Xã hội
Trung tâm Phục hồi chức năng Việt Hàn: Trao gửi tình yêu thương, thắp sáng niềm hy vọng
01:15 PM 15/10/2018
(LĐXH) Đồng cảm, chia sẻ với những gia đình có trẻ em khuyết tật và những đứa trẻ không may mắn đó, bằng tình yêu thương, lòng nhân ái của mình, trong nhiều năm qua, các cán bộ, giáo viên của Trung Phục hồi chức năng Việt Hàn luôn tận tâm, nỗ lực hết sức mình để chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật, giúp các em cải thiện đáng kể sức khỏe và hành vi, mang lại cho các em cơ hội tái hòa nhập cộng đồng và hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn.
Một giờ học của trẻ tự kỷ tại Trung tâm Phục hồi Chức năng Việt Hàn
Mái nhà của trẻ em khuyết tật
Tọa lạc tại thôn Yên Thái, xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội, Trung tâm Phục hồi chức năng Việt – Hàn trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 6/2006 với nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng và hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật trên địa bàn thành phố Hà Nội .
Chia sẻ về công việc của các cán bộ, nhân viên nơi đây, ông Nguyễn Kim Cam, Giám đốc Trung tâm cho biết: Với 3 phòng chức năng, 44 biên chế được đào tạo từ nhiều chuyên ngành khác nhau như giáo dục đặc biệt, bác sỹ, tâm lý, công tác xã hội...,  trong 12 năm qua, Trung tâm đã tiếp nhận, thực hiện các chương trình phục hồi chức năng cho 545 trẻ và hiện nay đang nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho 124 trẻ khuyết tật ở 4 dạng tật: vận động, khuyết tật trí tuệ,  khiếm thính và tự kỷ. Trung tâm thực hiện việc nuôi dưỡng, điều trị, giáo dục theo mô hình khép kín. Với đặc thù công việc là chăm sóc, điều trị cho những trẻ em khuyết tật, trong đó có nhiều em khuyết tật nặng, không tự phục vụ được trong sinh hoạt hàng ngày hoặc phải được chỉ dạy, giám sát thường xuyên thì số nhân lực hiện tại của Trung tâm đang thấp hơn nhiều so với qui định của Nhà nước. Chẳng hạn theo qui định một hộ lý chỉ chăm sóc 3- 4 cháu thì trên thực tế hộ lý của Trung tâm đang chăm sóc 12 cháu, hay một giáo viên chỉ dạy 6 – 8 em thì giáo viên của Trung tâm phải dạy hơn 10 cháu. Vì vậy, cán bộ, nhân viên Trung tâm phải làm việc rất vất vả, căng thẳng, tính ra số giờ phải làm thêm của mỗi người phải lên đến 600 – 700 giờ trong một năm, nhưng ai nấy đều tận tâm, tận lực, mang hết khả năng, kiến thức của mình và liên tục học hỏi, cập nhật thêm các phương pháp mới để kiên trì điều trị, phục hồi chức năng cho các em. Có vất vả đến mấy lãnh đạo Trung tâm cũng không thuê lao động bên ngoài vào chăm sóc các cháu bởi lo rằng họ không hiểu tình trạng, tâm lý của trẻ khuyết tật mà thiếu kiềm chế, đánh mắng các em. Chính vì thế, các em ở Trung tâm Phục hồi chức năng Việt Hàn đều có cảm giác thoải mái, an toàn, vui vẻ, được chăm sóc, yêu thương, coi những cán bộ, giáo viên Trung tâm như những người ruột thịt của mình.
Lớp học văn hóa của trẻ khuyết tật 
Các chương trình can thiệp tại Trung tâm được tiến hành theo một quy trình bài bản, rõ ràng và hiệu quả từ khâu đánh giá, tư vấn, can thiệp và đánh giá lại. 100% trẻ đến tham gia phục hồi đều được trải qua các bước trong quy trình, các trẻ đều có hồ sơ cá nhân theo dõi quá trình can thiệp và phát triển từ khi bắt đầu đến khi kết thúc.
Trung tâm đã thực hiện tốt vai trò là một cơ sở cung cấp các dịch vụ phục hồi đa dạng và toàn diện cho trẻ em khuyết tật. Thông qua các buổi nói chuyện, vui chơi cùng trẻ, cán bộ, giáo viên Trung tâm thường xuyên đánh giá, nắm bắt kịp thời trạng thái tâm lý của trẻ khuyết tật để có các hình thức can thiệp, hỗ trợ tâm lý. Trung tâm còn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí cho trẻ khuyết tật thông qua các hoạt động nhằm giúp các cháu phát triển vận động, giảm hành vi, phát triển tâm lý tự tin, vui vẻ và hòa nhập vào cộng đồng.
