Xã hội
Trung tâm Điều dưỡng người có công và bảo trợ xã hội Hà Tĩnh: Cải thiện môi trường sống xanh - sạch - đẹp
10:10 AM 17/11/2020
(LĐXH) Trong suốt chặng đường hơn 20 năm qua, Trung tâm Điều dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh đã không ngừng phát triển và lớn mạnh về mọi mặt. Trong quá trình hoạt động, Trung tâm đã không ngừng đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất khang trang, cải thiện môi trường sống ngày càng xanh - sạch - đẹp để phục tốt ngày càng tốt hơn người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội.
Đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp
Hà Tĩnh được biết đến là một vùng quê nghèo khó, thiên tai khắc nghiệt, nơi chảo lửa - túi mưa, là vùng đất giàu truyền thống cách mạng nhưng cũng là địa phương chịu hậu quả nặng nề của hai cuộc chiến tranh và chịu tác động thường xuyên của thiên tai nên đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều đối tượng chính sách người có công cũng như đối tượng xã hội có hoàn cảnh éo le, bất hạnh.
Tổng số đối tượng có nhu cầu trợ giúp xã hội trên toàn tỉnh Hà Tĩnh là hơn 545.000 đối tượng, bao gồm 296.000 đối tượng người có công với cách mạng (trong đó có hơn 45.000 đối tượng đang hưởng trợ cấp thường xuyên), gần 70.000 đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng, hơn 69.000 đối tượng người khuyết tật, 9.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, 169.000 người cao tuổi, hơn 1.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý cần được sự quan tâm chăm lo, giúp đỡ, vì vậy như cầu về nuôi dưỡng tập trung và điều dưỡng luân phiên hàng năm rất lớn.
Người có công điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng NCC và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh
nghỉ ngơi trong môi trường sạch đẹp, rợp bóng hoa và cây xanh
Những năm đầu tái lập tỉnh, trong điều kiện tỉnh nhà còn gặp nhiều khó khăn nhưng Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm đặc biệt đến vấn đề bảo đảm an sinh xã hội. Mặc dù còn là một tỉnh nghèo, kinh tế chưa phát triển, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, nhưng để thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và trợ giúp, chăm sóc các đối tượng thiệt thòi, yếu thế trong xã hội, tháng 9/1999,  UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Trung tâm Xã hội tổng hợp Hà Tĩnh (tháng 7/2016 được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định về việc kiện toàn và đổi tên thành Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh) với chức năng, nhiệm vụ được giao là: Tổ chức quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng chính sách người có công, các đối tượng người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa và tổ chức điều dưỡng luân phiên cho các đối tượng người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.
 Trong suốt chặng đường 20 năm qua, Trung tâm Điều dưỡng NCC và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh đã không ngừng phát triển và lớn mạnh về mọi mặt, từng bước khẳng định được vị trí, vai trò của mình. Từ khi mới thành lập, Trung tâm mới chỉ có 03 bộ phận chuyên môn và 19 cán bộ, nhân viên, đến nay Trung tâm đã có 03 phòng chuyên môn với tổng số 46 cán bộ, viên chức. Chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức từng bước được nâng cao về mọi mặt. Các chế độ, quyền lợi của cán bộ, viên chức và người lao động luôn được Trung tâm quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời theo quy định.
Người có công tham gia các hoạt động vui chơi trong thời gian điều dưỡng
Hiện nay Trung tâm đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 100 đối tượng, trong đó, có: 01 Bà Mẹ VNAH, 12 thương binh, vợ, con liệt sỹ; 28 người khuyết tật nặng; 60 cụ người cao tuổi. Trong 20 năm qua, Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh đã tổ chức điều dưỡng cho trên 40.000 lượt đối tượng người có công với cách mạng của 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Khi mới thành lập, Trung tâm được tiếp nhận toàn bộ cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị từ Dự án đầu tư xây dựng mới Khu nuôi dưỡng tâm thần kinh với tổng giá trị gần 7 tỷ đồng. Sau 20 năm, cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị của Trung tâm đã không ngừng được đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại, đảm bảo quy mô, chất lượng nhằm phục vụ cho hoạt động của Trung tâm. Đến nay, trung tâm đã có 02 cơ sở: Cơ sở 1 là Trụ sở của Trung tâm và Khu nuôi dưỡng tập trung tại xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh với diện tích 19.200 m2 (1,92 ha); Cơ sở 2 là Khu điều dưỡng Người có công tại xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà với diện tích 15.000 m2 (1,5 ha) được đầu tư gần 40 tỷ đồng. Ngoài ra, Trung tâm còn đầu tư, mua sắm các phương tiện, máy móc, trang thiết bị khác nhằm phục vụ cho các hoạt động của đơn vị.
