Xã hội
Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An: "Mái nhà Xanh” ấm áp nghĩa tình
03:19 PM 03/12/2020
(LĐXH) Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An đang nuôi dưỡng 69 thương bệnh binh nặng và thân nhân liệt sỹ, hầu hết đều tuổi cao, tình trạng thương tật nặng, sức khỏe yếu. Cùng với đó, đơn vị còn có nhiệm tổ chức điều dưỡng luân phiên cho người có công trên địa bàn tỉnh. Để phục vụ tốt các đối tượng người có công, Trung tâm luôn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.
Tiền thân là Trại thương binh 4 được thành lập từ năm 1974 tại xóm Phong Lạc, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An,  Trung tâm điều dưỡng thương binh Nghệ An được thành lập năm 2004 theo Quyết định của UBND tỉnh với nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, điều trị, nuôi dưỡng thương, bệnh binh nặng và điều dưỡng luân phiên người có công  trên địa bàn tỉnh.
Năm 2017, song song với nhiệm vụ nuôi dưỡng thương binh nặng, Trung tâm được UBND tỉnh bổ sung thêm nhiệm vụ tổ chức điều dưỡng luân phiên cho Người có công trên địa bàn tỉnh. Đơn vị đã thực hiện tốt gần 800 lượt điều dưỡng, được các đoàn người có công ghi nhận.
Về tổ chức, bộ máy, Trung tâm có 38 cán bộ, viên chức và 2 phòng, Ban: Phòng Hành chính – Tổng hợp và Phòng Y tế - Điều dưỡng.
Thương binh nặng dạo chơi trong khuôn viên rợp bóng cây xanh
của Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An
Hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng 69 thương binh, bệnh binh nặng (64 thương, bệnh binh và 5 thân nhân Liệt sỹ). Trong số 64 thương, bệnh binh có 35 đối tượng hưởng chế độ người tham gia kháng chiến bị nhiểm chất độc da cam/dioxin; 04 đối tượng hưởng chế độ tù đày và 04 đối tượng hưởng chế độ theo quyết định 142/QĐ – CP.
Về tình trạng thương tật, số thương, bệnh binh liệt, cụt chi dưới phải dùng xe lắc: 33 người (trong đó liệt cột sống, liệt 1/2 người: 23); Mù 02 mắt: 09 người; Số còn lại có vết thương tổng hợp. Thương, bệnh binh thuộc đơn vị quản lý gồm 3 thế hệ: Chống Pháp, chống Mỹ, Bảo vệ biên giới và làm nghĩa vụ Quốc tế; người nhiều tuổi nhất là 87 tuổi, người ít tuổi nhất là 52 tuổi.
Căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của cấp trên và tình hình thực tế, những thuận lợi, khó khăn của đơn vị, ngay từ đầu năm, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, từ đó tham mưu cho các cấp đề ra các chủ trương, chính sách, các văn bản chỉ đạo các phòng chuyên môn để thực hiện tốt công tác chăm sóc, điều dưỡng người có công, cụ thể là: Tham mưu và xây dựng kế hoạch tiếp nhận thân nhân liệt sỹ từ Nhà nuôi dưỡng thân nhân liệt sỹ.
Trò chuyện trong không gian tươi đẹp, thanh bình
Công tác thăm khám, điều trị luôn được quan tâm đúng mức, đặc biệt là điều trị cho các thương, bệnh binh liệt do điều kiện sinh hoạt không muốn nhập viện. Đội ngũ y, bác sỹ đã áp dụng nhiều phác đồ mới, nâng cao chất lượng điều trị tại bệnh xá, Các phác đồ điều trị được các y, bác sỹ cập nhật phù hợp, kết hợp điều trị Đông - Tây y, áp dụng các liệu pháp điều trị không dùng thuốc như: xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, vật lý trị liệu.... Đối với các bệnh nhân có diễn biến phức tạp, đơn vị không đủ điều kiện điều trị thì được chuyển bệnh viện tuyến trên.
Trung tâm tổ chức các kíp trực 24/24 giờ để đảm bảo giải quyết sơ, cấp cứu kịp thời. Trong năm có các thương bệnh binh ốm đau nặng như: ông Đỗ Quang Bích, Nguyễn Quốc Trị, Cao Thị Hải, Lê Anh Ty, Lê Ngọc Lan, Dương Xuân Thái, …. một số đối tượng phải điều trị dài ngày như Nguyễn Quốc Trị, Đỗ Quang Bích, Cao Thị Hải…. , mọi trường hợp cơ bản đều đã được giải quyết tốt, hiện nay sức khỏe thương, bệnh binh đã ổn định. Tuy vậy, trong năm 2020 có 01 thương binh, 01 bệnh binh được nuôi dưỡng tại Trung tâm đã qua đời tại đơn vị do thương bệnh tật tái phát; 01 thân nhân liệt sỹ qua đời vì tuổi cao, sức yếu.
