Lao động
Triển khai các nhiệm vụ trong điều kiện bình thường mới ở Trung tâm Dịch vụ Việc làm Nam Định
05:01 PM 06/12/2021
(LĐXH) - Trung tâm Dịch vụ Việc làm Nam Định trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện đang tổ chức hoạt động tại 04 địa điểm gồm Trụ sở chính – thành phố Nam Định, Văn phòng đại diện huyện Xuân Trường, Văn phòng đại diện huyện Nghĩa Hưng, huyện Văn phòng đại diện Ý Yên.
Sản xuất sản phẩm may mặc xuất khẩu tại Công ty cổ phần Nam Tiến, xã Nam Tiến.

Về thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Trung tâm đã liên tục cập nhật và triển khai nghiêm túc, quyết liệt các Chỉ thị của Thủ tướng, UBND tỉnh Nam Định, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đến toàn thể viên chức và người lao động. Đặc biệt, đơn vị đã chủ động thông báo đến người lao động việc thực hiện tiếp nhận, giải quyết hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, người lao động nhận kết quả hưởng trợ cấp thất nghiệp cần liên hệ với Trung tâm qua các số điện thoại ghi trên phiếu hẹn để được nhân viên Trung tâm xác nhận kết quả và hướng dẫn. 

Tiếp đó, thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm hàng tháng, khi đến hạn thông báo tìm kiếm việc làm hàng tháng theo quy định, người lao động chụp phụ lục “Thông báo về việc tìm kiếm việc làm” gửi qua Zalo của nhân viên Trung tâm để được hướng dẫn hoặc truy cập vào Website: vieclamnamdinh.gov.vn để xem hướng dẫn và tải mẫu. Người lao động thực hiện theo hướng dẫn và gửi phiếu thông báo về việc tìm kiếm việc làm về Trung tâm hoặc các Văn phòng đại diện và Văn phòng ủy thác Bảo hiểm thất nghiệp thuộc Trung tâm.

Thực hiện tiếp nhận hồ sơ, Trung tâm khuyến khích người lao động nộp hồ sơ qua đường Bưu điện, Zalo, email và Website… Và lưu ý với người lao động trong thời gian thực hiện công tác phòng chống dịch, Trung tâm hạn chế thực hiện tư vấn và giới thiệu việc làm trực tiếp cho người lao động. Đồng thời khuyến khích người lao động khi đến liên hệ công tác tại Trung tâm phải cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ theo quy định. Để được hướng dẫn và hỗ trợ việc thực hiện hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp vui lòng liên hệ trong giờ hành chính các ngày trong tuần (trừ các ngày lễ, thứ 7 và chủ nhật) tại 04 địa điểm và địa chỉ zalo của người phụ trách đã được thông báo cụ thể...

Theo số liệu báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm Nam Định, trong năm 2021, toàn tỉnh có 4.022 lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp, 62 lao động nộp hồ sơ đề nghị được hưởng chế độ hỗ trợ học nghề. Trong đó, 3.514 người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, so với cùng kỳ năm số lao động nộp hồ sơ hưởng thất nghiệp giảm 1.252 người với 6 tháng năm 2020 và tập trung chủ yếu trong nhóm từ 26 đến 40 tuổi chiếm  gần 65%...

Theo nhận định của Trung tâm Dịch vụ việc làm Nam Định, phân tích số liệu trên có thể đánh giá: "Trong năm 2021 vừa qua, tỷ lệ lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm 43,3% so với cùng kỳ năm 2020 là do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có chiều hướng phức tạp, một số huyện trên địa bàn lực lượng lao động của Nam Định tập trung đông nhưng hầu hết các huyện đều thực hiện việc giãn cách xã hội. Với các giải pháp quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, đến nay, dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố đã cơ bản được kiểm soát, số người nhiễm đã giảm, nhất là không có các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Dự kiến trong 03 tháng cuối năm số lao động nghỉ việc về quê đăng ký hưởng TCTN hoặc chuyển hướng về Nam Định có thể tăng.

Về tình hình thị trường lao động từ đầu năm đến tháng 11  năm 2021, đối với tình hình tuyển dụng lao động trong tỉnh, hiện tại các công ty, doanh nghiệp đã liên lạc, kết nối với Trung tâm có nhu cầu tuyển dụng hơn 49.000 vị trí việc làm, với mức lương khởi điểm từ 5 triệu đồng/tháng trở lên, tập trung một số ngành nghề như: Giày da,…

Trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, đẩy mạnh công tác tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động đang hưởng TCTN, sớm đưa người lao động đang thất nghiệp quay lại thị trường lao động, giúp họ ổn định cuộc sống, thực hiện chính sách an sinh xã hội,…Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã xây dựng các phương án dự phòng cho tình hình dịch bệnh bùng phát tại địa phương và các tỉnh lân cận trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhằm đảm bảo thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người lao động trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Nam Định đã nỗ lực, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai và chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thực hiện những nhiệm vụ thuộc chức năng nhiệm vụ của mình. Bên cạnh đó, ban hành văn bản gửi các Sở, ngành, UBND các huyện, đôn đốc triển khai, lập dự toán, điều chuyển kinh phí… Đến nay, theo báo cáo của các địa phương, các chính sách hỗ trợ đã phát huy tác dụng giảm bớt một phần khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động và người dân khi mà dịch Covid – 19 diến biến phức tạp…

Công nhân làm việc tại KCN Bảo Minh, tỉnh Nam Định.

