Nghiên cứu - trao đổi
Trợ giúp có tính đột xuất nạn nhân thiên tai: Thực trạng và khuyến nghị
11:22 AM 22/08/2016
Hoạt động trợ giúp có tính đột xuất hay cứu trợ khẩn cấp được thực hiện ở hầu hết các nước trên thế giới, vì không phải chỉ có các thảm họa thiên tai mà còn rất nhiều loại rủi ro khác như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, hỏa hoạn, khủng hoảng kinh tế, khủng bố, chiến tranh...
Mặc dù cách tiếp cận và tổ chức cứu trợ đột xuất của các quốc gia có những điểm không giống nhau do có sự khác nhau về các loại hình rủi ro phổ biến, cách thức tổ chức hành chính nhà nước, cách thức tổ chức xã hội và văn hóa, trình độ phát triển, khả năng ngân sách nhà nước hay khả năng huy động cộng đồng…, nhưng hoạt động cứu trợ khẩn cấp lại có nhiều đặc điểm chung là: Đối tượng là nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp của rủi ro, ưu tiên các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương; nhiều nhóm chủ thể tham gia thực hiện các hoạt động cứu trợ khẩn cấp như: Chính phủ, các tổ chức xã hội (phi Chính phủ) và các cá nhân, nhưng Chính phủ luôn là một chủ thể chịu trách nhiệm chính; mức độ nghiêm trọng của thảm họa hay rủi ro thường được đánh giá trên cơ sở quy mô, mức độ thiệt hại do thảm họa hay rủi ro gây ra…
Thực trạng triển khai công tác trợ giúp đột xuất tại Việt Nam
Đối với Việt Nam, là một quốc gia có điều kiện tự nhiên tương đối khắc nghiệt, nhiều loại thiên tai có nguy cơ xảy ra thường xuyên, trên diện rộng; đồng thời cũng là một trong 4 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của hiện tượng khí hậu cực đoan trong hai thập kỷ trở lại đây. Thống kê từ năm 2008[1], mỗi năm, ở Việt Nam, thiên tai cướp đi sinh mạng của hàng trăm người, thiệt hại bình quân khoảng 1,5 tỷ USD, tương đương 1,5% GDP[2]. Theo dự báo, trong thời gian tới, thiên tai sẽ diễn biến ngày càng phức tạp, tần suất tăng lên, cường độ mạnh hơn, nhất là bão, lũ, lụt, hạn hán, sạt lở đất…, đây được xếp vào nhóm thiên tai nguy cơ cao và thường  gây hậu quả lớn. Ví dụ, riêng bão Linda năm 1997, ảnh hưởng trực tiếp tại 21 tỉnh, làm 778 người chết, hơn 1.300 người bị thương và hơn 2.000 người mất tích, thiệt hại kinh tế ước tính 8.000 tỷ đồng; trận lũ năm 1999 ảnh hưởng trực tiếp tại 10 tỉnh, làm 600 người chết, gần 300 người bị thương, gây thiệt hại kinh tế gần 4.000 tỷ đồng; cơn bão Kamuri năm 2008 ảnh hưởng trực tiếp tại 9 tỉnh, làm chết 133 người, gần 100 người bị thương, 34 người mất tích, gây thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng.

Bảng 1: Thiệt hại về người và nhà ở do thiên tai giai đoạn 2011-2015

 

Năm

Số nhà bị sập, đổ, trôi

Số nhà bị hư hỏng

Số người bị chết

Số người bị

thương nặng

(nhà)

(nhà)

(người)

(người)

2011

1.118

437.000

200

206

2012

6.324

339.000

269

440

2013

11.000

851.393

240

733

2014

2.000

42.000

133

145

2015

1.000

21.300

112

115

Nguồn: Báo cáo của Bộ NNPTNT& Bộ LĐTBXH

 

