Xã hội
Trung tâm Công tác xã hội Cần Thơ: Địa chỉ của tình thương
04:18 PM 16/03/2021
Bên cạnh việc nuôi dưỡng, giáo dục, dạy nghề cho trẻ em thuộc thành phần dễ tổn thương, Trung tâm công tác xã hội thành phố Cần Thơ còn thực hiện nhiều hoạt động xã hội khác theo nhiệm vụ, chức năng của mình.
Trung tâm công tác xã hội thành phố Cần Thơ (Trung tâm) là một đơn vị sự nghiệp chịu sự quản lý trực tiếp của Sở LĐTBXH với lĩnh vực hoạt động rộng lớn như: cung cấp các dịch vụ xã hội khẩn cấp, tiếp nhận các đối tượng xã hội cần sự bảo vệ khẩn cấp, cung cấp các dịch vụ về giáo dục xã hội và nâng cao năng lực…
Có mặt tại Khu nuôi dưỡng trẻ em nhiễm chất độc Dioxin của Trung tâm công tác xã hội thành phố Cần Thơ (Trung tâm) trong những ngày cận tết Tân Sửu, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì sự khang trang của nó. Công trình này có vốn đầu tư gần 12 tỉ đồng đang vào giai đoạn hoàn tất với đầy đủ các phòng chức năng như phòng tư vấn kết nối cộng đồng, phòng chăm sóc y tế, ngôi nhà chung, bếp ăn, phòng hành chính… đều lát gạch men, môi trường thông thoáng và được trang bị quạt điện, máy lạnh đúng tiêu chuẩn.
Ông Phan Quốc Quyền - Phó Giám đốc Trung tâm tâm sự: “Cơ ngơi được như ngày hôm nay là do sự quan tâm của lãnh đạo thành phố và tấm lòng của các nhà hảo tâm chứ trước đây nó xuống cấp lắm. Nắng nóng, mưa dột mà trẻ em ở đây đa phần đều có sức khỏe không bình thường, rất nhạy cảm với môi trường sống, thương các em lắm”.
Hiện tại Khu nuôi dưỡng trẻ em nhiễm chất độc Dioxin này đang chăm sóc 90 cháu nhưng chỉ có khoảng trên dưới 20 cháu bệnh nhẹ. Còn lại gần 70 cháu không làm chủ được hành vi cá nhân, tiểu tiện trong vô thức nên phải nhờ sự trợ giúp, chăm sóc thường xuyên của nhân viên Trung tâm. Thế nhưng khi hỏi đến công việc thì nhân viên ở đây không ai than vất vả mà chỉ ao ước: “Hiện nay Trung tâm đang thiếu tã lót và sữa chức năng (Ensure) dành cho các cháu bị bệnh nặng. Ngoài phần do ngân sách cấp và các mạnh thường quân hỗ trợ thì mỗi tháng còn thiếu khoảng 15 triệu đồng cho nhu cầu này. Nếu được các nhà hảo tâm chung tay thì quá tốt cho các cháu”.
Nhìn bé Nguyễn Văn Phúc (3 tuổi) bị bại não phải thở oxy thường xuyên, thỉnh thoảng lại lên cơn co giật hay cháu Nguyễn Thị Trang (16 tuổi) vừa được đưa đi mổ tim với chi phí hàng trăm triệu đồng từ nguồn vận động xã hội hóa mới hiểu hết nỗi nhọc nhằn và sự dấn thân của tập thể cán bộ, nhân viên nơi đây.
Hướng nghiệp cho các cháu bệnh nhẹ (làm gia công khung ảnh,khung giấy khen).
 Ông Hồ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm cho biết: Bên cạnh việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, dạy nghề cho trẻ em thuộc thành phần dễ tổn thương, Trung tâm còn có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng khác theo nhiệm vụ, chức năng của mình. Theo đó, trong năm 2020 Trung tâm đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, mô hình mang ý nghĩa thiết thực về công tác xã hội trên địa bàn thành phố như mô hình Câu lạc bộ Tuổi hồng; mô hình Công tác xã hội trong bệnh viện; mô hình Hỗ trợ tâm lý và giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp cho đối tượng đang sống tại Trung tâm; mô hình Công tác xã hội trong trường học…
Ngoài ra, Trung tâm đã phối hợp với phòng Xã hội (Sở LĐTBXH) tổ chức đêm hội Trung thu cho 190 thiếu nhi là hội viên Câu lạc bộ Tuổi hồng của 09 quận huyện và 30 thiếu nhi người dân tộc thiểu số với tổng giá trị số quà trao tặng là 22 triệu đồng. Trao tặng nhằm hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường 42 chiếc xe đạp, 02 suất học bổng (01 suất trị giá 300 ngàn/ tháng, 01 suất 100 USD/ năm cho đến khi các cháu học xong đại học hoặc cao đẳng).
Bên cạnh đó, triển khai mô hình Công tác xã hội trong trường học tại 27 trường THCS ở 09 quận huyện. Tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề cho học sinh 11 trường THCS với nội dung liên quan đến giới, đa dạng xu hướng tính dục và một số vấn đề liên quan đến bắt nạt trong trường học.
Đặc biệt trong năm qua, Trung tâm tiếp tục nâng cấp và phát triển đường dây nóng 18008065 để tiếp nhận các cuộc gọi tư vấn, tham vấn, can thiệp quản lý các trường hợp nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới. Bố trí 02 phòng tạm lánh theo tiêu chuẩn hiện hành về diện tích và trang thiết bị cho nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới trong khi chờ sự can thiệp của các cơ quan chức năng.
Bà Trần Thị Xuân Mai - Giám đốc Sở LĐTBXH thành phố Cần Thơ nhận định: “Công tác xã hội mang tính đặc thù cao nên đòi hỏi người làm công tác này ngoài việc trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ còn phải có tinh thần dấn thân vì cộng đồng. Thành quả đạt được trong năm qua của Trung tâm là một sự nỗ lực rất lớn, đáng được ghi nhận, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu.
Thời gian tới, Ban Giám đốc Sở LĐTBXH sẽ kiến nghị với lãnh đạo thành phố chỉ đạo ngành Y tế xem xét, chỉ đạo các tuyến bệnh viện hỗ trợ miễn, giảm chi phí thanh toán nằm viện điều trị của các đối tượng nuôi dưỡng tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Công tác xã hội- điều này phù hợp với chính sách ưu việt của chế độ ta”.
 
PV