Giáo dục - Nghề nghiệp
Trường Đại học Lao động - Xã hội góp phần đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Công tác xã hội
05:39 PM 09/01/2020
Ngày 9/1/2020, Trường Đại học Lao động – Xã hội phối hợp với Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Công tác xã hội” nhằm mục đích đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho phát triển nghề công tác xã hội chuyên nghiệp ở Việt Nam.
Tham dự hội thảo có bà Nguyễn Thị Hằng – Chủ tịch Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam; ông Nguyễn Hải Hữu – Phó Chủ tịch Hiệp hội; ông Bùi Tiến Dũng – Vụ Giáo dục Chính trị và công tác học sinh, sinh viên Bộ Giáo dục & Đào tạo; TS. Tiêu Thị Minh Hường –Trưởng khoa Công tác xã hội (Trường Đại học Lao động – Xã hội); đại diện các trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn; Học viện Thanh thiếu niên, Học viện Phụ nữ,… cùng các giảng viên và sinh viên Khoa Công tác xã hội.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Hội thảo là nơi gặp gỡ và trao đổi công tác chuyên môn giữa giảng viên và sinh viên Trường với các chuyên gia trong và ngoài Trường; trở thành một diễn đàn mở trao đổi nhiều thông tin thiết thực về chia sẻ đánh giá thực hành CTXH, chuyện nghề và những định hướng phát triển cho sinh viên trong tương lai. 
Kể từ khi Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 ( theo Quyết định 32/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành đến nay, CTXH đã chính thức được coi như một ngành khoa học, một nghề chuyên môn với việc ban hành mã ngành đào tạo và mã số ngạch viên chức. Tính đến nay, cả nước có hơn 500 cơ sở bảo trợ xã hội. Theo Đề án 32, hiện số người cần trợ giúp của các dịch vụ CTXH chiếm khoảng 40% dân số. Cả nước có hơn 32.000 cán bộ, nhân viên, cộng tác viên làm việc trong lĩnh vực CTXH, tuy nhiên phần lớn chưa qua đào tạo. 
Bà Nguyễn Thị Hằng – Chủ tịch Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các diễn giả đã trình bày nhiều tham luận xung quanh việc đào  tạo và phát triển nguồn nhân lực công tác xã hội như: “Đào tạo phát triển nguồn nhân lực công tác xã hội thực trạng và giải pháp” của TS. Nguyễn Hải Hữu - Phó Chủ tịch HH GDNN&NCTXH VN; “Kinh nghiệm, giải pháp đào tạo thực hành công tác xã hội trong trường học” của ông Bùi Tiến Dũng - Vụ Giáo dục Chính trị và công tác học sinh, sinh viên Bộ Giáo dục & Đào tạo; “Các yếu tố ảnh hưởng đến đào tạo thực hành công tác xã hội tại các trường đại học và đề xuất giải pháp” của PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Hoa; “Lý luận và thực tiễn trong việc đào tạo thưc hành công tác xã hội tại Trường Đại học Lao động – Xã hội” của TS. Nguyễn Trung Hải - Phó Trưởng khoa CTXH Trường Đại học Lao động – Xã hội; “Hoạt động thực tập dành cho sinh viên công tác xã hội, Trường Đại học Lao động – Xã hội, Cơ sở 2 – Tp. Hồ Chí Minh” của TS. Nguyễn Minh Tuấn – Trưởng khoa CTXH, Trường ĐHLĐXH cơ sở HCM; “Thực trạng đào tạo ngành công tác xã hội ở thành phố Hồ Chí Minh hiên nay” của TS. Huỳnh Văn Chấn - Trưởng khoa CTXH, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hồ Chí Minh; “Tổ chức cho sinh viên thực hành, thực tập trong chương trình đào tạo cử nhân ngành công tác xã hội của Học viện Phụ nữ Việt Nam” của TS. Bùi Thị Mai Đông - Trưởng khoa CTXH, Trường Học viện Phụ nữ; “Thực hành thường xuyên trong đào tạo công tác xã hội Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam” của TS. Phạm Ngọc Linh - Trưởng khoa CTXH, Trường Học viện Thanh thiếu niên;….
Trên cơ sở các tham luận được trình bày trong hội thảo, các đại biểu tham dự đã mở rộng thảo luận xoay quanh các chủ đề các văn bản quản lý pháp luật, mạng lưới tổ chức, sự ra đời của các cơ sở trợ giúp xã hội; Đào tạo phát triển nguồn nhân lực; Sự thay đổi nhận thức về nghề CTXH góp phần cho nghề CTXH phát triển một cách chuyên nghiệp hơn thông qua hệ thống đào tạo cán bộ nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.
TS. Nguyễn Hải Hữu trình bày tham luận “Đào tạo phát triển nguồn nhân lực công tác xã hội thực trạng và giải pháp”
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng nhận được rất nhiều những chia sẻ về những khó khăn khi đào tạo nghề CTXH còn một số bất cập như: chương trình nặng về lý thuyết, thiếu đội ngũ giảng viên thực hành chuyên nghiệp, thiếu cơ sở thực hành chuyên nghiệp… Nếu so sánh tính chuyên nghiệp của CTXH ở nước ta với các nước phát triển và ngay cả những nước trong khu vực, chúng ta còn một khoảng cách khá lớn.
Kết luận hội thảo, TS. Tiêu Thị Minh Hường – Trưởng Khoa Công tác xã hội khẳng định: Đào tạo CTXH là một trong những giải pháp thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cộng đồng và nâng cao chất lượng sống cho người dân. Đây còn là một mục tiêu mà phát triển bền vững hướng đến. Trong thời gian tới, vấn đề đào tạo nhân viên xã hội có kiến thức và kĩ năng là một yêu cầu lớn ở các địa phương khi có nhiều vấn đề xã hội đang đặt ra và cần có sự giải quyết mang tính chuyên nghiệp. Do vậy, chất lượng đào tạo nguồn lực CTXH là một trong chìa khóa then chốt để ngành Công tác xã hội phát triển, đóng góp vào công cuộc phát triển toàn diện và bền vững trong bối cảnh hội nhập hiện nay./.
 PV