Tính đến cuối tháng 11/2021, trong số 12 chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23, Nam Định đã thực hiện khá hiệu quả, trong đó hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng BHTN 346 người; hỗ trợ người lao động hưởng TCTN được tư vấn giới thiệu việc làm 8.207 người; hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp 129 người.

Ngoài ra, hỗ trợ tư vấn đối với người lao động nộp hồ sơ hưởng BHTN 7.938 người và 7.837 người có quyết định hưởng BHTN hàng tháng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện cũng còn xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc do các địa phương đang thực hiện công tác phòng chống dịch, đặc biệt thực hiện theo Quyết định của UBND tỉnh về áp dụng biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, cán bộ xã, phường hiện nay kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, vừa phải thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa tham gia phòng chống dịch, tập trung hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân; hoặc có một số UBND phường bị phong tỏa, nên công tác triển khai chi trả cho đối tượng được hỗ trợ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, đối tượng được hỗ trợ hiện đang ở khu cách ly, phong tỏa nên chưa thể nhận tiền hỗ trợ…

Cùng với việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nam Định còn giải quyết kịp thời các chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), góp phần tích cực hỗ trợ người lao động trong thời gian mất việc, giúp họ sớm ổn định cuộc sống.

Xác định công tác tuyên truyền, hướng dẫn BHTN là công tác trọng tâm trong việc thực hiện chính sách BHTN, Trung tâm đã chủ động phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHTN cho lao động thất nghiệp bằng nhiều hình thức như: tư vấn trực tiếp cho người lao động đến giải quyết chế độ BHTN, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép vào các phiên sàn giao dịch việc làm …. Bên cạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn chính sách BHTN, Trung tâm cũng quan tâm, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề với nhiều hình thức đa dạng. Đồng thời, mở rộng các hình thức hỗ trợ đào tạo nghề, liên kết với các cơ sở dạy nghề có uy tín và chất lượng tổ chức hỗ trợ học nghề cho người lao động; tư vấn cho lao động thất nghiệp đủ điều kiện, sức khỏe, học vấn tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài… Qua đó, đã giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách BHTN cho người lao động mất việc, giúp họ nhanh chóng tìm được việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Để làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngoài việc tổ chức tư vấn và tiếp nhận hồ sơ trực tiếp của người lao động, Trung tâm đã triển khai tăng cường thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết chính sách BHTN qua Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích.

Ngoài ra, còn một số hạn chế trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm chưa đạt hiệu quả cao: tỷ lệ người tìm được việc làm qua trung tâm còn thấp, do nhiều nguyên nhân:

- Tình hình kinh tế xã hội nói chung có nhiều biến động sau thời gian dài chịu tác động của đại dịch Covid-19. Hoạt động của nhiều doanh nghiệp không được ổn định, kéo theo đó số lượng người thất nghiệp gia tăng. Theo đó, hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm của Trung tâm cũng chịu nhiều ảnh hưởng: Hoạt động tư vấn định hướng nghề nghiệp tại các cơ sở dạy nghề, các phiên giao dịch việc làm phải tạm dừng, Hoạt động tư vấn xuất khẩu lao động, tư vấn các chương trình EPS, IM-Japan...  cũng gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhiều lao động đã thi đỗ các chương trình nhưng chưa xuất cảnh được….

- Ngành nghề sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh chưa đa dạng mà chỉ tập trung chủ yếu là may mặc, dệt nhuộm, cơ khí, kinh doanh nhỏ lẻ nên chưa thu hút nhiều lao động; Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là lao động phổ thông và lao động nữ nên việc giới thiệu và giải quyết việc làm cho đối tượng lao động nam, lao động có chuyên môn gặp nhiều khó khăn; Chế độ làm việc và chính sách đãi ngộ của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ như: thời gian; mức lương... chưa đáp ứng được yêu cầu của người lao động nên người lao động không muốn ứng tuyển hoặc có ứng tuyển nhưng khi đã trúng tuyển và làm việc thường không gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

- Nguồn lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp cả về chất lượng và số lượng. Đa số đối tượng lao động là thanh niên nhận thức về vấn đề tìm kiếm việc làm còn nhiều hạn chế, kén việc, ngại khó, ngại va vấp, nhiều trường hợp lao động đến đăng ký tìm việc làm, nộp hồ sơ, tham gia phỏng vấn, trúng tuyển, nhưng khi doanh nghiệp gọi đi làm thì lại từ chối, hoặc đi làm một thời gian ngắn thì tự ý nghỉ việc.

- Đối tượng lao động phổ thông thường tìm việc làm thông qua việc tự giới thiệu cho nhau, do vậy lao động không được tư vấn pháp luật về lao động.

 

Lê Minh