Nhằm giáo dục các kỹ năng nhận thức, kỹ năng sống, giao tiếp, trẻ khuyết tật tại Trung tâm được thường xuyên tham gia hoạt động ngoại khóa, thực hành, trải nghiệm thực tiễn...để giúp các em phát triển toàn diện cả về thể chất và tâm lý, đặc biệt là rèn luyện kỹ năng sống, khả năng tương tác xã hội và cải thiện hành vi. Trung tâm cũng đã tiến hành giáo dục hướng nghiệp cho các em bằng việc thực hành một số nghề tin học, làm hoa lụa, đan các sản phẩm mây tre đan hay thực hiện việc lắp ráp một số công đoạn của sản phẩm…để thông qua đó giúp các em có được những kỹ năng nghề nghiệp cơ bản như kỹ năng tập trung, độ kiên trì, tính kỷ luật, hoạt động phối hợp làm việc nhóm, làm việc theo công đoạn, khả năng phối hợp tay – mắt… Nhờ đó, hầu hết các trẻ lớn đã có được kỹ năng tự phục vụ, hành vi giao tiếp cơ bản. Một số em đã hoàn thành chương trình tin học, nội trợ và có thể thực hiện được một vài công đoạn  làm tăm, gắn nhãn mác, lắp rắp chi tiết sản phẩm.
Cán bộ, giáo viên Trung tâm thường xuyên đánh giá, nắm bắt kịp thời trạng thái tâm lý
của trẻ khuyết tật để có các hình thức can thiệp, hỗ trợ tâm lý phù hợp
Quả ngọt của tình yêu thương
Các nội dung can thiệp thống nhất được các giáo viên và kỹ thuật viên áp dụng một cách linh hoạt nhằm giúp trẻ em khuyết tật có thể tiếp cận và phát huy hết khả năng mình. Do đó, về cơ bản sau khi vào Trung tâm thì 90%  trẻ khuyết tật đã có sự cải thiện rõ rệt về hành vi, cân bằng giác quan, học được các kỹ năng xã hội cơ bản như tương tác với người khác, biết xử lý một số tình huống đơn giản, biết sử dụng ngôn ngữ lời nói và cử chỉ để diễn đạt nhu cầu của bản thân, có được các kỹ năng tự phục vụ bản thân, biết đọc, viết, tính toán và đặc biệt một số trẻ lớn đã hoàn thành chương trình nghề, có thể hoạt động độc lập chỉ cần sự giám sát, có hành vi giới tính và kỹ năng xã hội phù hợp. Trong 9 tháng đầu năm 2018, Trung tâm đã tiếp nhận 21 trẻ mới tham gia chương trình phục hồi chức năng thì 20 trẻ đã có kỹ năng cơ bản để hoà nhập cộng đồng. Trong số 545 trẻ được Trung tâm tiếp nhận chăm sóc, phục hồi chức năng từ năm 2006 thì đã có 421 em về với gia đình, hòa nhập cộng đồng.
Với tình cảm, trách nhiệm, sự tận tâm và nỗ lực không ngừng  của tập thể Ban giám đốc, cán bộ, viên chức Trung tâm Phục hồi Chức năng Việt Hàn, trong những năm qua nhiều trẻ khuyết tật đã tiến bộ một cách rõ rệt như các cháu: Nguyễn Đức Độ, Đỗ Minh Quân, Nguyễn Tuấn Anh, Lê Mạnh Dũng, Đỗ Danh Bách... Một trong số những trẻ được can thiệp thành công nhất là cháu Nguyễn Thế Khiêm đã được hòa nhập cộng đồng, hiện đang học lớp 5 Trường Tiểu học Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội. Gia đình em không thể giấu được niềm vui sướng vì họ không dám nghĩ rằng Khiêm có thể tiến bộ nhanh như ngày hôm nay bởi trước khi được can thiệp tại Trung tâm, Khiêm là trẻ tự kỷ ở mức độ nặng.  Mặc dù đã ba tuổi nhưng em không thể nói được từ đơn, chưa biết chỉ tay hay gật đầu, lắc đầu khi muốn thể hiện nhu cầu của mình. Khiêm không tham gia chơi cũng như không biết cách chơi với các bạn cùng lứa tuổi, chưa biết tự đi đại tiện và tiểu tiện, cũng như gọi bố mẹ khi muốn đi vệ sinh do cháu bị rối loạn giác quan, bên cạnh đó cháu còn có một số hành vi bất thường như đập đầu, ăn vạ…
