Xã hội
UN Women kêu gọi thúc đẩy hỗ trợ doanh nhân nữ tại APEC 2017
03:09 PM 28/09/2017
Ngày 28/9/2017, tại buổi lễ khai mạc “Diễn đàn Doanh nhân nữ” trong khuôn khổ "Đối thoại Công-Tư về Phụ nữ và Kinh tế” của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC 2017), Phó Tổng Giám đốc Điều hành UN Women, bà Lakshmi Puri đã kêu gọi hành động để tạo điều kiện phát triển cho doanh nhân nữ trong khu vực và trên toàn cầu.
Diễn đàn là một hoạt động của Hội nghị Đối tác Chính sách về Phụ nữ và Kinh tế (PPWE) của APEC, với sự tham gia của 500 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC, nhằm phát triển sự hội nhập và trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong một thế giới đang thay đổi. Các ưu tiên của diễn đàn bao gồm thúc đẩy bình đẳng giới nhằm phát triển kinh tế toàn diện, nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, và thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực. Được thành lập vào năm 2011, mục tiêu của PPWE là thúc đẩy hội nhập kinh tế của phụ nữ trong các nền kinh tế thành viên APEC vì lợi ích của tất cả các thành viên và phối hợp các hoạt động giới trong các nhóm làm việc khác của APEC.
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung tiếp bà Lakshmi Puri, Phó Tổng giám đốc Điều hành UN Women
Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững thừa nhận tầm quan trọng của việc kinh doanh và công việc ổn định. Kinh doanh tạo ra việc làm ổn định và mang đến sự thịnh vượng khi các doanh nghiệp khởi sắc và phát triển. Theo ước tính, nếu phụ nữ thành lập các doanh nghiệp theo tăng trưởng thành công với tỷ lệ tương tự như nam giới, thì ước tính sẽ có thêm 74 triệu việc làm được tạo ra ở Trung Quốc.
“Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ đang và mãi mãi sẽ là khoản đầu tư hứa hẹn nhất, tiềm năng và đem lại lợi nhuận cao nhất”, bà Lakshmi Puri, Phó Tổng giám đốc Điều hành UN Women, phát biểu trước đại biểu của 21 nền kinh tế thành viên APEC.
Bà Lakshmi Puri, Phó Tổng giám đốc Điều hành UN Women phát biểu tại lễ khai mạc “Diễn đàn Doanh nhân nữ”
“Đây là một khoản đầu tư đúng đắn, thông minh và hết sức cần thiết để xóa đói giảm nghèo; tăng trưởng kinh tế toàn diện, bền vững và nhanh chóng; giảm bất bình đẳng và không bỏ lại ai phía sau; cũng như để đem lại sự phát triển bền vững cho tất cả mọi người”, bà nói thêm.
APEC bao gồm các nền kinh tế đa dạng. Là một tổ chức khu vực, APEC đã có những nỗ lực chủ động nhằm thúc đẩy sự trao quyền kinh tế cho phụ nữ. Mặc dù tiến độ có khác nhau, nhưng nhiều quốc gia vẫn tiếp tục đối mặt với những thách thức về giới. Ví dụ, có tới 75% phụ nữ tham gia vào việc làm phi chính thức ở các nước APEC, và thường dễ bị tổn thương do thiếu tiếp cận với bảo trợ xã hội. Có rất ít các nền kinh tế thành viên APEC có hơn 50% các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Báo cáo của UN Women năm 2012 đã chỉ ra rằng giới hạn việc tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương gây thiệt hại cho nền kinh tế khoảng 89 tỷ USD mỗi năm.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Phó Tổng giám đốc Điều hành UN Women Lakshmi Puri cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Bà Lakshmi Puri nhấn mạnh: "Sự phân biệt đối xử có tính hệ thống với phụ nữ đã hạn chế sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của họ vào nền kinh tế, nhưng khi phụ nữ có thu nhập ổn định và tự chủ kinh tế, họ có cơ hội tốt hơn để thực hiện nhiều quyền xã hội, chính trị và kinh tế.”
Diễn đàn bao gồm bốn phiên họp chính: (1) Sự tham gia kinh tế, tài chính và xã hội của phụ nữ - Động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm; (2) Nữ doanh nghiệp trên thị trường toàn cầu đang thay đổi; (3) Thúc đẩy doanh nghiệp nữ trong kỷ nguyên số và (4) Xây dựng tầm nhìn về nâng cao quyền năng phụ nữ của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thế giới.
UN Women cũng tham gia cuộc thảo luận mở về "Xây dựng tầm nhìn về nâng cao quyền năng phụ nữ của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thế giới", điều phối bởi bà Elisa Fernandez, Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam với sự tham gia của bà Miwa Kato, Giám đốc Điều hành UN Women Khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
PV