Lối đi, cảnh quan được chăm sóc kỹ lưỡng, sạch đẹp
 Việc mua và sử dụng thuốc điều trị được thực hiện đúng quy định, số lượng và chất lượng ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu chữa các bệnh lý thông thường cho thương, bệnh binh. Năm 2020, Trung tâm chi mua thuốc điều trị số tiền gần 269,2 triệu đồng
 Phòng Y tế - Điều dưỡng đã tổ chức khám bệnh, cấp thuốc cho 369 lượt đối tượng thương bệnh binh ở tập trung và 404 lượt người có công Nam Đàn về tham gia các đợt điều dưỡng tại đơn vị; điều trị tại bệnh xá cho 54 lượt thương, bệnh binh, cấp cứu tại bệnh xá 10 lượt; chuyển khám Bệnh viện Quân y 4 cho 198  lượt đối tượng, trong đó có 105 lượt phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Quân y 4; chuyển khám các bệnh viện khác trong tỉnh 09  lượt và 05 lượt chuyển điều trị tuyến viện Trung ương.
 Số liệu thống kê nêu trên phản ánh rõ tình hình sức khỏe thương bệnh binh ngày càng giảm sút, thương bệnh tật thường xuyên tái phát nên sức ép về công tác chăm sóc, phục vụ ngày càng nặng nề. Do đó, việc bổ sung các loại thuốc điều trị được chú trọng, chất lượng công tác điều dưỡng đảm bảo tốt, ổn định sức khỏe nên thương bệnh binh ngày càng tin tưởng hơn vào đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn tại đơn vị.
Năm 2020, Trung tâm đã tổ chức điều dưỡng tập trung cho  404/500  trường hợp người có công của huyện Nam Đàn về tham gia điều dưỡng tập trung tại đơn vị. Qua 06 đợt điều dưỡng Trung tâm đã thực hiện tốt chương trình, kế hoạch, lịch trình điều dưỡng để lại nhiều ấn tượng tốt cho đối tượng.
 Tổ chức bếp ăn tập thể phục vụ nhu cầu dinh dưỡng, tạo thuận lợi cho một số thương, bệnh binh không thể tự phục vụ, cán bộ, viên chức trực đồng thời làm tốt việc hỗ trợ nấu ăn tại phòng cho các thương, bệnh binh liệt cơ vòng, phục vụ ăn uống cho các đoàn người có công về tham gia điều dưỡng. Thực hiện tốt an toàn vệ sinh thực phẩm.
  Đối với những thương bệnh binh có bệnh lý đa dạng không thể ăn tập trung, đơn vị sử dụng một phần tiền điều trị mua các loại lương thực, thực phẩm và sữa Ensure có hàm lượng dinh dưỡng cao để cấp phát nhằm nâng cao và bồi bổ sức khỏe. Số tiền chi cho điều dưỡng trong năm là gần 301 triệu đồng.
Công tác chăm sóc, phục vụ được quan tâm thực hiện tốt. Trong năm 2020 đơn vị đã bố trí  268  lượt điều dưỡng viên đi chăm sóc thương, bệnh binh tại các tuyến viện (trong đó có 227 lượt đưa thương binh , bệnh binh đi chạy thận).
Lãnh đạo Trung tâm rất chú trọng công tư vấn, tuyên truyền phòng bệnh. Với quan điểm phòng bệnh hơn chữa bệnh nên vệ sinh môi trường được chú trọng . Công tác vệ sinh phòng ở, vệ sinh cá nhân cho thương, bệnh binh bất động, thực hiện chế độ hộ lý theo tình trạng thương, bệnh tật được quan tâm. Các khuôn viên cây xanh cơ bản hình thành, bờ bụi được phát quang để đảm bảo môi trường trong lành. Thực hiện đầy đủ công tác phun thuốc diệt muỗi, diệt côn trùng để đề phòng dịch bệnh. Khuyến khích cán bộ, viên chức và thương, bệnh binh rèn luyện sức khỏe thông qua các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao.
 Trước diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch COVID 19 đơn vị đã nghiêm túc thực hiện các văn bản hướng dẫn phòng chống dịch của cấp trên, thực hiện giản cách xã hội, các biện pháp phòng dịch đạt kết quả cao nhất, 100% cán bộ, viên chức cài đặt ứng dụng BLUZONE trên điện thoại di động.
