Trung tâm BTXH Thừa Thiên - Huế: "Mái ấm" của bệnh nhân tâm thần
10:06 AM 23/11/2016
(LĐXH) - Những năm qua, với bàn tay nhân ái và tấm lòng nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ y sỹ, hộ lý, công tác điều trị và phục hồi chức năng cho các đối tượng đã có chuyển biến tích cực, an ninh trật tự được đảm bảo.

Trong 30 năm qua, Trung tâm BTXH tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 3.000 lượt bệnh nhân và đã có trên 500 lượt bệnh nhân tái hòa nhập cộng đồng. Hiện nay, có 540 bệnh nhân đang được quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng tại Trung tâm; trong đó, có trên 300 bệnh nhân thường trú tại tỉnh Thừa Thiên Huế và gần 250 bệnh nhân ở tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Điều đáng ghi nhận là hàng năm, có từ 30 - 40 bệnh nhân được trở về gia đình, tái hòa nhập cộng đồng. Do vậy, Trung tâm thật sự là mái ấm và là nơi hồi sinh của những mảnh đời bất hạnh.

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế

Những năm qua, chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng được Trung tâm triển khai trên địa bàn tỉnh đã góp phần phát hiện sớm, điều trị kịp thời những bệnh nhân mắc bệnh tâm thần ngay từ giai đoạn đầu, giúp cho nhiều người bệnh ổn định, hòa nhập với gia đình và cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Hồi tháng 10 vừa qua, Trung tâm đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập (07/10/1986 - 07/10/2016). Kết quả hoạt động của Trung tâm bảo trợ xã hội trong 30 năm qua là thành quả của sự tận tâm, lòng nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ, viên chức Trung tâm.

Để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn. Ngoài ra, cần sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đoàn thể tại các địa phương; xây dựng trung tâm với định hướng chuyển chức năng từ quản lý chăm sóc sang cung cấp dịch vụ công tác xã hội để các bệnh nhân có cuộc sống tốt hơn, trong đó chủ yếu là chữa trị bệnh hiệu quả để có nhiều bệnh nhân tâm thần được trở về gia đình. Đặc biệt là tránh sự kỳ thị phân biệt đối xử với bệnh nhân tâm thần để giúp họ sớm phục hồi, hòa nhập cộng đồng.

Khánh Quyên