Lao động
Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Thuận: Thực hiện đồng bộ các giải pháp kết nối cung cầu lao động trên địa bàn
09:18 AM 07/07/2020
LĐXH - Trong 06 tháng đầu năm nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Thuận đã tư vấn giới thiệu việc là: 7.326 lượt người, kết nối việc làm thành công là 367 người; trong đó: Việc làm trong nước: 229 người, xuất khẩu lao động: 48 người, lao động hưởng BHTN tự kết nối việc làm: 90 người.

Theo báo cáo của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Ninh Thuận, trong 06 tháng đầu năm 2020 chỉ tiêu giải quyết việc làm mới toàn tỉnh chỉ đạt 38,80% kế hoạch năm (giảm 34,29% so với cùng kỳ) với 6.638 lao động, nguyên nhân do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, thị trường lao động Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề, số lao động mất việc làm liên tục gia tăng trong khi khả năng tạo việc làm cả trong và ngoài nước đều gặp khó khăn. Cụ thể: Lao động trong tỉnh: 1.687 lao động; lao động đi làm việc ngoài tỉnh 4.903 lao động; xuất khẩu lao động 48 lao động, đạt 32% kế hoạch năm 2020; đến cuối tháng 6 năm 2020 tiếp nhận 2.871 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 41,77% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, đã ban hành 2.607 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Các ngành, nghề mất việc làm của thị trường lao động trong tỉnh tập trung vào các nghề như: Xây dựng – Kiến trúc – Gỗ - Trang trí nội thất; May – Giày da – Dệt – Nhuộm – Thiết kế thời trang; Nhà hàng – Khách sạn – Du lịch... với trên 1.510 lao động; số lượng lao động của tỉnh đi làm việc ngoài tỉnh mất việc làm tập trung vào các nghề như: May – Giày da – Dệt – Nhuộm – Thiết kế thời trang; Điện – Điện tử - Điện lạnh – Lắp ráp điện tử - Tự động hoá; Cơ khí – Công nghệ, lắp ráp Ôtô, xe máy... với trên 1.350 người.

Trong thời gian giãn cách xã hội do đại dịch, thị trường lao động bị ảnh hưởng kéo theo cung - cầu lao động cũng gặp nhiều khó khăn (Ảnh minh họa)

Trước tác động của đại dịch đối với nền kinh tế, đời sống của người lao động đứng trước nhiều khó khăn. Trên thực tế, từ số liệu về thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Thuận thì thời điểm cao điểm nhất NLĐ đến với Trung tâm đề nghị hưởng BHTN là tháng 4 và tháng 5 năm 2020. Các phiên giao dịch việc làm định kỳ tại Sàn GDVL cũng phải dừng lại từ sau Tết Nguyên đán để thực hiện giãn cách xã hội. Đến ngày 20/5/2020, hoạt động này chính thức được Trung tâm Dịch vụ việc làm khởi động lại với sự tham gia trực tiếp của 04 doanh nghiệp và 50 NLĐ trở lên tham gia trực tiếp để tổ chức phỏng vấn, kết nối việc làm và có hơn 20 doanh nghiệp ủy quyền cho Trung tâm tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp. Kết thúc phiên, có từ 20 NLĐ trở lên được kết nối việc làm tại Sàn GDVL, tập trung các ngành nghề: kế toán, quản trị kinh doanh, chăm sóc khách hàng, cơ khí, tạp vụ và giúp việc gia đình. Có thể thấy, tỷ lệ kết nối việc làm thành công tại Trung tâm còn thấp, việc hỗ trợ lao động di chuyển còn nhiều khó khăn. Kết quả trong 06 tháng đầu năm nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Thuận đã tư vấn giới thiệu việc là: 7.326 lượt người, kết nối việc làm thành công là 367 người; trong đó: Việc làm trong nước: 229 người, xuất khẩu lao động: 48 người, lao động hưởng BHTN tự kết nối việc làm: 90 người.

Các phiên giao dịch việc làm sẽ được tổ chức định kỳ đáp ứng nhu cầu của người lao động cũng như doanh nghiệp

Từ nay đến hết năm 2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Thuận sẽ tập trung triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ về tư vấn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, BHTN, thông tin thị trường lao động 6 tháng cuối năm được Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội giao. Tổ chức các phiên GDVL định kỳ ngay khi được cấp trên cho phép. Cùng với đó, đơn vị sẽ cùng các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường công tác tìm kiếm, nắm bắt thông tin nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Nâng cao năng lực về kỹ năng tư vấn cho từng cán bộ, nhân viên trong đơn vị; Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức để NLĐ nhận thức một cách đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa của phiên GDVL, giúp họ chủ động và tạo thói quen đến phiên GDVL để tìm kiếm việc làm phù hợp cho mình. Tập trung chuyển đổi hình thức kết hợp gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, cở sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục phổ thông nâng cao hiệu quả nhất trong tư vấn, giới thiệu việc làm, giới thiệu nghề nghiệp và đồng hành với người học và xã hội bằng sản phẩm đầu ra đáp ứng được yêu cầu và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp hoặc phân luồng sau đào tạo; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm bằng nhiều hình thức để cung cấp cho NLĐ những thông tin cần thiết, cập nhật ngành nghề đào tạo, nhu cầu sử dụng, tuyển dụng lao động trong và ngoài tỉnh, mở ra cho NLĐ thêm nhiều cơ hội giải quyết việc làm; đặc biệt sẽ tăng cường liên kết giữa cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thông qua nhiều hình thức hợp đồng liên kết đào tạo và tuyển dụng sau đào tạo./.

Trần Huyền