Thực hiện các chế độ, chính sách, căn cứ hướng dẫn của Bộ, Ngành, đơn vị đã chỉ đạo các phòng, các bộ phận lập kế hoạch bảo đảm các hoạt động về vật chất và tinh thần một cách chủ động. Đầu năm 2020, đơn vị đã làm việc với Giám đốc Sở và các phòng chuyên môn Sở về công tác quản lý nuôi dưỡng TBB tập trung, thực hiện điều trị, tiếp nhận, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất để tổ chức điều luân phiên năm 2020 cho 405 người có công tại huyện Nam Đàn. Mua sắm một số trang thiết bị tại phòng ở thương bệnh binh, đảm bảo công tác phục vụ và chuyên môn nâng cao chất lượng công tác điều dưỡng như: ghế matsa, xe đạp thể dục, các trang thiết bị y tế…
Trải qua 45 năm, hàng trăm thương, bệnh binh đã được đơn vị điều dưỡng ổn định sức khỏe được về với gia đình, về với quê hương nhưng cũng có nhiều đồng chí do vết thương quá nặng không thể phục hồi, đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Nghi Lộc anh hùng, nơi quê hương thứ hai của các anh, các chị. Đến thời điểm hiện tại Trung tâm chỉ còn 64 thương bệnh binh nặng của 02 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh do hoàn cảnh thương tật, hoàn cảnh gia đình sẽ gắn bó phần đời còn lại với đơn vị nuôi dưỡng thương binh này. Hôm nay, khi về thăm Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước những sự thay đổi lớn tại đơn vị. Những hàng cây tỏa tròn bóng mát, những căn nhà mới khang trang đang dần thay thế những dãy nhà cũ nát. Khi xưa 4- 6 thương binh chung một phòng, nhưng nay mỗi thương binh ở trong một căn phòng hơn 30m2, trang thiết bị trong phòng đã có máy điều hòa, bàn ghế, tủ, giường...Nơi hội họp, sinh hoạt chung rộng rãi, thoáng mát, có phòng đọc sách với hàng trăm đầu sách, báo, có ti vi màn hình lớn với hàng trăm kênh truyền hình cung cấp những thông tin thời sự, thông tin về chính trị, xã hội, giải trí, thông tin về chăm sóc sức khỏe...Trang thiết bị y tế được bổ sung hiện đại, đơn vị đã có xe cứu thương, các phương tiện sơ cấp cứu...
Khách đến thăm Trung tâm có thể bắt gặp những nụ cười lấp lánh của các thương binh, khi đọc cho nhau nghe những khổ thơ mới sáng tác, hay chia vui khi con đồng đội được quân đội nhận vào công tác, cùng nhau chia sẻ thế cờ hay, nhưng cũng có thể thấy những giọt nước mắt khi các bác được cô văn công Quân khu 4 quàng lại chiếc khăn len và hát tặng bài Người con gái sông La.
Đội ngũ cán bộ, viên chức Trung tâm với 38 người, phần lớn được sinh ra khi đất nước đã thanh bình, không phải chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh nhưng khi chứng kiến những vết thương còn nhức nhối trên thân thể các bác thương bệnh binh đã hiểu rõ hơn những hy sinh mất mát để đổi lấy cuộc sống hòa bình ngày nay. Với sức trẻ cùng trình độ chuyên môn tốt, với tình cảm của người con, người cháu, đội ngũ cán bộ, viên chức hôm nay đã phát huy truyền thống của đơn vị phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó, thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt nam. Trong 4 năm liên tục 2015, 2016, 2017, 2018 đơn vị đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2019, vào dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập, Trung tâm vinh dự được đón nhận Cờ Thi đua của UBND tỉnh Nghệ An.
Một buổi biểu diễn văn nghệ tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An
Ông Nguyễn Thiếu Lâm, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công Nghệ An xúc động nói: Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đang không ngừng phát triển nhưng chúng ta mãi mãi không quên những cống hiến hy sinh của các thế hệ cha, anh. Tập thể cán bộ, viên chức Trung tâm xin hứa sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, điều trị, nuôi dưỡng để nơi đây trở thành mái ấm gia đình thứ hai của các bác, các anh, các chị thương bệnh binh nặng.
Đơn vị có được truyền thống vẻ vang  và những thành công nêu trên chính là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Nghệ An, tỉnh Hà Tĩnh, của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các cấp các ngành, sự nỗ lực cố gắng vượt qua thương bệnh tật, đoàn kết, tích cực đóng góp, xây dựng của các thương, bệnh binh, sự đoàn kết, nhất trí, tận tụy trong công việc của các thế hệ cán bộ, viên chức trong đơn vị. Bên cạnh đó còn có sự động viên, chia sẻ đầy trách nhiệm, nghĩa tình của các tập thể, cá nhân hảo tâm đã ủng hộ hỗ trợ các hoạt động của đơn vị cả về vật chất và tinh thần.
Đặng Thị Thảo Lan