Lao động
Triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động đi làm việc ở Nhật Bản
08:09 AM 06/12/2022
(LĐXH) – Việt Nam đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc phái cử người lao động Việt Nam sang tu nghiệp, làm việc tại Nhật Bản sau 02 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Những năm qua, đặc biệt là sau thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, Việt Nam đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ cũng như thúc đẩy việc đưa người lao động sang làm việc ở Nhật Bản.
Ngày 20/6, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổ chức phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) đã ký kết Bản ghi nhớ về chương trình phái cử - tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng Việt Nam sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản.
Thỏa thuận về việc đưa thực tập sinh Việt Nam dang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản được ký kết lần đầu tiên vào năm 2006, được ký lại năm 2010 và năm 2016. Đến nay, hai bên đã tổ chức tuyển chọn, đào tạo và phái cử 7.734 học sinh, sinh viên, thanh niên thuộc 81 huyện nghèo, bãi ngang, ven biển, hải đảo sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản, trong đó có 6.852 thực tập sinh xuất cảnh lần đầu và 882 thực tập sinh tái nhập cảnh.

Ký kết Bản ghi nhớ về chương trình phái cử - tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng Việt Nam sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản

Đây là chương trình phi lợi nhuận với quy trình tuyển chọn đảm bảo thông tin rộng rãi, công khai, minh bạch. Người lao động tham gia chương trình không mất tiền phí dịch vụ, chỉ phải nộp các khoản chi phí cá nhân như xin cấp hộ chiếu, visa, chi phí khám sức khỏe; được hỗ trợ tiền học phí và ký túc xá trong thời gian đào tạo chính thức.
Bản ghi nhớ được ký kết lần này bổ sung thêm một số nội dung để mở rộng đối tượng tuyển chọn và nâng cao quyền lợi cho thực tập sinh tham gia Chương trình như: Mở rộng độ tuổi tuyển chọn từ 18-30 tuổi (trước đây tuyển chọn ứng viên từ 20-30 tuổi); tăng chi phí hỗ trợ tiền ký túc xá trong thời gian đào tạo tại Việt Nam cho người lao động. Cùng với đó, chi trả tiền khuyến khích sự nghiệp cho cả đối tượng thực tập sinh kỹ năng đang thực tập giai đoạn 3 phải dừng chương trình thực tập và về nước giữa chừng vì lý do cá nhân; bổ sung mức chi trả tiền nhà tại Nhật Bản cho thực tập sinh không vượt quá 15% tiền lương cơ bản. 
Trong thời gian từ ngày 04/09 - 08/09/2022, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung dẫn đoàn công tác đã sang thăm và làm việc tại Nhật Bản. Bộ trưởng đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản Kato Katsunobu và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Yashuhiro Hanashi nhằm đẩy mạnh việc phái cử người lao động Việt Nam sang tu nghiệp, làm việc tại Nhật Bản, đặc biệt sau 02 năm chịu ảnh hưởng dịch Covid-19.
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản Kato Katsunobu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Bộ trưởng Kato Katsunobu báo cáo Chính phủ Nhật Bản để cùng thống nhất đề xuất một số nội dung có tính đột phá như: Mở rộng thêm các ngành nghề tiếp nhận nhân lực Việt Nam, nhất là đối với các lĩnh vực mà Nhật Bản thiếu hụt như dịch vụ nhà hành khách sạn, lái xe buýt… Bên cạnh đó, đề nghị phía Nhật Bản đẩy mạnh việc tiếp nhận nhân lực chất lượng có kỹ thuật, chuyên môn, kỹ năng và tay nghề cao hướng đến tương lai trở thành cầu nối phát triển các lĩnh vực ngành nghề công nghiệp, dịch vụ…giữa Việt Nam và Nhật Bản. Bộ trưởng đề nghị phía Nhật Bản xem xét việc miễn thuế cư trú, thuế thu nhập cho thực tập sinh Việt Nam như phía Nhật Bản đang áp dụng cho một số nước phái cử khác.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hội đàm với Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản Kato Katsunobu

Tại buổi hội đàm với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Yashuhiro Hanashi, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đề nghị Bộ Tư pháp Nhật Bản xem xét mở rộng các ngành nghề tiếp nhận thực tập sinh, đồng thời xem xét miễn giảm một số loại thuế cho thực tập sinh Việt Nam.
Nhật Bản là một trong những thị trường lao động trọng điểm mà Việt Nam đang đưa người lao động đến làm việc. Những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chiếm 50% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Đây là một trong những thị trường có điều kiện làm việc và thu nhập tốt nhất, được người lao động Việt Nam ưa thích. Đến nay đã có trên 370.000 thực tập sinh trong tổng số gần 500.000 người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Nhật Bản. Trong 15 nước phái cử thực tập sinh đến Nhật Bản làm việc thì Việt Nam là nước đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh tiếp nhận hàng năm và tổng số đang làm việc.
Hiện nay, Việt Nam phái cử lao động đi làm việc tại Nhật Bản theo các hình thức: Chương trình thực tập sinh kỹ năng; Chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (EPA); Chương trình lao động kỹ năng đặc định; Chương trình lao động kỹ thuật, phiên dịch viên; Lao động xây dựng, đóng tàu. Lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản đã đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, giúp Nhật Bản khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, góp phần vào sự phát triển của mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước./.
Minh Cảnh
Từ khóa: xuat khau lao dong