Xã hội
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nam Định: Nơi cưu mang những mảnh đời bất hạnh
05:26 PM 21/11/2018
(LĐXH) – Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Nam Định hiện đang quản lý, nuôi dưỡng 144 đối tượng, trong đó có 135 người khuyết tật đặc biệt nặng, 09 đối tượng là người già cô đơn và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, không nơi nương tựa.
Các đối tượng được nuôi dưỡng, điều trị tại Trung tâm là những trường hợp nặng, đã được điều trị ở các bệnh viện khác nhưng không khỏi, không có người thân nuôi dưỡng, chăm sóc, hay lên cơn kích động, tiềm ẩn nhiều phức tạp, rủi ro nguy hiểm cho xã hội. Đối tượng người già không nơi nương tựa tuổi cao, thường xuyên đau ốm, riêng đối tượng người tàn tật, chủ yếu là các trường hợp bị thiểu năng trí tuệ. Mọi sinh hoạt, ăn uống, chữa bệnh… của các đối tượng đều trông cậy vào cán bộ, nhân viên của Trung tâm.
Ngay từ đầu năm, đơn vị đã xây dựng kế hoạch công tác, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, đáp ứng việc tiếp nhận, nuôi dưỡng, điều trị bệnh nhân tâm thần và đối tượng xã hội một cách đầy đủ, chu đáo. Đồng thời rà soát các công việc của từng bộ phận, sắp xếp, bố trí cán bộ làm việc phù hợp và phân công nhiệm vụ cụ thể. Với lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm, đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm luôn tận tình chăm sóc, điều trị cho các đối tượng. Các chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, phục vụ đối tượng đều được Trung tâm thực hiện đúng quy định của Nhà nước.
Ông Mai Quang Việt, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nam Định cho biết: đơn vị luôn chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng phát triển đội ngũ cán bộ, nhân viên có đủ trình độ nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức tự giác cao và luôn tâm huyết với nghề. Bởi lẽ, các đối tượng là người già cô đơn không nơi nương tựa lại thường xuyên đau ốm, sinh hoạt, đi lại khó khăn, lại dễ bị mặc cảm, tổn thương trong suy nghĩ…Chính vì vậy, yếu tố con người tại Trung tâm vẫn là quan trọng nhất trong quá trình xây dựng, phát triển và thực hiện nhiệm vụ trên giao.
Các đối tượng tâm thần trong giờ ăn trưa tại Trung tâm BTXH
Bên cạnh đó, Trung tâm còn từng bước nâng cao chất lượng phục vụ, tích cực cải thiện đời sống cho các đối tượng. Trong điều kiện giá cả tăng cao, không ổn định, đơn vị đã lập kế hoạch chi tiết, phân bổ kinh phí mua lương thực, thực phẩm nhằm đảm bảo cho các bữa ăn đủ chất và lượng, thực đơn thay đổi phù hợp với điều kiện cụ thể hàng ngày, hàng tuần. Ngoài ra, Trung tâm cũng kêu gọi sự quan tâm, hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm để có thêm điều kiện cải thiện đời sống cho đối tượng. Ngoài ra, đơn vị còn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt nhóm để các đối tượng có cơ hội chia sẻ, vui chơi, trao đổi và thiết lập các nhóm bạn với nhau, giúp đối tượng nâng cao nhận thức, xây dựng mối quan hệ, tự tin trong giao tiếp và thể hiện được năng khiếu, tài năng của mình.
Bên cạnh đó, Trung tâm còn thường xuyên mua sắm, thay thế các đồ dùng cá nhân như chăn màn, quần áo; trang bị kịp thời quần áo chống rét cùng nhiều đồ dùng sinh hoạt khác. Đội ngũ nhân viên y tế duy trì thường xuyên việc thăm khám, điều trị bệnh, chủ động liên hệ với Bệnh viện Tâm thần tỉnh để lĩnh thuốc và điều trị có hiệu quả cho các đối tượng tâm thần. Đối với những người già cô đơn, trẻ em khuyết tật, mồ côi…, các cán bộ, nhân viên tại Trung tâm luôn dành cho tình thương yêu, hàng ngày gần gũi, động viên, mang đến cho họ những niềm vui, sự khích lệ, nhất là vào các dịp lễ, Tết. Ngoài việc duy trì chế độ tập luyện, phục hồi chức năng, vệ sinh thân thể, những người còn có khả năng lao động (chiếm khoảng 30% số đối tượng) đều được bố trí công việc hợp lý như nhổ cỏ, quét dọn vệ sinh, chăm sóc rau xanh… để vừa cung cấp thêm nguồn thực phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm cho các bữa ăn hàng ngày và giữ gìn cảnh quan đơn vị luôn sạch đẹp, vừa giúp bệnh nhân tăng cường sức khỏe và hỗ trợ cán bộ, nhân viên Trung tâm giảm bớt gánh nặng và áp lực công việc. Ngoài ra, vào mỗi chiều cuối tuần, bệnh nhân còn được tham gia sinh hoạt tập thể như chơi thể thao, đánh cờ, sinh hoạt nhóm và tổ chức các tiết mục văn nghệ... Nhìn chung, đã có  nhiều đối tượng có những chuyển biến và thay đổi rõ rệt, mọi người luôn có ý thức đoàn kết, yêu thương và giúp  đỡ lẫn nhau cùng với tinh thần hăng say lao động và giữ gìn kỷ luật ngày một cao. Với tình thương, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, Trung tâm thật sự là điểm tựa, là mái ấm của những mảnh đời không may mắn, giúp cho họ vơi bớt những đau đớn do bệnh tật gây ra, xoá đi sự mặc cảm và ngày càng tự tin hơn trong cuộc sống. 
Theo ông Mai Quang Việt, trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phát động tới toàn thể CBCNV trong đơn vị hăng hái thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn. Cụ thể như: Làm tốt và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác quản lý, điều trị nuôi dưỡng và tổ chức lao động phục hồi chức năng cho các diện đối tượng. Hoàn thành tiếp nhận 145 đối tượng theo kế hoạch Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh giao trong năm 2018. Thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý đối tượng; chú trọng công tác an toàn vệ sinh thực phẩm; cảnh quan môi trường trong và ngoài đơn vị; nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người lao động, thực hiện nghiêm quy chế làm việc, quy chế dân chủ của cơ quan.

Hà Giang