Lao động
Tuyên Quang giảm đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 1.718 đơn vị
07:58 AM 03/04/2022
(LĐXH)- Tính đến cuối tháng 3/2022, toàn tỉnh Tuyên Quang đã điều chỉnh giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 1.718 đơn vị, tương ứng với 32.323 lao động, tổng số tiền hơn 6,444 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Tuyên Quang, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, đến thời điểm cuối tháng 3/2022, tổng số lượt đối tượng được phê duyệt hỗ trợ trên địa bàn tỉnh là 42.568 đối tượng (người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh), tổng kinh phí hỗ trợ gần 23 tỷ đồng.
Cụ thể, về chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ; gửi thông báo về việc giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời gian 12 tháng (từ ngày 01/7/2021 đến ngày 30/6/2022) đến các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn. Đến nay, đã thực hiện điều chỉnh giảm mức đóng cho 1.718 đơn vị, tương ứng với 32.323 lao động, tổng số tiền hơn 6,444 tỷ đồng.

Tỉnh Tuyên Quang đã có 32.323 lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Đối với chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ 86 lao động, mức hỗ trợ 3.710.000 đồng/người (trong đó có 02 lao động mang thai, 31 lao động nuôi con nhỏ với 34 trẻ em, mức hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người), tổng số tiền hỗ trợ 355.060.000 đồng.
Thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ 05 lao động bị ngừng việc thuộc đối tượng cách ly y tế, phong tỏa, mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/người (trong đó có 03 lao động mang thai, mức hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người), tổng số tiền hỗ trợ 8.000.000 đồng.
Chính sách hỗ trợ người điều trị Covid-19, cách ly y tế; hỗ trợ thêm đối với trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, đến cuối tháng 3/2022, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ 5.584 người (có 883 người F0, 4.701 người F1) với tổng số tiền hỗ trợ là 7.114.120.000 đồng (trong đó có 524 trẻ em và 02 đối tượng đang hưởng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh).
Về chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch, tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ 57 viên chức hoạt động nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch, tổng số tiền 211.470.000 đồng (22 viên chức hoạt động nghệ thuật và 35 hướng dẫn viên du lịch).
Thực hiện chính sách cỗ trợ hộ kinh doanh, Cục Thuế tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo Phòng Kê khai và Kế toán thuế, các Chi cục Thuế chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan triển khai lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với các hộ kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đủ điều kiện. Tính đến ngày cuối tháng 3/2022, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ 951 hộ kinh doanh, tổng kinh phí hỗ trợ 2.853.000.000 đồng.
Về chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn đề trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh thông báo đến các cơ quan, đơn vị thuộc có nhu cầu vay vốn và đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định được tư vấn, hướng dẫn thủ tục làm hồ sơ vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 bảo đảm kịp thời. Tính đến cuối tháng 3/2022, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho vay vốn 05 đơn vị để trả lương cho 67 lao động, với số tiền 615.386.000 đồng.
Thực hiện chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ cho 3.494 người lao động với kinh phí 5.382.650.000 đồng theo Quyết định số 16/2021/QĐ-UBND ngày 28/9/2021 quy định hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng lao động đặc thù khác găp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang…
Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg, Tuyên Quang đã giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia BHTN vào Quỹ BHTN cho 1.664 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng với 34.011 người lao động, số tiền giảm đóng là 9.258,76 triệu đồng.
Đối với chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ BHTN (đến nay đã hết thời hạn thực hiện), song trong tháng 3/2022, BHXH tỉnh đã bổ sung 03 trường hợp với số tiền 5,4 triệu đồng. Như vậy, thực hiện chính sách này, toàn tỉnh đã chi trả cho 40.760 lao động, tổng số tiền là 94.762,25 triệu đồng.
Bên cạnh đó, thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động tỉnh Tuyên Quang đang ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, dự kiến toàn tỉnh có 3.045 người, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Đến nay, các huyện, thành phố đã chỉ đạo xét duyệt, thẩm định và ban hành Quyết định phê duyệt danh sách và số người đủ điều kiện hỗ trợ. Kết quả, đã phê duyệt hỗ trợ 2.611 người, số tiền hỗ trợ là 2,611 tỷ đồng.
Thời gian tới, để tiếp tục hỗ trợ người lao động, Tuyên Quang sẽ tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động của tỉnh; triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động nhằm thúc đẩy hỗ trợ giải quyết việc làm, thu hút lao động quay trở lại làm việc; khôi phục nhanh, duy trì và đảm bảo nguồn cung lao động cho phục hồi sản xuất của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Đồng thời, thực hiện các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, nâng cao chất lượng việc làm cho người lao động thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, dự án vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tăng khả năng kết nối cung - cầu lao động; tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến. Thực hiện tốt công tác tư vấn cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tham gia học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp thông qua hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động, chú trọng khu vực nông thôn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác…

Chí Tâm