Lao động
TS.Vũ Minh Tiến: Chính sách hỗ trợ người lao động ngày càng kịp thời, thuận tiện
09:27 PM 20/11/2021
(LĐXH)- TS. Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn nhấn mạnh, qua gặp trực tiếp công nhân, lao động tự do đều có nhận xét chung là các chính sách của Chính phủ và các cấp, các ngành đối với người lao động vừa qua ngày càng kịp thời hơn, thiết thực hơn và thuận tiện hơn.
Riêng 2 gói hỗ trợ gần đây nhất, đặc biệt là gói hỗ trợ từ bảo hiểm thất nghiệp, tất cả công nhân lao động và doanh nghiệp đều rất phấn khởi vì tính kịp thời và thủ tục thuận tiện.
TS. Vũ Minh Tiến chia sẻ, cùng với các cấp các ngành, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong 2 năm qua, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 vừa rồi, đã tiếp tục thể hiện vai trò trách nhiệm với người lao động nói chung và với công đoàn, công nhân nói riêng.
TS. Vũ Minh Tiến tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Triển khai giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch” do Báo Nhân Dân và Bộ LĐTB&XH tổ chức vừa qua
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ tạo các cấp công đoàn trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động, kịp thời phát hiện những khó khăn của người lao động để phản ánh, kiến nghị với các cấp, các ngành về các biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho các lao động khó khăn, đặc biệt là các lao động yếu thế như lao động nữ di cư đang mang bầu, con nhỏ, lao động di cư, nhập cư mất việc.
Đã có khoảng 1 triệu lượt cán bộ công đoàn các cấp được huy động để chăm lo, giúp đỡ và hỗ trợ cho người lao động, triển khai đến từng doanh nghiệp, từng khu trọ, ngõ xóm nơi công nhân ở... Những phần quà công đoàn, từ nhà hảo tâm được phát cho mọi đối tượng, không phân biệt người lao động trong công đoàn hay ngoài công đoàn, miễn là lao động khó khăn.
Cùng với đó, phát động hàng nghìn sáng kiến như ATM gạo, túi quà tình nghĩa, túi quà thực phẩm khô…
Bảo đảm an sinh cho người lao động
Nói về chương trình hỗ trợ phục hồi thị trường lao động, TS. Vũ Minh Tiến cho rằng, dưới góc độ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động không chỉ các vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp, khu đô thị mà chúng ta cần quan tâm cả khu vực nông thôn, khu vực phi chính thức.
Bên cạnh những tác động tiêu cực của dòng di cư 2 chiều từ nông thôn lên thành thị và từ thành thị về nông thôn, trong đợt dịch COVID-19 vừa rồi, nhiều người về nông thôn, không hẳn là vấn đề tiêu cực mà cũng có những mặt tích cực khi việc này giúp chi phí nhà ở giảm, người lao động có thời gian chăm sóc gia đình.
TS. Vũ Minh Tiến nêu quan điểm: “An sinh xã hội là vấn đề rất lớn. Cá nhân tôi cho rằng, tuy là góc độ người lao động nhưng vẫn cần đặt trong tổng thể chung của tình hình kinh tế, xã hội. Vấn đề người lao động quan tâm nhất là sau đề án này là việc làm, cuộc sống người lao động có tốt hơn không. Người lao động mong muốn có việc làm để mang lại thu nhập, tạo ra của cải vật chất, bảo đảm an sinh xã hội, Nhà nước cũng không thể kéo dài trợ cấp mãi được.  
Trong vấn đề việc làm, mặc dù khó khăn, nhưng cần phải tính toán đến bài toán tiền lương. Tiền lương phải đủ kích thích để thu hút người lao động tham gia thị trường lao động, tiếp tục cống hiến trong công việc đang gắn bó, tiền lương phải bảo đảm có tích lũy.
Bên cạnh đó là vấn đề nhà ở, mở rộng hơn là chỗ ở, chỗ sinh sống, phải an toàn, có phòng khám y tế, chỗ sinh hoạt phù hợp, chỗ học, nuôi dạy con cái để người lao động yên tâm làm việc. Hiện nay, đang có đề xuất gói hỗ trợ nhà ở 65 nghìn tỷ đồng, cá nhân tôi thấy nên làm ký túc xá cho công nhân thuê trọ với giá hỗ trợ của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần sắp xếp chỗ ở phù hợp thói quen, lối sống, văn hóa, giải quyết vấn đề ca kíp, giờ giấc của công nhân.
Cuối cùng, vấn đề đào tạo lại cho người lao động có khả năng thích ứng trước các cú sốc. Từng người lao động cũng đang rất trông chờ sự hỗ trợ của doanh nghiệp, các cấp, các ngành, nhưng trước tiên họ cũng muốn chủ động để bản thân có thể tự lo cho mình trước, vậy nên khả năng tự chống đỡ, thích ứng linh hoạt là rất quan trọng để người lao động có thể vượt qua được khó khăn bất ngờ xảy đến”./.
PV