Bên cạnh đó, Việt Nam còn là một nước nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên nên đời sống người dân rất dễ bị ảnh hưởng khi thiên tai xảy ra. Hoạt động trợ giúp người dân bị rủi ro, thiếu đói do thiên tai đã có tính lịch sử lâu đời, thể hiện rất rõ thông qua tư tưởng văn hóa dân gian: “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” hay các hoạt động cấp gạo, cấp tiền cứu tế, lập trại tế bần, phát chẩn để hỗ trợ người dân bị đói ở các vùng bị thiên tai từ thời phong kiến. Hiện nay, hình thức trợ giúp nạn nhân thiên tai do Chính phủ thực hiện, được gọi là trợ giúp đột xuất hay cứu trợ khẩn cấp. Trợ giúp đột xuất được hiểu là sự hỗ trợ đối với cá nhân, hộ gia đình khi cá nhân, gia đình bị thiệt hại do thiên tai để họ chống chịu, khắc phục hậu quả. Bản chất của trợ giúp đột xuất không chỉ đơn thuần là “bù đắp” một phần thiệt hại mà quan trọng hơn là hỗ trợ mang tính cung cấp để đảm bảo sự tồn tại cũng như các điều kiện sống tổi thiểu đối với người dân trong và sau thiên tai…
Bản chất của trợ giúp đột xuất không chỉ đơn thuần là “bù đắp” một phần thiệt hại mà còn hỗ trợ để đảm bảo sự tồn tại cũng như các điều kiện sống tổi thiểu
Chính vì vậy, trợ giúp đột xuất được xem là một phần của hệ thống trợ giúp xã hội ở Việt Nam. Các quy định về cứu trợ khẩn cấp thiên tai từng bước được hoàn thiện và quy định rõ ràng hơn, đặc biệt là Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 đã quy định các nội dung như: Các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn đối với người gặp nguy hiểm tại khu vực thiên tai: Sơ tán người ra khỏi nơi nguy hiểm, ưu tiên đối tượng dễ bị tổn thương; cấp cứu kịp thời người gặp nguy hiểm; tìm kiếm người; lập các trạm cấp cứu để tiếp nhận cấp cứu người bị nạn; tổ chức cứu chữa người bị nạn; bố trí nơi ở tạm thời cho người dân bị mất nhà ở; cấp phát lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nước sạch và nhu yếu phẩm thiết yếu…  Các  hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai: Tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác và hỗ trợ tâm lý để ổn định đời sống của người dân; thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ và đề xuất phương án khắc phục hậu quả; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu khác để phục hồi sản xuất; cung ứng vật tư, hàng hóa thiết yếu và thực hiện biện pháp quản lý giá, bình ổn thị trường… Hoạt động cứu trợ khẩn cấp được thực hiện trong và ngay sau khi thiên tai xảy ra, tập trung vào thực hiện hoạt động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và nhu yếu phẩm thiết yếu khác để ổn định đời sống của người dân, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai.

Mức trợ giúp xã hội đột xuất quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng BTXH:

 

1) Hỗ trợ lương thực:

+ Thiếu đói dịp Tết Nguyên đán: tổng số thành viên x 15kg/thành viên

+ Thiếu đói do thiên tai, mất mùa: tổng số thành viên x 15 kg/thành viên x 1 hoặc 2 hoặc 3 tháng (tùy theo thực tế)

2) Hỗ trợ người bị thương: 10 x chuẩn trợ cấp xã hội (270.000 đồng)

3) Hỗ trợ mai táng phí đối với hộ có người chết: 20 x chuẩn trợ cấp xã hội (270.000 đồng)

4) Hỗ trợ về nhà ở đối với hộ nghèo/khó khăn:

