Xã hội
Tuyên Quang huy động nguồn lực cho giảm nghèo bền vững
08:14 AM 30/11/2020
(LĐXHH)- Giai đoạn 2016 - 2020, các nguồn lực phục vụ công tác giảm nghèo được tỉnh Tuyên Quang huy động hiệu quả, đạt được những kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm từ 27,81% đầu năm 2016 xuống còn 9,03% cuối năm 2020.
Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc với tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm hơn 54%, kinh tế phát triển chậm, đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, bước vào đầu giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn khá cao. Đầu năm 2016, toàn tỉnh có 55.827 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 27,81% và 18.050 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 8,99%. Tỷ lệ hộ nghèo cao vẫn tập trung chủ yếu ở các huyện vùng cao, các xã đặc biệt khó khăn, trong đó tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh là huyện Lâm Bình với 60,79%, huyện Na Hang với 50,08%, hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm 78,5% so với tổng số hộ nghèo.

Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH Đào Ngọc Dung ủng hộ Quỹ vì người nghèo tỉnh Tuyên Quang

Những năm qua, Tuyên Quang đã xác định công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh việc chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, Tuyên Quang đã chủ động nghiên cứu, ban hành và triển khai thực hiện nhiều chính sách, cơ chế, giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo phù hợp với điều kiện của tỉnh và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững trong điều kiện còn nhiều khó khăn và thách thức, song tỉnh Tuyên Quang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ phát triển kinh tế trên các lĩnh vực. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 01 Nghị quyết, HĐND tỉnh ban hành 05 Nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 04 Kế hoạch và 06 Quyết định triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2016 – 2020… Trên cơ sở bám sát đặc điểm địa phương, cấp ủy Đảng các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại; xây dựng và phát triển tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững...
Ngoài ra, tỉnh cũng đã ban hành một số chính sách riêng để hỗ trợ người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, như chính sách hỗ trợ thêm 10% mức đóng BHYT cho hộ cận nghèo; chính sách hỗ trợ kinh phí (bằng 100% mức lượng cơ sở) cho học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo học học tại Trường THPT Chuyên tỉnh Tuyên Quang và một số chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nông thông, vùng sản xuất hàng hóa, gắn với xây dựng nông thôn mới…

Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm trao Bằng khen cho các tập thể vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020

Chính vì vậy, qua 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, với các chính sách hỗ trợ đắc lực của Trung ương, các giải pháp triển khai có hiệu quả của các cấp, các ngành địa phương, cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân, công tác giảm nghèo ở Tuyên Quang đang thu được những kết quả khá rõ nét. Tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm từ 27,81% đầu năm 2016 xuống còn 9,03% cuối năm 2020, bình quân giảm 3,76%/ năm, đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo Lâm Bình, Na Hang giảm bình quân 5,34%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã nghèo giảm bình quân 6,55%, tỉnh không còn hộ nghèo thuộc gia đình chính sách, người có công với cách mạng…
Theo báo cáo của Sở Lao động – TBXH Tuyên Quang, trong giai đoạn 2016 – 2020, tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn đạt 885,444 tỷ đồng, gồm: ngân sách Trung ương hỗ trợ 851,251 tỷ đồng đồng (vốn đầu tư phát triển 631,192 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 220,059 tỷ đồng), ngân sách địa phương 10,250 tỷ đồng, huy động khác và nhân dân đóng góp gần 24 tỷ đồng.
Trong đó, hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo là 32,754 tỷ đồng; UBND các huyện Lâm Bình, Na Hang tổ chức thực hiện 38 dự án hỗ trợ giống, cây trồng vật nuôi, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, làm dịch vụ cho khoảng 2.700 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Đối với việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135, Tuyên Quang được bố trí vốn là 7,304 tỷ đồng; UBND các huyện, thành phố đã triển khai thực hiện 38 dự án cho 927 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo hưởng lợi.
Bên cạnh đó, thực hiện chính sách giảm nghèo chung, tỉnh Tuyên Quang còn cho 52.485 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay vôn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, với doanh số cho vay trên 2.030 tỷ đồng; tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất cho trên 148.000 lượt hộ hộ nghèo, cận nghèo; thực hiện 513 mô hình trình diễn áp dụng các giống mới, kỹ thuật mới với trên 13.500 hộ tham gia (trong đó có trên 2.140 hộ nghèo); hỗ trợ cho hơn 4.200 hộ nghèo làm nhà, sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí 111 tỷ đồng. Đến nay, một số dự án mang lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình như: rau bò khai, nuôi trâu sinh sản (huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Sơn Dương); cà gai leo (huyện Sơn Dương); tre bát độ, chè Shan (huyện Na Hang); dê sinh sản (huyện Lâm Bình); bò sinh sản (huyện Yên Sơn, Sơn Dương); vịt bầu (huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa)...
Để đạt được những kết quả trên, khâu quan trọng đầu tiên được tỉnh Tuyên Quang xác định trong công tác giảm nghèo chính là tìm ra nguyên nhân nghèo để có biện pháp hỗ trợ hộ nghèo kịp thời, hiệu quả. Chính vì vậy, hằng năm, ngành Lao động - TBXH đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố tiến hành rà soát số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, đồng thời tổ chức đánh giá chất lượng thực hiện Chương trình giảm nghèo để tiếp tục triển khai các giải pháp phù hợp. Sau khi xác định nguyên nhân nghèo sẽ triển khai các chương trình hỗ trợ phù hợp với từng hoàn cảnh hộ nghèo gắn với thế mạnh phát triển kinh tế ở địa phương, giúp giảm nghèo nhanh và bền vững. Các nhóm giải pháp được triển khai là hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho người nghèo tham gia các lớp tập huấn trồng trọt, chăn nuôi, học nghề, hỗ trợ về nhà ở... tạo động lực để hộ nghèo vươn lên.
Một trong những địa phương đi đầu về thực hiện công tác giảm nghèo ở Tuyên Quang phải kể đến huyện Yên Sơn. Vừa tranh thủ mọi nguồn lực để triển khai thực hiện chương trình, mục tiêu giảm nghèo, huyện còn vừa tuyên truyền, động viên người dân tích cực phát huy nội lực để giảm nghèo và phát triển kinh tế. Cùng với việc đẩy mạnh hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, Yên Sơn luôn coi trọng việc nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời, quan tâm thực hiện tốt các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Nhờ đó, tính đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện chỉ còn chiếm 8,28%, thấp hơn so với tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh.

