Lao động
Trường CĐ nghề 23 Bộ Quốc phòng: Địa chỉ đào tạo nghề tin cậy cho thanh niên Thừa Thiên Huế
09:10 AM 30/09/2017
(LĐXH) – Được thành lập theo quyết định số 1186/QĐ-LĐTBXH ngày 16/09/2014 của Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội trên cơ sở nâng cấp trường Trung cấp nghề số 23- Bộ quốc phòng, tỉnh Thừa Thiên Huế, Trường Cao đẳng nghề số 23 có nhiệm vụ đào tạo nghề 3 cấp trình độ: Cao đẳng, Trung cấp và Sơ cấp cho con em các tỉnh miền trung và Tây nguyên.
Xác định chất lượng đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm là kết quả quyết định sự tồn tại và phát triển của nhà trường.  Những năm qua, cùng với sự quan tâm giúp đỡ tạo mọi điều kiện của các cấp, các ngành, đơn vị đã phối hợp với các các doanh nghiệp trên toàn quốc mở rộng liên kết đào tạo. Việc dạy nghề được phát triển với các mô hình đào tạo năng động, linh hoạt gắn đào tạo với sử dụng lao động theo hướng của thị trường.  
Lãnh đạo Sở LĐ - TBXH tỉnh Thừa Thiên Huế thăm và làm việc tại trường
Học viên được đào tạo cơ bản ở trường, học thực hành và thực tập sản xuất tại doanh nghiệp, thời gian thực tập được bố trí dài ngày, làm việc tại doanh nghiệp, được hưởng phụ cấp như công nhân kỹ thuật, được tính sản lượng và đánh giá như công nhân chính thức. Hoặc mô hình học viên “vừa học, vừa làm” tại nhà trường trong các xưởng sản xuất – dịch vụ với phương châm đánh giá thông qua việc giao khoán khối lượng và chất lượng sản phẩm tự làm ra của thầy và trò. 
Các mô hình đào tạo nghề kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trên nguyên tắc phải tạo ra khối lượng học tập của học viên gồm 30% lý thuyết, 70% thực hành. Trải qua 3 năm áp dụng từng bước, các mô hình trên kết quả bước đầu đã thu nhận được thành công nhất định. Việc liên kết đào tạo đã giúp nhà trường lựa chọn đào tạo những nghề, những môn học mà doanh nghiệp đang cần, đang thiếu, tránh được việc đào tạo nghề đại trà, dẫn tới hiệu quả không cao, hay doanh nghiệp tuyển được lao động có tay nghề rồi lại phải cử đi đào tạo lại…
Về phía người học: trước, trong và sau khi đào tạo được tư vấn đầy đủ về xu thế nghề nghiệp, giúp họ định hình được những gì doanh nghiệp đang cần ở người lao động có tay nghề, để mỗi học viên đều xác định tốt nhiệm vụ học tập, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp theo hướng học xong, thực hành và làm việc được ngay, không phải đào tạo lại…
Đây là hướng đi đúng đắn, hiệu quả. Các doanh nghiệp truyền thống đã cộng tác với trường như:  tổng công ty lắp máy (các đơn vị Lilama), Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp Ô tô (Các chi nhánh Ô tô tập đoàn Trường Hải), Tổng công ty xây dựng Trường sơn, Sông Đà…hoặc một số doanh nghiệp, công ty mới tiếp cận gần đây thuộc khu công nghiệp Bắc Giang, Đồng Nai, Đà Nẵng, Dung Quất (Quảng Ngãi), Phú Bài (Huế) …đang tìm đến trường để đặt hàng công nhân đã qua đào tạo, đều đánh giá cao khâu đào tạo chất lượng và công tác phối hợp tạo việc làm cho thanh niên học nghề.
Học viên trường CĐ 23 - BQP trong một buổi thực hành
Các hội chợ việc làm tổ chức kết hợp lễ nhận bằng tốt nghiệp được các doanh nghiệp ủng hộ bằng việc phỏng vấn, tuyển dụng và đón lao động đi làm ngay, cho thấy công tác đào tạo và việc làm không còn là vấn đề trăn trở của nhà trường như trước đây. Học viên qua đào tạo phấn khởi, tự tin được lựa chọn nhiều địa điểm, doanh nghiệp để đầu quân làm việc với mức lương hấp dẫn.
Bên cạnh đó, đối với các học viên đã học xong, có tay nghề và mong muốn được tìm kiếm cơ hội xuất khẩu lao động đang được nhà trường chú ý; với việc cộng tác với các đơn vị uy tín trong lĩnh vực xuất khẩu lao động có tay nghề sang các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaixia, UAE…Năm 2016, các doanh nghiệp nói trên được nhà trường bố trí tư vấn trực tiếp với học viên năm cuối để các em có thời gian đăng ký học ngoại ngữ, tiếp cận các đơn hàng có ngành –nghề phù hợp nhằm lựa chọn hướng đi đúng, an toàn. Dự kiến cuối năm nay, Nhà trường hoàn thành thủ tục cho phép một số đối tác được mở văn phòng thường trực tư vấn xuất khẩu lao động ngay tại trường giúp các học viên có thêm cơ hội được tư vấn thường xuyên về vấn đề này.
Năm 2017, nhằm đảm bảo cho các học viên được đào tạo nghề chất lượng, được đảm bảo có việc làm với mức thu nhập cao, đơn vị đã và đang tiếp tục đổi mới cách tiếp cận, tạo nguồn học viên mới, đẩy mạnh khâu tư vấn tuyển sinh, mở rộng địa bàn hợp tác với doanh nghiệp. Hướng đến đối tượng là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ và các đối tượng chính sách, con, em đồng bào vùng sâu- vùng xa, vùng kinh tế còn khó khăn để làm tốt nhiệm vụ hậu phương quân đội, nhiệm vụ đào tạo nghề cho đối tượng chính sách xã hội…

T. Quyên