Hoạt động trị liệu phục hồi sức khỏe tại Trung tâm
Năm 2016 Trung tâm được Bộ Quốc phòng tặng 2 xe ô tô: 1 xe 16 chỗ ngồi, 1 xe cứu thương, 2 máy giặt công nghiệp và một số trang thiết bị y tế … Năm 2017 và 2018 Trung tâm được Bộ Lao động – TBXH đầu tư xây dựng nhà Đa chức năng tại Khu điều dưỡng để phục vụ chăm sóc sức khỏe cho đối tượng người có công với số tiền hơn 5 tỷ đồng.
Đặc biệt năm 2013, Khu điều dưỡng người có công với cách mạng được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh Hà Tĩnh đầu tư kinh phí đã chính thức đưa vào hoạt động (tháng 3/2013) với khuôn viên rộng, đẹp gồm 05 tòa nhà khang trang với hệ thống phòng nghỉ đầy đủ tiện nghi, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, trang thiết bị - kỹ thuật hiện đại đảm bảo nâng cao chất lượng chăm sóc, điều dưỡng cho các đối tượng.
Cuối năm 2017 Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã quan tâm đầu tư, xây dựng nhà Đa chức năng tại khu Điều dưỡng người có công để làm nơi xông hơi, vật lý trị liệu, chăm sóc sức khỏe và vui chơi giải trí cho đối tượng người có công về điều dưỡng tập trung với tổng kinh phí 5 tỷ đồng.
Năm 2018, 2019 Trung tâm đã đầu tư, sữa chữa cải tạo nhà chuyên biệt và cải tiến trang thiết bị phục vụ, nhất là sáng kiến cải tiến hệ thống giường nằm cho đối tượng sinh hoạt tại chỗ. Đến nay, Trung tâm đã  đầu tư gần 20 giường góp phần cải thiện môi trường sống của đối tượng, giảm thiểu sức lao động của nhân viên, nâng cao năng suất lao động và nâng cấp, sửa chữa hệ thống mái nhà ở của đối tượng, nhà ăn khu nuôi dưỡng.
Song song với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhà làm việc của cán bộ, nhân viên Trung tâm, khu điều dưỡng người có công và nơi ăn ở của các đối tượng bảo trợ xã hội;  mua sắm trang thiết bị..., trung tâm luôn quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp trong khuôn viên. Từng khu sinh hoạt, gồm: nhà bếp, phòng ăn, khu vệ sinh, phòng sinh hoạt chung, phòng điều dưỡng, phòng nghỉ... đều được bố trí khoa học, duy trì sạch sẽ và ngăn nắp. Định kỳ hàng tháng, Trung tâm triển khai phun khử trùng, phòng bệnh sốt xuất huyế nhằm hạn chế tối đa các bệnh lý về da liễu, đường hô hấp; thường xuyên vệ sinh phòng ở, khuôn viên; chú trọng chăm sóc hoa, cây xanh. từ khuôn viên cho tới quầy tiếp đón các đoàn người có công đến điều dưỡng, ngoài cây cảnh, chậu hoa được đưa vào không gian trung tâm, các đối tượng người có công còn được đón tiếp chu đáo với hệ thống hướng dẫn thông tin đầy đủ, cây nước uống miễn phí, nhà vệ sinh khô ráo sạch sẽ.
