Lao động
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương: Tích cực thực hiện chính sách BHTN, góp phần giúp người lao động giảm bớt khó khăn, ổn định việc làm
06:01 PM 29/05/2018
(LĐXH)-Trong năm qua, bên cạnh việc thực hiện tốt công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương còn thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), góp phần hỗ trợ người lao động trong trường hợp bị mất việc làm, giúp họ và gia đình phần nào vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và sớm quay lại thị trường lao động.
Hướng dẫn người lao động làm thủ tục hưởng chế độ trợ cấp BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương
Triển khai giải quyết chế độ BHTN, xử lý hồ sơ BHTN, Trung tâm luôn thực hiện theo phương châm: Đúng quy trình, thủ tục nhanh chóng, chính xác và đúng hạn cho người lao động ; phối hợp cùng BHXH trả lời vướng mắc của NLĐ một cách thoả đáng với tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ nhân viên.Với tính chất là tổ chức hoạt động sự nghiệp thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến chính sách an sinh xã hội vì vậy công tác tiếp dân tại Trung tâm được quan tâm hàng đầu. Trong kế hoạch hoạt động của mình, Trung tâm đã xây dựng mô hình “chính quyền, công sở thân thiện” trong công tác tiếp dân tại Trung tâm, đặc biệt được triển khai đầu tiên tại bộ phận một cửa với chủ điểm: “Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và người lao động thông qua việc xây dựng môi trường làm việc thân thiện, gần gũi với người lao động và doanh nghiệp”. Đến năm 2015, Trung tâm bắt đầu áp dụng “mô hình 01 cửa” với công cụ hỗ trợ là phần mềm một cửa, theo mô hình này các dữ liệu sẽ được kết nối liên thông, đồng bộ về tư vấn GTVL –BHTN – Đào tạo nghề vào phần mềm một cửa để nhân viên một cửa dễ dàng tra cứu thông tin tư vấn cho NLĐ một cách đầy đủ nhất. Trung tâm ngày càng đẩy mạnh chuyên sâu thực hiện “mô hình 01 cửa” nhằm kết hợp hiệu quả giải quyết tổng hợp các khâu TVGTVL, đào tạo nghề, BHTN cho NLĐ một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất. Kể từ khi triển khai “mô hình 01 cửa” thì công tác giải quyết chính sách cho người lao động và doanh nghiệp của Trung tâm ngày càng thuận lợi, kịp thời, nhanh chóng, làm hài lòng người lao động. Đồng thời đã góp phần thúc đẩy cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho NLĐ.
Trong quá trình giải quyết chính sách BHTN kể từ năm 2010, Trung tâm luôn phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH đồng thời hoàn thiện quy trình giải quyết BHTN theo thực tế công tác. Tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện quy trình giải quyết BHTN với BHXH tỉnh, phân tích và xử lý dữ liệu BHXH gửi. Xây dựng phần mềm kiểm tra tình trạng có việc làm từ toàn bộ dữ liệu BHXH gửi về NLĐ giúp thông tin được đồng bộ vào phần mềm BHTN, phần mềm một cửa tạo thuận lợi trong việc kết nối thông tin thông suốt.
Đặc biệt, trong 04 năm gần đây công tác truyền thông về chính sách BHTN, tư vấn GTVL, đào tạo nghề cho đối tượng hưởng BHTN luôn được Trung tâm chú trọng và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhất. Tất cả nhằm mục đích đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cập nhật liên tục các thông tin mới về chính sách GTVL, BHTN, học nghề tới người lao động, DN thông qua mọi hình thức trực tiếp và gián tiếp.
Với những giải pháp đồng bộ nêu trên, công tác giải quyết chế độ hưởng trợ cấp BHTN ở Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương luôn đạt kết quả tốt. Trong 04 tháng đầu năm 2018, đơn vị đã giải quyết 14.452 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền trợ cấp là hơn 179 tỷ đồng; Số người được duyệt hỗ trợ học nghề là 759 người; Số người được tư vấn giới thiệu việc làm là 13.919.
Trong thời gian tới, để việc thực hiện chế độ BHTN đối với người lao động bị mất việc làm đạt hiệu quả hơn nữa, Trung tâm mong muốn Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) sớm có phương án để các Trung tâm dịch vụ việc làm nói chung kết nối được với dữ liệu BHXH, từ đó làm cơ sở cho Trung tâm thực hiện liên thông dữ liệu tăng giảm lao động trong tháng để tính trợ cấp BHTN, dễ dàng tra cứu tình trạng việc làm của người lao động tại tỉnh Bình Dương nói riêng. Đồng thời, phối hợp, thống nhất với Bảo hiểm xã hội VN về việc kết nối dữ liệu bảo hiểm thất nghiệp với dữ liệu về bảo hiểm xã hội để làm cơ sở cho địa phương thực hiện liên thông dữ liệu, dễ dàng tra cứu tình trạng việc làm của người lao động nói chung trong cả nước./.
Mỹ Hạnh