Lao động
Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama II: Triển khai mô hình đào tạo nghề phối hợp
03:16 PM 30/08/2017
(LĐXH) - Doanh nghiệp cùng nhà trường trực tiếp tham gia quá trình biên soạn tài liệu, giáo trình; giảng dạy, kiểm định, đánh giá chất lượng đào tạo và trực tiếp nhận nguồn nhân lực sau đào tạo.... mô hình này đang được triển khai hiệu quả tại Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama II.
DN tham quan mô hình đào tạo phối hợp nghề CNC tại trường

Từ 4 nghề thí điểm

Sau quá trình phối hợp giữa nhà trường và tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Trường Cao đẳng nghề Công nghệ quốc tế Lilama II đã chính thức đưa vào thực hiện thí điểm giảng dạy 4 nghề theo tiêu chuẩn Đức gồm: Kỹ thuật viên Cơ khí xây dựng; Điện tử công nghiệp; Cắt gọt kim loại (CNC) và Kỹ thuật viên Cơ điện tử. Cả 4 nghề này đã được Phòng Thương mại Poxdam (Cộng hòa Liên bang Đức) cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn đào tạo nghề của Đức.

Hiệu trưởng nhà trường, Thạc sỹ Nguyễn Khánh Cường chia sẻ, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp là trọng tâm chính của Chương trình đổi mới đào tạo nghề ở Việt Nam nói chung, nhà trường nói riêng. Trong khuôn khổ hợp tác, GIZ đã hỗ trợ Lilama II trong việc phát triển các bộ Tiêu chuẩn nghề và Chương trình đào tạo tương ứng cho 4 nghề trọng điểm cùng với sự tham gia của 52 doanh nghiệp và 4 Hiệp hội chuyên môn. Vào cuối năm 2016, Phòng Thương mại Potsdam đã chứng nhận các bộ Tiêu chuẩn nghề phát triển và đạt trình độ tương tương Tiêu chuẩn nghề của Đức. Cùng đó, các Chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên các bộ Tiêu chuẩn nghề này cũng được chứng nhận tương đương với chương trình đào tạo của Đức.

Hiện nay, 4 nghề được chứng nhận theo Tiêu chuẩn và Chương trình đào tạo nghề của Đức đang đào tạo khoảng 100 học viên. Trong đó, phần lý thuyết học tại trường với các chuyên gia của tổ chức GIZ, còn phần thực hành, thực tập sẽ thực hiện tại 52 doanh nghiệp có hợp tác với trường. Mới đây, trong chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung, lãnh đạo nhà trường cho biết, cả 100 học viên đang đào tạo 4 nghề này đều được các doanh nghiệp đặt hàng nhận về làm việc sau tốt nghiệp.

Hiệu trưởng Nguyễn Khánh Cường cho biết thêm, sau giai đoàn hợp tác 4 ngành, Lilama II sẽ được GIZ hỗ trợ xây dựng quan hệ hợp tác, có hệ thống với doanh nghiệp nhằm triển khai các chương trình đào tạo phối hợp, trong đó đào tạo thực hành được thực hiện hoàn toàn tại doanh nghiệp; đào tạo lý thuyết và một phần thực hành kỹ năng nghề được tiến hành tài các xưởng hiện đại của Lilama II. Đội ngũ giáo viên của Lilama II và cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp thường xuyên được tập huấn nâng cao trình độ nhằm đảm bảo chất lượng cao và đào tạo định hướng thực hành.

Đến mô hình phối hợp

Lãnh đạo Nhà trường giới thiệu với các doanh nghiệp về mồ hình đào tạo của trường

Ngoài thành công trong đào tạo nghề gắn với sử dụng tại doanh nghiệp, hiện nay, Lilama II đang đào tạo 3 nghề kỹ sư thực hành, 11 nghề cao đẳng nâng cao quốc tế, 4 nghề đào tạo theo tiêu chuẩn Đức, 3 nghề tiêu chuẩn Pháp và 18 nghề hệ cao đẳng. Lilama II trở thành thành viên của nhiều tổ chức dạy nghề uy tín của thế giới như Hội đồng nghề vương quốc Anh (City & Guid); Hiệp hội Hàn Hoa Kỳ và các tổ chức dạy nghề uy tín quốc tế. Học viên tốt nghiệp ở trường có thể vào làm việc tại những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU. Đặc biệt mới đây, Trường được công nhận đạt chuẩn và trở thành trường nghề đầu tiên cả nước thực hiện mô hình đào tạo nghề phối hợp (CVT).

Về phía các doanh nghiệp, khi tham gia chương trình CVT được hưởng lợi rất nhiều: không phải mất thời gian đào tạo lại, có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng ngay nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp. Đại diện công ty TA (Nhơn Trạch), một trong những đơn vị hợp tác với trường cho rằng, khi tham gia mô hình này thì số lượng, thời lượng và yêu cầu các môn học trong chương trình là phù hợp với tình hình thực tế sản xuất của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp khác tham gia cũng đồng ý kiến trên song họ mong muốn chương trình cần định hướng sâu hơn cho học viên về các thiết bị điều khiển, đo lường, tự động hóa và bổ sung thực hành mạch điện.

Thạc sĩ Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, trong giai đoạn 2 của dự án hợp tác với GIZ, họ sẽ hỗ trợ trường trong việc xây dựng các bộ Tiêu chuẩn nghề và Chương trình đào tạo tương ứng cho 4 nghề trọng điểm sẽ thuận lợi trong thực thi chương trình CVT.

Cố vấn trưởng dự án GIZ, ông Piter Wunsch đánh giá, thành công bước đầu của 4 nghề kỹ thuật cao theo tiêu chuẩn Đức, theo cam kết GIZ sẽ tiếp tục hỗ trợ nhà trường trong xây dựng bộ Tiêu chuẩ nnghề và Chương trình đào tạo theo tiêu chí Đức. Điều này sẽ giúp người học nắm vững cơ sở lý thuyết, thực hành còn doanh nghiệp thì yên tâm với chất lượng khi trực tiếp tham gia cùng chương trình CVT tại trường.

Giám đốc Sở LĐ-TBXH Huỳnh Văn Tịnh nhìn nhận: “Chương trình CVT đang triển khai tại Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama II là bước tiến trong việc kêu gọi doanh nghiệp vào cuộc ngay từ đầu cho đến khi hoàn thiện và nhận sản phẩm đào tạo. Đây là giải pháp hiệu quả, nhanh, tiết kiệm nhất trong giáo dục nghề nghiệp, khắc phục tìnhtr ạng doanh nghiệp phải đào tạo lại, sinh viên ra trường không có việc làm, tránh lãng phí”.

Với sự năng động của đội ngũ cán bộ, giảng viên, Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama II là cơ sở đào tạo nghề đầu tiên của Việt Nam được thí điểm thực hiện tự chủ trong đào tạo. Chính phủ CHLB Đức thông qua Hợp tác Việt- Đức thực hiện “Chương trình đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam”. Chương trình này được thực hiện bởi tổ chức GIZ, Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW)- Hợp tác tài chính trong mối quan hệ chặt chẽ với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Việt Nam.

                                                                                 Lê Thoại