Giáo dục - Nghề nghiệp
Trường ĐH Lao động – Xã hội Cơ sở II: Tòa đàm khoa học về Bách khoa toàn thư Việt Nam
11:44 AM 09/10/2017
(LĐXH) – Vừa qua, Ban Biên soạn Quyển Luật học thuộc Đề án Bách khoa toàn thư Việt Nam đã phối hợp với Trường Đại học Lao động – Xã hội (Cơ sở II) tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học "Bảng mục từ chuyên ngành Luật Kinh tế - Thương mại, Sở hữu trí tuệ, Giải quyết tranh chấp trong quyển Luật học, Bách khoa toàn thư Việt Nam”.
GS.TS Võ Khánh Vinh và PGS.TS Bùi Anh Thủy cùng các đại biểu trong buổi tọa đàm

GS.TS Võ Khánh Vinh – Phó Chủ nhiệm Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, Trưởng Ban Biên soạn Quyển Luật học (Quyển 30) và PGS.TS Bùi Anh Thủy – Giám đốc Trường Đại học Lao động – Xã hội (CSII) đồng chủ trì Tọa đàm. Tham dự Tọa đàm có PGS.TS Đinh Ngọc Vượng, Phó Tổng thư ký chuyên trách Đề án bách khoa toàn thư Việt Nam, Phó trưởng Ban Biên soạn Quyển Luật học, PGS.TS Vũ Công Giao, TS. Bành Quốc Tuấn, Thư ký Khoa học Ban biên soạn Quyển Luật học, PGS. TS Nguyễn Tất Viễn, nguyên Ủy viên Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Nhà nước, cùng nhiều nhà khoa học, giảng viên đến từ các Trường Đại học, Học viện, cơ quan đơn vị khác ở các địa phương phía Nam và trên 30 cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Lao động – Xã hội (CSII).

Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam (BKTTVN) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1262/QĐ-TTg ngày 28 tháng 7 năm 2014, được chỉ đạo thực hiện bỏi một Hội đồng Chỉ đạo biên soạn gồm 16 thành viên, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Chủ tịch, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) làm Phó Chủ tịch Thường trực.

Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam đã bắt đầu khởi động các công tác chuẩn bị từ rất sớm. Năm 2012, một Hội thảo khoa học về công tác xây dựng Đề án đã được tổ chức tại Trường Đại học Lao động – Xã hội (CSII) thành phố Hồ Chí Minh, do GS. TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và TS Bùi Anh Thủy, Giám đốc Nhà trường đồng chủ trì, với sự tham dự của rất đông đảo các nhà Khoa học uy tín trong nhiều lĩnh vực.

Ban biên soạn, cán bộ giảng viên Nhà trường cùng các nhà khoa học thảo luận trong buổi tọa đàm

Bách khoa toàn thư Việt Nam là một công trình đồ sộ, bao hàm mọi lĩnh vực khoa học, có mục đích giới thiệu một cách toàn diện, hệ thống, chuẩn xác những tri thức cơ bản nhất về đất nước, con người, lịch sử xã hội, văn hoá khoa học công nghệ Việt Nam xưa và nay; giới thiệu những tri thức văn hoá, khoa học kỹ thuật của thế giới. Đề án quy tụ hàng trăm nhà khoa học hàng đầu Việt Nam tại 37 chuyên ngành khoa học.

 Mỗi quyển chuyên ngành trong bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam có số trang tương đương nhau (1.500-2.000 trang) với khoảng 2.000-3.000 mục từ. Quá trình biên soạn các mục từ, dự kiến sẽ có khoảng trên 2.000 nhà khoa học nước nhà sẽ tham gia. Ban biên soạn sẽ học hỏi và rút kinh nghiệm từ các nước có nền bách khoa tiêu biểu và lâu đời như Pháp, Anh, Mỹ, Nga, Trung Quốc... Từ việc kế thừa tri thức của các cuốn bách khoa đã có trên thế giới cả về tri thức chung, tri thức riêng của từng quốc gia, Việt Nam sẽ biên soạn để bổ sung và hoàn thiện.

Tại buổi Tọa đàm, PGS.TS Bùi Anh Thủy – Thành viên Ban biên soạn Quyển Luật học của Bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam đã giới thiệu dự thảo gồm 574 mục từ thuộc các chuyên ngành Luật Kinh tế - Thương mại, Sở hữu trí tuệ, Giải quyết tranh chấp, và cùng GS.TS Võ Khánh Vinh xin ý kiến, trao đổi với các nhà khoa học trong buổi Tọa đàm về các mục từ trên.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham gia Tọa đàm đã thảo luận về việc định danh các mục từ, về nội hàm và cấu trúc thành phần các mục từ với tính cách là những đơn vị tri thức. Ban biên soạn quyển Luật học và Ban tổ chức buổi Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp chuyên môn sâu sắc, đáng ghi nhận để hoàn thiện bảng mục từ chuyên ngành Luật Kinh tế - Thương mại, Luật sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp trong quyển Luật học, Bách khoa toàn thư Việt Nam.

Buổi Tọa đàm là một dấu ấn quan trọng tiếp tục khẳng định vai trò của Trường đại học Lao động –Xã hội CSII trong hoạt động giáo dục –đào tạo và nghiên cứu khoa học, đóng góp vào những thành tựu chung của đất nước.

                                                                                                                                                                                                                                                                                       ThS. Nguyễn Thị Thanh Ngân