+ Nhà bị hỏng nặng: 15 triệu đồng

+ Nhà bị hỏng hoàn toàn: 20 triệu đồng

+ Nhà phải di dời theo quyết định: 20 triệu đồng
Ngoài ra, Luật Phòng, chống thiên tai cũng quy định cụ thể đối tượng được cứu trợ đột xuất là cá nhân bị thương, hộ gia đình có người bị chết; hộ gia đình, cá nhân bị mất nhà ở, không có lương thực, nước uống và nhu yếu phẩm khác có nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng và sức khỏe. Nguồn lực để cứu trợ khẩn cấp bao gồm lương thực, hàng hóa, thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý nước và môi trường thuộc dự trữ quốc gia; kinh phí dự phòng hằng năm từ ngân sách nhà nước. Đồng thời, quy định trách nhiệm của hộ gia đình và cá nhân trong việc chủ động dự trữ lương thực, nước uống, vật tư và thiết bị xử lý nước, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng dịch theo khả năng để bảo đảm đời sống khi thiên tai xảy ra.
Trên cơ sở hệ thống chính sách pháp luật, hoạt động cứu trợ khẩn cấp thiên tai những năm qua đã được triển khai thực hiện tốt, thể hiện rõ ở các mặt: Các quy định về hỗ trợ đột xuất đối với các đối tượng là hộ có người chết, mất tích; người bị thương; hộ không có nhà ở; người thiếu đói… được thực hiện nghiêm túc. Hỗ trợ lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và một số hàng hóa tiêu dùng thiết yếu khác đảm bảo khá kịp thời, đúng đối tượng... Người dân không gặp khó khăn, rào cản nào trong việc tiếp cận cứu trợ khẩn cấp. Các đối tượng cần cứu trợ đột xuất đã nhận được trợ giúp theo quy định của chính sách pháp luật.

Bảng 2: Số người thiếu đói và gạo cứu trợ đột xuất từ nguồn dự trữ quốc gia giai đoạn 2011-2015

Năm

Số người nhận gạo cứu trợ từ TW

(triệu người)

Gạo cứu trợ từ nguồn dự trữ quốc gia

(tấn)

2011

2,49

70.096

2012

1,95

42.905

2013

4,17

67.223

2014

1,87

28.045

2015

2,10

31.606

Nguồn: Bộ LĐTBXH

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cứu trợ khẩn cấp ở nước ta vẫn  còn một số khó khăn, hạn chế nhất định như: Một số tiêu chuẩn trợ giúp khẩn cấp chưa thật sự hợp lý, rõ ràng về định lượng, ví dụ như định lượng cứu trợ khẩn cấp về nước uống, đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng trong khẩu phần hàng cứu trợ; một số khái niệm chưa thật sự rõ ràng: người mất tích, nhà hư hỏng nặng, thiếu đói… Cứu trợ đột xuất chưa kịp thời, hay nói khác là còn chậm ở một số nơi do khả năng tiếp cận thấp, giao thông gián đoạn, địa hình chia cắt; không có hay không đủ dự trữ tại chỗ, khả năng huy động lực lượng tại chỗ bị hạn chế… Gặp khó khăn trong việc cung cấp và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân trong cứu trợ khẩn cấp về nơi ở, quần áo, dinh dưỡng, nước sạch, thông tin, cứu thương, phòng bệnh, trợ giúp tâm lý… Vẫn còn hiện tượng cứu trợ không đúng đối tượng, thiếu công bằng ở một số địa phương.  Một số nội dung quy định nhưng chưa được triển khai, thực hiện tốt – ví dụ hỗ trợ phục hồi, việc làm, sinh kế sau thiên tai; còn hạn chế trong việc lồng ghép các hoạt động hỗ trợ phục hồi sau thiên tai với các chương trình phát triển.  Công tác điều phối các nguồn lực trợ giúp đột xuất ở nhiều địa phương còn lúng túng gây ra tình trạng thiếu công bằng…

Một số khuyến nghị:

Đổi mới, hoàn thiện trợ giúp xã hội nói chung và trợ giúp đột xuất nói riêng là một yêu cầu quản lý nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của đời sống thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế hội nhập với các tiêu chuẩn và trách nhiệm chung trong cứu trợ khẩn cấp, biến đổi khí hậu. Nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Chính phủ và tăng cường trách nhiệm xã hội đối các hoạt động trợ giúp xã hội, chúng tôi xin nêu ra một số khuyến nghị cụ thể như sau:

