Thời sự
Tượng đài Ngã ba Cò Nòi: Mốc son chói lọi của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam
09:34 AM 04/12/2017
(LĐXH) - Trong năm 2017, nhiều hoạt động kỷ niệm nhân dịp 70 năm ngày thương binh, liệt sỹ được diễn ra tại tỉnh Sơn La. Những chuyến xe vẫn nườm nượp đưa khách đổ về các địa chỉ lịch sử ở Sơn La. Trong rất nhiều địa danh lịch sử ở Sơn La đã đi, tôi dừng lại ở địa chỉ mà có lẽ ít ai để ý, Tượng đài thanh niên xung phong Ngã ba Cò Nòi, huyện Mai Sơn.
Mỗi lần đi qua quốc lộ 6 tôi vẫn thường hay qua ngã ba này, vẫn tận mắt được chứng kiến những hố bom của một thời chiến tranh đầy khốc liệt. Mỗi lần đi qua tôi cứ rưng rức thương cảm và trào dâng niềm tự hào lớn lao.
Tượng đài Thanh niên xung phong tại Ngã ba Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La
Ngã ba Cò Nò, huyện Mai Sơn những năm kháng chiến chống thực dân Pháp là một địa danh lịch sử, một mốc son chói lọi khắc ghi một thời kỳ chiến đấu oanh liệt của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam.
Nơi đây những năm tháng lịch sử có thể được mệnh danh như là lòng chảo hứng bom. Một cách ví đủ để nói lên sự ác liệt một thời. Theo tư liệu tại Bảo tàng Sơn La, Thực dân Pháp triệt để lợi dụng yếu điểm của Ngã ba Cò Nòi để tập trung không quân đánh phá ác liệt ngã ba này, nhằm chặt đứt con đường huyết mạch duy nhất lên Điện Biên Phủ. Số lần đánh phá ngày một dày đặc hơn, quy mô bán kính ngày một lớn, cứ 13 phút địch lại ném bom bắn phá một lần. Có ngày chúng ném xuống đây 300 quả bom phá, bom nổ chậm, bom napan, bom bướm, với trọng lượng 69 tấn thuốc nổ.
Trong chiến dịch lịch sử này, Sơn La có một vị trí rất quan trọng. Là cửa ngõ tiến vào Tây Bắc, là con đường huyết mạch nối đồng bằng Bắc Bộ, chiến khu Việt Bắc, khu III, khu IV với chiến trường Điện Biên Phủ. Đồng thời, Sơn La cũng là một hậu phương lớn, gần chiến trường nên việc tiếp tế sức người, sức của cho chiến dịch thuận lợi hơn. Ngã ba Cò Nòi khi ấy trở thành yết hầu của mạch giao thông nối liền tất cả mọi hoạt động chi viện lực lượng, vận chuyển vũ khí, lương thực, dân công... từ Yên Bái sang, từ đồng bằng Bắc Bộ lên Điện Biên Phủ .
Tại ngã ba lịch sử này, máu của 100 chiến sỹ thanh niên xung phong đã hy sinh anh dũng,đã khô và nằm lẫn trong đất.Tinh thần chiến đấu và hy sinh anh dũng của họ đã tô thắm thêm trang sử vàng oanh liệt của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam.Họ là biểu tượng đẹp của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Những dòng chữ và con số "biết nói" này, hôm nay tôi chép ra và nhắc lại, để lớp trẻ như chúng tôi thêm một lần khắc nhớ.
Tại Ngã ba Cò Nòi hôm nay,tượng đài tưởng niệm 100 chiến sĩ thanh niên xung phong đã hy sinh tại đây đượctái hiện. Đó là hình ảnh của ba thanh niên xung phong ở các tư thế khác nhau, đang hiên ngang ngẩng cao đầu làm nhiệm vụ trước mưa bom bão đạn.Dưới chân tường đài, hai bức phù điêu tái hiện hình ảnh toàn dân ra trận với khẩu hiệu "Tất cả để chiến thắng".
Khi tôi dừng chân tại di tích, tình cờ gặp một đoàn xe cũng dừng lại thăm tượng đài. Trong dòng người đến thăm, tôi bắt gặp nhiều những màu xanh áo lính, tất cả họ đều như đang trở về với thời kỳ gian khổ nhưng oai hùng của mình. Có những người ngực đỏ rực huân chương, có những người đầu đội mũ tai bèo, miệng hát khúc quân hành thuở ấy…
Tôi được trò chuyện với ông Trần Văn Sơn, quê Phú Thọ, một cựu chiến binh đã từng tham gia chiến đấu ở Tây Bắc. Ông xúc động: "Chiến tranh qua rồi, Sơn La đã có nhiều đổi thay, nhưng nơi đây vẫn mãi sẽ là một địa chỉ lịch sử để thế hệ như chúng tôi tìm về với một thời hoa lửa và để cho thế hệ con cháu noi gương và học tập".
70 năm đã trôi qua, hôm nay, Ngã ba Cò Nòi phủ kín một màu xanh của sức sống mới. Giữa màu xanh ngút ngàn kia của trời cao, rừng và núi, tượng đài chiến thắng Ngã ba Cò Nòi – Mai Sơn sừng sững hiên ngang, như khắc dấu đậm nét vào bức tường thành lịch sử hào hùng của dân tộc, và về lòng dũng cảm của những Thanh niên xung phong vĩnh cửu với thời gian.
Những ngày tháng bảy lịch sử, thời gian dường như cũng chậm lại. Mỗi năm đến ngày này là dịp để những người trẻ có thời gian đề suy ngẫm, để tưởng nhớ, để soi mình mà sống, mà phấn đấu trong những bộn bề lo toan của cuộc sống.
Diệp Hương