 Chăm sóc đối tượng chính sách chu đáo, tận tâm
Công tác quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng luôn được Trung tâm triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ đáp ứng nhu cầu về đời sống, sinh hoạt của đối tượng. Thường xuyên quan tâm đến chế độ, nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng cho đối tượng như ăn, ở, sinh hoạt, rèn luyện và phục hồi chức năng. Kịp thời điều chỉnh định mức chi cho đối tượng trong từng thời kỳ theo quy định. Công tác kiểm tra, chăm sóc sức khỏe được quan tâm thường xuyên: tổ chức khám định kỳ, cấp phát thuốc kịp thời và phục hồi chức năng, rèn luyện sức khỏe cho các đối tượng. Cùng với đó, Trung tâm thường xuyên quan tâm đến đời sống tinh thần cho các đối tượng như: tổ chức các chương trình vui chơi giải trí, giao lưu văn nghệ, tặng quà nhân ngày Quốc tế người cao tuồi, ngày Thương binh - Liệt sỹ, tổ chức đưa các đối tượng đi tham quan, thắp hương tại nhiều di tích, địa danh lịch sử, văn hóa. Nhờ sự quan tâm, chia sẻ thường xuyên về mọi mặt của đội ngũ cán bộ, nhân viên nên đời sống vật chất - tinh thần của đối tượng ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi, người khuyết tật nặng.
Hàng năm, Trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình nhằm triển khai, tổ chức thực hiện công tác điều dưỡng đảm bảo kịp thời về thời gian, chất lượng các đoàn điều dưỡng được nâng cao theo từng năm.
Công tác tổ chức đón tiếp các đoàn được thực hiện chu đáo, tận tình; cán bộ, nhân viên luôn có thái độ tôn trọng, ân cần, trách nhiệm, tậm tâm phục vụ đối tượng. Công tác chăm sóc sức khỏe người có công rất được quan tâm, 100% đối tượng vào điều dưỡng đều được khám sức khỏe ban đầu, tổ chức cấp phát thuốc, hướng dẫn rèn luyện thể chất, phục hồi chức năng, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, cấp thuốc bổ cho đối tượng; chủ động tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, xử lý rác thải tại khu vực nhà ăn và các nhà ở của đối tượng. Thực hiện tốt các chế độ dinh dưỡng cho đối tượng nhằm đảm bảo đủ chất, đủ lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Bộ phận nấu ăn thường xuyên thay đổi thực đơn, cơ cấu các món ăn nhằm đảm bảo hợp khẩu vị với từng đoàn, từng địa phương, vùng miền. Điều đáng ghi nhận trong  công tác tổ chức điều dưỡng của đơn vị 15 năm qua là chưa xảy ra trường hợp nào về ngộ độc thức ăn hay các bệnh lý liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.
Người có công thăm các địa danh lịch sử
Bên cạnh việc chăm sóc về vật chất thì công tác chăm sóc đời sống tinh thần cho đối tượng luôn được quan tâm thực hiện hiệu quả, tích cực qua các hoạt động như: Tổ chức các hoạt động vui chơi thể thao: bóng bàn, bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng…Phối hợp với Ban Tuyên giáo tổ chức các buổi nói chuyện thời sự, phổ biến, giải đáp về các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và các chính sách khác có liên quan; tổ chức chiếu phim tài liệu, các chương trình giao lưu văn nghệ…tạo không khí đoàn kết, thân thiện giữa các đại biểu với nhau và với đội ngũ cán bộ, nhân viên của Trung tâm. Tổ chức (01 lần/01 đoàn) các chuyến tham quan, hành hương hướng về cội nguồn như thăm quê Bác Hồ, Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, viếng Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các địa danh lịch sử - văn hóa khác.
Được sự quan tâm của UBND tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh và nhằm đáp ứng tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của đối tượng người có công trên địa bàn tỉnh, năm 2018, 2019 Trung tâm đã tổ chức đưa gần 50 đoàn với gần 5.000 lượt đối tượng người có công đi thăm lại chiến trường xưa, tri ân, dâng hương các anh hùng Liệt sỹ tại các địa chỉ đỏ ở tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình.
Như vậy, mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng tập thể cán bộ nhân viên Trung tâm Điều dưỡng NCC và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh đã đoàn kết, tận tâm, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác quản lý, tổ chức nuôi dưỡng, điều dưỡng các đối tượng, góp phần thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các chính sách về an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.

Đặng Thị Thảo Lan