Trước mắt, tập trung xử lý các hạn chế, tồn tại trong hoạt động trợ giúp đột xuất, cụ thể là: tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, triển khai thực hiện tốt Luật Phòng, chống thiên tai; triển khai đồng bộ và thống nhất các mức cứu trợ đột xuất theo quy định; nghiên cứu và ban hành hệ thống tiêu chuẩn cứu trợ khẩn cấp, tiếp cận các tiêu chuẩn cứu trợ quốc tế; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra; nâng cao năng lực cán bộ trong hệ thống; khuyến khích và hỗ trợ hình thành các quỹ ở cơ sở, cộng đồng; tăng cường công tác chỉ đạo, điều phối của các cấp chính quyền cơ sở; gắn trợ giúp đột xuất với các chương trình phát triển ở địa phương; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, cải thiện kỹ năng phòng - tránh - ứng phó với thiên tai của nhân dân; nghiêm túc thực hiện phương châm bốn tại chỗ; từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương, sinh kế hộ gia đình phù hợp và thích ứng điều kiện tự nhiên trong bổi cảnh biến đổi khí hậu…

Thứ hai, đẩy mạnh và hoàn thiện cách tiếp cận quản lý rủi ro trong hệ thống trợ giúp xã hội nói chung và trợ giúp xã hội đột xuất nói riêng với các chiến lược và biện pháp Phòng ngừa rủi ro - các hoạt động chuẩn bị được tiến hành trước khi rủi ro xảy ra; Ứng phó rủi ro - các hoạt động tiến hành trong khi rủi ro xảy ra bao gồm cả công tác cứu trợ; và Khắc phục hậu quả rủi ro - các hoạt động tiến hành sau khi rủi ro xảy ra. Đảm bảo tính thống nhất, tính hệ thống của các chiến lược, hoạt động trong Phòng ngừa - Ứng phó và Khắc phục, vì đây là một chuỗi các hoạt động có tính liên kết, quan hệ chặt chẽ với nhau – tăng cường phòng tránh sẽ giảm nhẹ chi phí ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại và giảm thiểu hậu quả do rủi ro gây ra.

Thứ ba, xem xét đổi mới trợ giúp xã hội nói chung và trợ giúp xã hội đột xuất nói riêng một cách toàn diện, theo lộ trình 4 giai đoạn: Cung cấp – Phòng ngừa – Thúc đẩy và Chuyển đổi. Trong đó:

+ Cung cấp: Hướng đến mục tiêu đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn tối thiểu để tồn tại, duy trì cuộc sống thông qua các hoạt động cung cấp, hỗ trợ nhân đạo, hỗ trợ tiền mặt, lương thực, cung cấp các dịch vụ...

+ Phòng ngừa: Tạo ra các cơ chế giảm thiểu rủi ro như bảo hiểm, dự trữ, tiết kiệm, hình thành các liên kết trợ giúp...

+ Thúc đẩy: Hỗ trợ để tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu, tạo các cơ hội và điệu kiện thuận lợi như giảm học phí, hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ phân bón, tăng vốn tín dụng sản xuất…

+ Chuyển đổi: Vượt ra khỏi các nguy cơ rủi ro thông thường, tạo ra những thay đổi cơ bản liên quan đến quyền và thực hiện các quyền cơ bản, ví dụ: cơ hội việc làm mới, đảm bảo lương tối thiểu, đảm bảo điều kiện lao động, tăng cường tham gia bảo hiểm xã hội…

Thứ tư, về tổng thể, đổi mới và hoàn thiện cứu trợ khẩn cấp trong bối cảnh một hệ thống an sinh xã hội toàn diện, phải được lồng ghép hiệu quả với các chương trình hỗ trợ (trợ cấp, an sinh xã hội khác), chương trình phát triển; phù hợp với trình độ phát triển và khả năng ngân sách; hướng đến liên kết khu vực, trước hết trong các hoạt động hỗ trợ nhân đạo…

TS. Thái Phúc Thành


[1] Ủy ban phòng chống thiên tai, báo cáo tình hình thiên tai Việt Nam, 2013

[2] UNDP, báo cáo tác động của thiên tai, hội thảo các nhà tài trợ, Quảng Trị, 2012