Thành viên Ban giảm nghèo xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang) tuyên truyền về xóa đói giảm nghèo tại thôn 1

Anh Sùng Seo Pao, người dân tộc Mông ở xã Đạo Viện (huyện Yên Sơn) cho biết: Trước đây, kinh tế gia đình rất khó khăn, đất đồi có sẵn nhưng do không biết cách làm ăn, chăn nuôi nên cái nghèo cứ đeo bám. Từ năm 2017, gia đình được cán bộ xã, trưởng thôn đến tuyên truyền chính sách thoát nghèo, hỗ trợ làm hồ sơ vay vốn 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và được học nghề chăn nuôi. Từ đó, gia đình mình đầu tư vào mua trâu sinh sản, mua cây keo mỡ giống để trồng. Đến nay, đàn trâu đã có 4 con và 5ha rừng phát triển tốt. Hiệu quả thu được từ mô hình đã giúp gia đình thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ kinh tế khá, thu nhập gần đây đạt khoảng 70 triệu đồng/năm.
Cùng với Yên Sơn, các huyện, thành phố khác ở Tuyên Quang cũng có nhiều nỗ lực trong thực hiện công tác giảm nghèo, gắn với nâng cao chất lượng mọi mặt đời sống người dân. Cụ thể như tại huyện Sơn Dương, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, tạo điều kiện và khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ hơn 25% xuống còn 6,66% vào cuối năm 2020, bình quân mỗi năm giảm 3,68%.
Anh Ma Văn Quyết, dân tộc Tày ở thôn Cả, xã Minh Thanh (huyện Sơn Dương) nhớ lại quá trình thoát nghèo và chia sẻ: Được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng, mình đầu tư mở cửa hàng bán tạp hóa, chăn nuôi trâu kết hợp với buôn bán và mua ô tô vận tải để vận chuyển các loại vật liệu phục vụ nhân dân quanh vùng. Sau nhiều năm chịu chịu khó cần cù lao động, phát triển sản xuất, kinh doanh nên thu nhập của gia đình dần khấm khá lên. Đến nay, tổng thu nhập trong năm của gia đình đạt trên 170 triệu đồng…
Tiếp đến, phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên được các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, thực hiện. MTTQ và các tổ chức, đoàn thể trong tỉnh đã kêu gọi, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng, gắn với các phong trào, cuộc vận đông khác như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình anh sinh xã hội của tỉnh, tham gia ủng hộ đồng bào cả nước gặp thiên tai, lũ lụt...

Cán bộ khuyến nông xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương (tinh Tuyên Quang) hướng dẫn nông dân thôn Hưng Thịnh trồng cây tỏi để nâng cao thu nhập

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Tuyên Quang đề mục tiêu triển khai xây dựng Đề án giảm nghèo đảm bảo hiệu quả; triển khai chính sách hộ trợ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo về đào tạo nghề, tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người nghèo. Đồng thời cung cấp, đáp ứng đủ nhu cầu vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống; đa dạng hóa các hình thức tạo sinh kế cho người nghèo; đổi mới công tác tuyên truyền, vận động để hộ nghèo nhận thức rõ vai trò trách nhiệm bản thân để vươn lên, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, phấn đấu giai đoạn 2021-2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2-2,5%/ năm…
Mới đây (ngày 25/11/2020), dự Hội nghị tổng kết Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Tuyên Quang, đồng chí Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXh đã phát biểu đề nghị: Trong giai đoạn 2021 - 2026, tỉnh Tuyên Quang cần đẩy mạnh các giải pháp nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển, đặt mục tiêu giảm nghèo nhanh, toàn diện, bao trùm và bền vững. Chú trọng công tác đào tạo nghề, nâng tầm kỹ năng của lao động, tạo việc làm thỏa đáng, xây dựng hệ thống an sinh bền vững cho người dân.  Đồng thời, chuẩn bị xây dựng và ban hành chuẩn nghèo giai đoạn mới theo hướng yêu cầu cao hơn, chất lượng hơn; thực hiện đa dạng hóa, tạo sinh kế cho người dân để nâng cao đời sống người dân; khuyến khích xã hội hóa, sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đối với công tác giảm nghèo; thực hiện hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo về chính sách, sinh kế, tuyên truyền loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại và Nhà nước, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên của mỗi hộ nghèo, giúp công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao…

Chí Tâm