Thời sự
Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác lao động lần 2 giữa 5 nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan và Việt Nam
05:09 PM 03/08/2017
Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác lao động giữa các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan và Việt Nam về “Thúc đẩy Phát triển nguồn nhân lực và Việc làm bền vững đối với lao động di cư”, được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng Việt Nam ngày 2/8/2017, với sự tham của các Bộ trưởng, các trưởng đoàn đến từ Campuchia, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan, và Việt Nam.
Các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung về Di cư lao động an toàn do Hội nghị Quan chức Cấp cao CLMTV về Hợp tác lao động ngày 1/8/2017 đệ trình. Sau đây lài toàn văn Tuyên bố chung.

TUYÊN BỐ CHUNG CLMTV VỀ DI CƯ LAO ĐỘNG AN TOÀN

CHÚNG TÔI, Bộ trưởng Bộ Lao động Vương quốc Cam-pu-chia, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Cộng hòa liên bang Mi-an-ma, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là “CLMTV”);
TÁI KHẲNG ĐỊNH cam kết của Hội nghị Bộ trưởng về Hợp tác lao động các nước CLMTV diễn ra từ ngày 2-4/9/2015, Cuộc họp cấp cao CLMTV về Di cư an toàn từ 28-29/11/2016 tại Thái Lan và Hội nghị Quan chức cao cấp về Lao động CLMTV ngày 1/8/2017 tại Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam nhằm cùng nhau thúc đẩy di cư lao động an toàn thông qua tăng cường các hệ thống quản lý di cư, trao đổi thông tin đầy đủ và khuyến khích tất cả các bên liên quan chia sẻ trách nhiệm nhằm đóng góp chodi cư lao động an toàn;
THỪA NHẬN rằng di cư lao động là yếu tố không thể tránh khỏi và quan trọng đối với sự phát triển kinh tế tại cả quốc gia phái cử và tiếp nhận;
CÔNG NHẬN các hiệp định song phương hiện có, đối thoại và các hiệp định CLMTV liên quan đến di cư lao động an toàn giữa các nước CLMTV;
HIỂU rằng di cư an toàn là kết quả của việc hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, cụ thể, chính phủ của quốc gia phái cử và tiếp nhận, các tổ chức tuyển dụng tư nhân được cấp phép, người sử dụng lao động và người lao động di cư;
NHẬN THỨC nhu cầu của mỗi quốc gia nhằm xây dựng các chính sách quốc gia về di cư lao động, bao gồm quy trình tuyển dụng, gửi và tiếp nhận phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế nhằm thúc đẩy di cư an toàn liên quan đến vai trò của quốc gia phái cử và tiếp nhận;
THỪA NHẬN rằng hợp tác di cư lao động an toàn  tạo việc làm có thể cần phải tính đến tình hình cụ thể do sự khác biệt về bối cảnh xã hội và kinh tế của các nước CLMTV cũng như bất kỳ thách thức nào khác;
Và NỖ LỰC để đạt được mục tiêu này, chúng tôi nhất trí cùng nhau thúc đẩy hợp tác về di cư lao động an toàn giữa các nước CLMTV phù hợp với pháp luật, chính sách và chương trình của từng quốc gia, cụ thể theo các vấn đề sau:
Hợp tác về di cư lao động an toàn:
1.Tăng cường các hệ thống quản lý di cư;
2. Chia sẻ thông tin cần thiết và các điển hình tốt giữa các nước CLMTV liên quan tới các chính sách, pháp luật và việc thực hiện trong việc tăng cường nhận thức, đào tạo kỹ năng và bảo hiểm cho người lao động di cư;
3. Thúc đẩy qua biên giới hợp pháp và việc làm hợp pháp cho người lao động thông qua các hiệp định song phương.


Các Bộ trưởng thông qua Tuyên bố chung về Di cư lao động an toàn
Bảo vệ các quyền của người lao động di cư
4. Giải quyết một cách có hệ thống các nguyên nhân cốt lõi của di cư bất hợp pháp và lao động di cư không được bảo vệ nhằm tìm kiếm các chính sách và biện pháp hiệu quả để ngăn chặn và phòng chống nạn mua bán người vì mục đích bóc lột lao động tại các nước CLMTV.
5. Thực hiện các biện pháp thích hợp cấp quốc gia để nâng cao nhận thức của người dân, người tìm kiếm việc làm, người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức tuyển dụng tư nhân cũng như các cơ quan liên quan về di cư lao động an toàn bao gồm quyền, lợi ích, trách nhiệm và nghĩa vụ của họ.
6. Xây dựng chương trình về định hướng trước khi đi nhằm giáo dục và cung cấp kiến thức cơ bản về hợp đồng lao động, ngôn ngữ, văn hóa và truyền thống, phúc lợi xã hội và quyền, kỷ luật công việc, luật pháp và những điều cấm kị tại quốc gia tiếp nhận.
7. Xây dựng các cơ chế hợp tác nhằm giám sát toàn diện việc đối xử với lao động di cư nhằm đảm bảo rằng họ đượcluật pháp và các quy định bảo vệ.
Trách nhiệm của các nước phái cử và tiếp nhận
8.Tiến hành hành động phù hợp nhằm khuyến khích các bên liên quan chia sẻ trách nhiệm và đóng góp nhằm thúc đẩy di cư lao động an toàn từ nước phái cử đến nước tiếp nhận.
9. Khuyến khích chia sẻ thông tin giữa các nước phái cử và tiếp nhận lao động trong CLMTV về việc thực hiện các Công ước Quốc tế và Khuyến nghị nhằm thúc đẩy việc làm bền vững cho người lao động di cư.
Chúng tôi yêu cầu các quan chức cấp cao phụ trách về lao động tiếp tục xây dựng các nguyên tắc đã được thống nhất về di cư lao động, thực hiện, giám sát, đánh giá và báo cáo việc thực hiện các chính sách và biện pháp của Tuyên bố chung này.
Tuyên bố chung được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng về Hợp tác Lao động CLMTV ngày 2 tháng 8 năm 2017 tại Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam bằng một bản tiếng Anh duy nhất.