Xã hội
Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Hà Giang: Thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng
03:14 PM 14/11/2019
Với chức năng cung cấp các dịch vụ công tác xã hội, tiếp nhận, nuôi dưỡng, quản lý các đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người có công với cách mạng; giúp họ tái hòa nhập cộng đồng… thời gian qua, Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) tỉnh Hà Giang đã không ngừng cải thiện chất lượng cuộc sống, thúc đẩy quyền bình đẳng cho các đối tượng BTXH. Nơi đây chính là “ngôi nhà chung” ấm áp cho những mảnh đời không may mắn!
Chúng tôi gặp cụ Nguyễn Thị Sen, hiện đang được chăm sóc tại Trung tâm CTXH tỉnh; tuy đã 95 tuổi, nhưng cụ vẫn rất minh mẫn và tự đi lại được. Được biết, trước đây cụ sống không có nơi nương tựa; năm 2012, cụ được đưa về Trung tâm CTXH tỉnh chăm sóc. Cụ chia sẻ: “Sống ở đây, được các anh chị chăm sóc tận tình, chu đáo, lại có bạn để trò chuyện”. Theo lời kể của các nhân viên làm việc tại Trung tâm, từ ngày vào đây, cụ béo, khỏe hơn; lúc nào cũng tươi cười, vui vẻ với mọi người. Cụ Sen là một trong số 7 người già neo đơn hiện đang được chăm sóc và nuôi dưỡng tại Trung tâm.
Cán bộ, nhân viên Trung tâm thăm hỏi, động viên những người đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại đơn vị
Tận tâm, chu đáo là những điều có thể nhận thấy rõ từ cán bộ, CCVC tại Trung tâm. Cô Nguyễn Thị Nguyệt, làm việc tại Trung tâm từ những ngày mới thành lập. Đến nay, đã hơn 20 năm gắn bó với nghề, cô và những cán bộ đang công tác tại đây là luôn cảm thông, gần gũi, tận tình với mọi người và hết lòng, hết sức cho công việc. Cô Nguyệt chia sẻ: 65 trẻ mồ côi, khuyết tật đang được nuôi dưỡng tại đây, chiếm phần lớn là người dân tộc thiểu số, có cháu lúc mới vào còn nói chưa sõi tiếng phổ thông… Là người trực tiếp chăm lo từ miếng ăn đến giấc ngủ, cô thấy các cháu rất hồn nhiên, vô tư nô đùa, vui chơi nhưng ẩn sâu trong sự ngây thơ, trong sáng là những nghịch cảnh vô cùng thương tâm, đau lòng. Cô chỉ mong các cháu có môi trường sống chất lượng, ấm áp như một gia đình thực sự.
Trung tâm CTXH tỉnh được sáp nhập từ Trung tâm Bảo trợ xã hội và Trung tâm CTXH trẻ em năm 2017. Khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, Trung tâm đã nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn. Đồng chí Vũ Như Chung, Giám đốc Trung tâm CTXH tỉnh cho biết: Hiện tại, Trung tâm đang tiếp nhận, quản lý và chăm sóc, nuôi dưỡng 72 đối tượng; trong đó, có 7 người già neo đơn, 65 trẻ mồ côi và khuyết tật. Trong năm 2017, Trung tâm đã hoàn tất thủ tục trả 7 trẻ mồ côi về tái hòa nhập cộng đồng. Phối hợp với tổ chức nhận con nuôi nước ngoài và Sở Tư pháp xác minh, phê duyệt cho 2 trẻ đi làm con nuôi tại Tây Ban Nha.
Thực hiện công tác tư vấn và phát triển cộng đồng, Trung tâm duy trì công tác trực tổng đài, tiếp nhận, giải đáp các thông tin có liên quan đến các chế độ, chính sách có liên quan đến đối tượng bảo trợ và nạn nhân bị mua, bán từ nước ngoài trở về. Trong năm 2017, Trung tâm phối hợp với Phòng PC 45 Công an tỉnh tiếp nhận, quản lý 20 nạn nhân là phụ nữ bị mua, bán từ nước ngoài trở về. Hiện, Trung tam đã hoàn tất các thủ tục trao trả 19 nạn nhân về địa phương theo quy định; tiếp nhận trên 665 cuộc gọi từ đường dây nóng...
Xác định công tác chăm sóc sức khỏe, khám, điều trị bệnh cho các đối tượng là nhiệm vụ quan trọng; Trung tâm luôn làm tốt công tác kiểm tra vệ sinh ATTP, khám, điều trị bệnh kịp thời cho tất cả các đối tượng. Phối hợp với Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh, Trung tâm Giám định y khoa tỉnh, Công ty Liên hiệp Dược Hà Giang tổ chức khám bệnh, tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí cho các đối tượng tại trung tâm. Cùng đó, Trung tâm còn đẩy mạnh các hoạt động nhằm nâng cao thể chất, tinh thần phù hợp với từng lứa tuổi. Tiêu biểu như các hoạt động: Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em, các hoạt động Hè, các lớp năng khiếu, tham quan, tìm hiểu lịch sử...
Ngoài thời gian học tập, vui chơi thể thao, Trung tâm còn tổ chức cho các đối tượng tăng gia, chăn nuôi để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống như: Trồng cây ăn quả, rau, nuôi lợn, bò. Năm 2017, nguồn thu từ việc chăn nuôi, trồng trọt được gần 28 triệu đồng. Ngoài thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, Trung tâm còn tích cực vận động, kêu gọi hỗ trợ từ các nhà hảo tâm để chăm lo tốt hơn đời sống cho các đối tượng. Trong năm 2017, Trung tâm đã kêu gọi và nhận được hơn 170 triệu đồng.
Thời gian tới, Trung tâm chủ động tham mưu cho Sở LĐ - TBXH trong việc tổ chức tiếp nhận, quản lý và tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng. Thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn sau sáp nhập như: Cung cấp các dịch vụ tư vấn và tham vấn về các lĩnh vực liên quan đến trẻ em; trị liệu phục hồi cho trẻ có vấn đề tâm lý, trẻ khuyết tật, tự kỷ; hỗ trợ đối tượng tiếp cận với các chính sách phúc lợi xã hội…
 
Phạm Hoan