Lao động
Tuyên Quang giải quyết việc làm đạt 96,2% kế hoạch
04:15 PM 02/11/2021
(LĐXH)- 10 tháng năm 2021, tỉnh Tuyên Quang đã giải quyết việc làm cho 20.199 người lao động, đạt 96,2% kế hoạch năm. Trong đó, tạo việc làm trong các ngành kinh tế tại tỉnh 14.340 người; lao động đi làm việc tại các tỉnh, thành phố trong nước 5.606 người, lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 253 người.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình lao động việc làm và thu nhập của người lao động trên địa bàn, song với sự đồng lòng, chung sức của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Tuyên Quang đã kịp thời triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, chính sách thiết thực, cụ thể với quyết tâm cao, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ người lao động mất, thiếu việc làm…
Tỉnh Tuyên Quang hiện có 2.086 doanh nghiệp với gần 40 nghìn lao động làm việc trong các thành phần kinh tế, gồm: 28.671 lao động thuộc khu vực tư nhân (chiếm 72,4%), tại doanh nghiệp Nhà nước là 3.065 lao động và 7.845 lao động trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Người lao động làm việc tại Nhà máy chế biến gỗ xã Thắng Quân, huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang)

Số lao động mất việc làm tăng, dẫn đến tình trạng thất nghiệp diễn biến phức tạp. Cụ thể, trong 10 tháng năm 2021, số lượng người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp 5.563 người; trong đó, lao động trong tỉnh 1.324 người, lao động ngoài tỉnh 4.239 người (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020); riêng tháng 10/2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp nhận 508 hồ sơ lao động( 112 lao động trong tỉnh; 396 lao động ngoài tỉnh).
Do dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài từ năm 2020, tại Tuyên Quang, tình hình sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: may mặc, giày da, du lịch, vận tải… kéo theo đó là lao động việc làm và thu nhập của người lao động cũng bị ảnh hưởng.
Mặc dù vậy các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nỗ lực vượt qua khó khăn, hạn chế tối đa người lao động bị mất việc làm. Đến nay, về cơ bản tỉnh Tuyên Quang vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh, các doanh nghiệp trên địa bàn tích cực triển khai các giải pháp vừa phòng chống dịch, vừa duy trì tổ chức sản xuất, kinh doanh với tinh thần vượt khó, nỗ lực thích ứng với tình hình mới, nên chưa doanh nghiệp nào có lao động bị nhiễm Covid-19 hoặc phải dừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo báo cáo của các huyện, thành phố, Bản Quản lý các khu công nghiệp của tỉnh Tuyên Quang, việc kiểm soát tốt dịch bệnh, cùng với sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã tích cực triển khai các giải pháp duy trì tổ chức sản xuất, kinh doanh nên đến nay vẫn cơ bản đảm bảo mức sống và việc làm cho người lao động. Các doanh nghiệp Nhà nước đang trả mức lương thấp nhất cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định; các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và doanh nghiệp ngoài quốc doanh đều thực hiện bằng mức sàn theo quy định của Chính phủ.
Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp không cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại; chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nghiệp nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật. Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.
Cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện triển khai các chính sách giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; cải cách hành chính trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu việc tạm dừng, giãn, hoãn các cuộc kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp... tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm cuối tháng 10/2021, toàn tỉnh có 717/16.583 hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tập trung ở các lĩnh vực: ăn uống, giải trí, chăm sóc sức khoẻ và đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
Đối với các hợp tác xã trong lĩnh vực vận tải hành khách, hàng hóa bị giảm so với thời điểm trước khi công bố dịch; việc lưu thông hàng hóa giữa các địa phương bị hạn chế, khiến nông sản tiêu thụ bị hạn chế trong khi giá nông sản bấp bênh, xuống thấp, giá vật tư lại không giảm khiến hợp tác xã nông, lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tính đến cuối tháng 9/2021, có 28/517 hợp tác xã có nhu cầu kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa.
Để hỗ trợ và đồng hành cùng các hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm cho 26 hợp tác xã nhằm tiêu thụ hàng hóa, sản xuất theo chuỗi cung ứng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm nhu yếu phẩm thiết yếu cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Kết quả, đã tiêu thụ được 02 tấn bưởi đường, 500 kg khoai sọ, 2,5 tấn cam Vinh, 100 hộp trà cà gai leo và các sản phẩm thiết yếu hàng ngày; hỗ trợ 01 hợp tác xã thương mại điện tử kết nối, xây dựng chương trình giới thiệu quảng bá các sản phẩm của 15 hợp tác qua các kênh mạng xã hội; kết nối Viettel và 01 doanh nghiệp công nghệ số có sàn thương mại điện tử hỗ trợ kỹ năng giúp cho hợp tác xã đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Tiếp đến, lực lượng lao động phi chính thức (lao động tự do, không có giao kết hợp đồng lao động), lao động buôn bán nhỏ lẻ trong lĩnh vực ăn uống, giải trí, chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là những người kinh doanh ăn uống trên vỉa hè, đường phố, khu vực công cộng… cũng là đối tượng chịu tác động trực tiếp và ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, khiến số lao động này bị mất việc làm, thu nhập bấp bênh hoặc mất thu nhập. Theo số liệu báo cáo của các huyện, thành phố, tỉnh có trên 6.400 người bị ảnh hưởng bởi đại dịch và cần được hỗ trợ. Số lao động này đã dần trở lại thị trường lao động, tiếp tục làm việc kể từ sau tháng 6/2021 đến nay do Tuyên Quang chưa thực hiện biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Thống kê trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có hơn 30.000 lao động thường xuyên đi làm việc ngoài tỉnh. Từ đợt dịch thứ 4 bùng phát trở lại đây, số người dân, người lao động của tỉnh đi làm việc, học tập, chữa bệnh tại các địa phương khác được tỉnh đón trở về quê là 1.690 người (Bắc Giang 1.315 người, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam 375 người) và trên 4.200 lao động từ các địa phương khác về Tuyên Quang nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Nhằm tạo điều kiện cho người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động, có việc làm và thu nhập ổn định, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Tuyên Quang đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm khảo sát nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động sau khi hoàn thành cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 và người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm trên địa bàn; trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động tại các huyện, thành phố lao động sau khi hoàn thành thời gian cách ly tập trung…
Có thể thấy, với phương châm thực hiện "mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả; vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Tuyên Quang đã chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các dự án công nghiệp và trong sản xuất kinh doanh. Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm; đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án công nghiệp chế biến nông, lâm sản; sản xuất vật liệu xây dựng, vật liệu mới như gạch granit, vật liệu compsite, bê tông nhẹ, cơ khí, điện tử, cơ khí chế tạo. Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực nhằm nâng cao giá trị sản xuất. Qua đó, góp phần đảm bảo việc làm, tiền lương, thu nhập cho người lao động.     
Chí Tâm