Cô Trần Thị Nơ, giáo viên Trung tâm cho biết: Trung tâm đã tư vấn, giúp đỡ gia đình, trực tiếp xây dựng chương trình và tiến hành can thiệp cho em trên tất cả các lĩnh vực ngôn ngữ, cá nhân xã hội, vận động thô, vận động tinh, bắt chước với nhiều phương pháp như phân tích hành vi ứng dụng, quản lý hành vi, tâm vận động, phương pháp trị liệu dưới sàn. Để điều hòa giác quan cho Khiêm, cô sử dụng các bài tập matxa và chườm nóng lạnh... Trải qua quãng thời gian mấy năm, có lúc cô đã cảm thấy rất nản chí vì mệt mỏi và đã áp dụng nhiều phương pháp can thiệp nhưng tình trạng của cháu không tiến triển là bao, nhưng giờ đây những buồn lo đã qua đi, chỉ còn lại niềm vui và sự hy vọng vào tương lai tươi sáng của Khiêm. Hiện nay cháu đã có thể đọc và hiểu nội dung bài học, có thể thực hiện các phép tính theo chương trình toán ở lớp cháu đang theo học. Giáo viên chủ nhiệm lớp đã nhận xét, Khiêm có thể đáp ứng được mọi chương trình gần như một học sinh bình thường.
Em Nguyễn Diệu Linh (đứng giữa hàng thứ hai) giành một huy vàng duy nhất cho Đoàn Việt Nam
tại cuộc thi “Thách thức công nghệ thông tin toàn cầu dành cho thanh thiếu niên khuyết tật”
năm 2014 tổ chức tại Hàn Quốc.
Với nội dung giảng dạy và phương pháp truyền đạt kiến thức trực quan, dễ hiểu, phù hợp với từng đối tượng trẻ khuyết tật, Học sinh Trung tâm đã nhiều năm tham gia cuộc thi “Thách thức công nghệ thông tin toàn cầu dành cho thanh thiếu niên khuyết tật” đã đoạt được nhiều giải cao. Năm 2011, khi cuộc thi được tổ chức tại Việt Nam, học sinh của Trung tâm đoạt 1 huy chương Vàng trong phần thi tin học văn phòng và 1 huy chương đồng trong phần thi tìm kiếm thông tin trên internet.  Năm 2014, cuộc thi tổ chức tại Bu San - Hàn Quốc có sự tham gia của 120 thanh thiếu niên khuyết tật đến từ khu vực  Đông Nam Á, Hàn Quốc và một số nước khác. Trong đó, đoàn Việt Nam có sự tham dự của 6 em đến từ các trường: Trung cấp kỹ thuật Hà Nội, THCS Nguyễn Đình Chiểu, THPT Trần Nhân Tông, Đại học Điện Lực Hà Nội. Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn có 1 học sinh tham gia đó là em Nguyễn Diệu Linh, sinh năm 1999 bị khuyết tật vận động (Bại não thể múa vờn). Với phần thi cá nhân về Web, Powerpoint và phần thi nhóm thiết kế poster Diệu Linh đã vinh dự mang về 1 huy chương vàng duy nhất cho đội tuyển Việt Nam. Ngoài ra, Diệu Linh đã chiếm trọn tình cảm của khán giả với giải thưởng “Thí sinh được khán giả bình chọn nhiều nhất”. Tại Đại hội thi đua yêu nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2010 - 2015 em Nguyễn Diệu Linh  đã được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tuyên dương và tặng Bằng khen.
Năm 2017 mới đây, tại cuộc thi “Thách thức công nghệ thông tin toàn cầu dành cho thanh thiếu niên khuyết tật” tổ chức tại Việt Nam, các em học sinh của Trung tâm cũng dự thi và đoạt 2 huy chương Vàng (1 giải phần thi nhóm thiết kế đồ họa và 1 giải dành cho học sinh có nhiều nỗ lực).
Những huy chương, giải thưởng tại các cuộc thi cũng như sự tiến triển trong tâm lý, hành vi của các em khuyết tật đã được chăm sóc, điều trị, can thiệp tại Trung tâm đã mang lại biết bao niềm vui, niềm hạnh phúc cho cha mẹ, gia đình các em, và cũng là phần thưởng vô giá, là nguồn động viên lớn lao cho các cán bộ, nhân viên Trung tâm Phục hồi Chức năng Việt Hàn, giúp họ có thêm động lực để thực hiện công việc nhiều ý nghĩa và giàu tính nhân văn của mình.
Thảo Lan