Xã hội
Tuyên Quang bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe
01:32 PM 28/05/2020
(LĐXHH)- Với việc triển khai nhiều hoạt động, mô hình phù hợp, hiệu quả, thời gian qua, người dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã từng bước được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách bình đẳng, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về bình đẳng giới.
Ngày 27/5/2020, Sở Lao động – TBXH tỉnh Tuyên Quang đã có báo cáo số 184/BC-SLĐTBXH về việc tổng kết thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 và đề xuất Chiến lược 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Theo đó, đối với mục tiêu về bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã nêu rõ: Quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe được thể hiện rõ trong việc giáo dục, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về giới trong chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và thực hiện công tác dân số kế hoạch hóa gia đình; vận động nam giới và nữ giới áp dụng các biện pháp tránh thai, tuyên truyền, hướng dẫn phụ nữ biết cách chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình và hưởng ứng các chiến dịch chăm sóc ban đầu, vệ sinh phòng dịch.

Cán bộ Trạm Y tế xã Thành Long, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) tuyên truyền cho người dân về dân số, kế hoạch hóa gia đình

Đặc biệt, Ngành Y tế đã thực hiện chủ trương đưa bác sỹ có chuyên môn tay nghề của của bệnh viện tỉnh xuống giúp đỡ bệnh viện tuyến huyện thực hiện các thủ thuật chuyên môn để tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn, đồng thời thường xuyên phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức tốt việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, trong đó có phụ nữ. Kết quả đã thực hiện mới các biện pháp tránh thai hiện đại được 110.226 ca; trong đó: đình sản nữ 85 ca, dụng cụ tử cung 25.380 người, thuốc uống tránh thai 35.182 người, thuốc tiêm tránh thai 8.800 người, thuốc cấy tránh thai: 180 người.
Bên cạnh đó, công tác thông tin, giáo dục truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản được tăng cường ở tất cả các tuyến, thực hiện lồng ghép với các hoạt động của hội, đoàn thể các cấp. Công tác khám và quản lý thai nghén, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh được duy trì có chất lượng. Cụ thể, số phụ nữ đẻ được quản lý thai nghén đạt 95,7%, số phụ nữ được khám thai trên 3 lần đạt 88%, 100% số phụ nữ đẻ được cán bộ y tế đỡ, 100% phụ nữ đẻ được chăm sóc sau sinh, không sảy ra mắc/chết do tai biến sản khoa.
Không chỉ vậy, Ngành Y tế cũng đã triển khai lớp tập huấn hướng dẫn ghi chép sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ - trẻ em và giới thiệu phiên bản điện tử tuyến tỉnh; tiến hành giám sát thường quy các hoạt động công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản ở tất cả 7 huyện, thành phố; phối hợp với Trường THPT chuyên Tuyên Quang tuyên truyền cho học sinh với chủ đề: "Nói về tình yêu tuổi học trò nên hay không nên"; đôn đốc các huyện, thành phố báo cáo phụ nữ mang thai và trẻ từ 0 đến 24 tháng tuổi nghi nhiễm vi rút Zika. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh còn phối hợp tổ chức tập huấn cho 64.908 lượt bà mẹ có con dưới 16 tuổi, phổ biến kiến thức về sức khoẻ sinh sản và kỹ năng sống cho 19.471 trẻ vị thành niên...
Trên thực tế, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” là biểu hiện rõ rệt nhất của sự bất bình đẳng giới đã bao đời “sâu gốc bền rễ” trong xã hội. Bất bình đẳng giới “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” làm gia tăng sự mất cân bằng giới tính khi sinh và sự chênh lệch giới tính khi sinh càng cao thì càng làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng giới. Nếu nhận thức thiếu đầy đủ, thì chênh lệch giới tính khi sinh lại càng bị đẩy lên khi áp dụng chính sách dân số “mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ một đến hai con”. Vì vậy, việc hạ thấp tỷ số giới tính khi sinh được coi là khâu then chốt trong việc đảm bảo bình đẳng giới.
Học sinh Trường THPT Chuyên Tuyên Quang (TP Tuyên Quang) nhận các tờ rơi tuyên truyền về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên
Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề, song song với việc tham mưu với Sở Y tế, Ban Chỉ đạo công tác dân số/KHHGĐ tỉnh Tuyên Quang đã ban hành các văn bản về tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành nhằm làm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và sinh con thứ 3 trở lên, ngành dân số đã có những giải pháp tốt trong thực hiện. Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình phối hợp, chỉ đạo phòng dân số các huyện, thành phố có những việc làm cụ thể nhằm tạo sự tác động tích cực và bền vững hướng tới giảm tỷ số giới tính khi sinh; đồng thời, triển khai và tổ chức thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia Dân số Kế hoạch hóa gia đình tại các xã, phường, thị trấn, đảm bảo 100 % phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tư vấn về chăm sóc và được tiếp cận hưởng thụ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhiều dịch vụ được miễn phí như vòng tránh thai, thuốc tiêm tránh thai, que cấp tránh trai… đặc biệt là các đối tượng thuộc hộ nghèo tất cả các dịch vụ trách thai đều được miễn phí.
Với quyết tâm cao và những giải pháp phù hợp, Tuyên Quang đã hoàn thành các mục tiêu bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như kế hoạch mà UBND tỉnh đề ra cho giai đoạn 2011 – 2020; đồng thời, chuẩn bị tốt hơn về tâm thế cho việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030.

Lê Hoàng