Architecture - SOA) ở một số TCTD không thực hiện được ngay do trục tích hợp (ESB) kết nối các ứng dụng, sản phẩm dịch vụ không tích hợp được với hệ thống cũ đang sử dụng, vì thế các thiết bị cũ cần được điều chỉnh  hoặc thay thế mới để phù hợp với kiến trúc SOA, ESB,...
- Việc xây dựng, triển khai kế hoạch đảm bảo hoạt động liên tục của hệ thống thông tin ở các TCTD gặp nhiều khó khăn, nhất là các TCTD có quy mô nhỏ do việc triển khai các công việc này đòi hỏi có thời gian, nhân lực và khoản chi phí mua trang thiết bị không nhỏ.
- Hệ thống thẻ thanh toán ở các TCTD hiện nay chủ yếu vẫn là thẻ từ, số lượng TCTD sử dụng thẻ chíp trong thanh toán còn ít. Do đó nếu chuyển đổi sang thanh toán thẻ chip, các TCTD sẽ phải đầu tư, nâng cấp toàn bộ hạ tầng thiết bị chấp nhận thẻ với chi phí khá tốn kém và đây cũng làm một trở ngại không nhỏ đối với các TCTD trong việc nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống thanh toán của các TCTD.
Một số kiến nghị
CNTT là một trong những động lực quan trọng bậc nhất của sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước nói chung và của hệ thống ngân hàng nước ta nói riêng. Việc ứng dụng và phát triển CNTT trong mọi mặt hoạt động của hệ thống ngân hàng trong gần ba thập kỷ qua đã đem lại những thành quả tích cực trong hoạt động kinh doanh của từng TCTD, đồng thời cũng làm tăng năng lực cạnh tranh của các TCTD trong thị trường tài chính, tiền tệ khu vực và trên thế giới. Với vai trò to lớn như vậy, việc xác định đúng phương hướng phát triển của việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của hệ thống ngân hàng sẽ tạo nên động lực thúc đẩy cho sự phát triển bền vững của toàn bộ hệ thống ngân hàng và góp phần vào việc thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhằm góp phần vào việc thực hiện thành công chiến lược ứng dụng và phát triển CNTT thời kỳ tiệm cận cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2020 trong hệ thống ngân hàng, chúng tôi xin đề xuất một giải pháp như sau:
Thứ nhất, sửa đổi, ban hành các văn bản pháp luật về công nghệ thông tin theo hướng phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về công nghệ thông tin trong điều kiện kinh tế, xã hội của nước ta và đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Thư hai, tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan trong việc chỉ đạo và triển khai đồng bộ từ các giải pháp về các sản phẩm dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao đến các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, cùng với đó là nghiên cứu, ban hành các chính sách đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số trong các loại hình dịch vụ điện tử.
Thứ ba, các TCTD cần xây dựng chiến lược nguồn lực về CNTT theo hướng chuyên nghiệp hóa, đồng thời xây dựng cơ chế chi trả lương phù hợp để thu hút nguồn nhân lực CNTT cũng như để họ yên tâm công hiến và gắn bó lâu dài với TCTD.
Thứ tư, các dự án CNTT của các TCTD cần được đánh giá kỹ lưỡng về sự cần thiết, tính khả thi và hiệu quả của các dự án nhằm đảm bảo phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển của Ngành cũng như định hướng phát triển của TCTD.
Thứ năm, các TCTD cần tranh thủ các nguồn vốn quốc tế, nguồn vốn đầu tư phát triển và các nguồn vốn khác để triển khai đồng bộ các hệ thống thông tin hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện tại cũng như sau này.
Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, các Bộ ngành trong việc thực hiện dự án CNTT từ việc đánh giá tiến độ giải ngân theo kế hoạch vốn đã được phê duyệt đến việc xác định hiệu quả dự án CNTT ở các TCTD.
Hà Thùy Linh

  Ngân hàng Xây dựng