Xã hội
Trang bị kỹ năng cho phóng viên viết về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em
07:05 AM 28/11/2020
(LĐXH)- Từ ngày 26-27/11, tại TP Hải Phòng, Tạp chí Gia đình và Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) đã tổ chức lớp tập huấn về nâng cao truyền thông về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Tạp chí và một số cán bộ phóng viên thuộc các cơ quan báo chí.
Tại đây, các học viên đã được nghe và trao đổi với TS. Hồ Bất Khuất – phụ trách nội dung tạp chí Gia đình và Trẻ em và ông Vũ Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông, Bộ LĐTB&XH, về chủ đề “Các giải pháp nâng cao hiệu quả báo chí – Truyền thông trong việc ngăn chặn xâm hại trẻ em trên báo in, báo mạng”; cũng như làm thế nào để bảo vệ trẻ em trước những cạm bẫy từ môi trường sống hiện nay.
ThS. Phùng Quốc Việt – Tổng Biên tập Tạp chí Gia đình và Trẻ em phát biểu tại lớp tập huấn
Theo ThS. Phùng Quốc Việt – Tổng Biên tập Tạp chí Gia đình và Trẻ em, chủ đề nâng cao truyền thông về bảo vệ, chăm sóc trẻ em là một chủ đề khá rộng. Bởi nói về truyền thông bảo vệ, chăm sóc trẻ em, chúng ta có thể nói về nuôi dưỡng, về chăm sóc thể chất, chăm sóc đời sống tinh thần, về ngăn ngừa phòng chống những tai nạn, rủi ro, những điều không tốt đe dọa cuộc sống, tính mạng của trẻ như tai nạn thương tích, đuối nước, bạo lực trong gia đình, nhà trường; bóc lột lao động, xâm hại trẻ em,... Những nội dung trên lâu nay vẫn được báo chí thông tin, tuyên truyền hướng tới mục đích bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Tổng Biên tập Tạp chí Gia đình và Trẻ em mong muốn nội dung lớp tập huấn cung cấp những kiến thức mang tính lý luận, vừa có tính thực tiễn sâu sắc về làm báo, viết báo vì trẻ em. Qua đó, bồi dưỡng thêm các kiến thức, kỹ năng, nâng cao hiệu quả báo chí – truyền thông... giúp các cán bộ, phóng viên đang công tác tại các cơ quan báo chí, truyền thông làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về trẻ em, phê phán mạnh mẽ những thói hư tật xấu làm hại đến trẻ em; biểu dương những tấm gương tiêu biểu, điển hình trong công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em; định hướng dư luận cũng như kêu gọi toàn xã hội hãy chung tay cùng bảo vệ chăm sóc trẻ em – những mầm non tương lai của đất nước.
Theo TS.Hồ Bất Khuất, nhà báo phải nắm được toàn cảnh trẻ em bị xâm hại.  Muốn viết tốt, viết chắc thì các nhà báo phải nắm vững các vấn đề mình viết. Không ai có thể nắm vững mọi vấn đề nên trong lao động báo chí cũng có sự phân công, nghĩa là có những nhà báo chuyên trách mỗi mảng đề tài khác nhau. Trên thực tế, chúng ta đã có những nhà báo chuyên sâu về vấn đề trẻ em, viết các loại bài nhằm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tốt nhất.
TS. Hồ Bất Khuất và các học viên trao đổi thông tin
“Các nhà báo phải khẳng định: Hậu quả của việc xâm hại tình dục trẻ em rất nặng nề và lâu dài; đồng thời phải tìm ra những nguyên nhân đích thực của việc trẻ em bị xâm hại tình dục. Các nhà báo không làm điều này một mình, mà dựa vào các chuyên gia, đặc biệt là các nhà tâm lý học. Nhà báo phải biết các giải pháp phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Hiện nay, công chúng không thể hài lòng với việc báo chí chỉ phản ánh các sự kiện, thậm chí công chúng cũng không dừng lại ở chỗ báo chí phê phán những hiện tượng tiêu cực; báo chí cần phải làm nhiều hơn nữa, chính là các nhà báo phải biết các giải pháp phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Đương nhiên là các nhà báo cũng không thể làm việc này một mình, mà dựa vào nhiều cơ quan chức năng” – TS.Hồ Bất Khuất nói.
Theo TS.Hồ Bất Khuất, để phòng chống xâm hại tình dục trẻ em hiệu quả, chúng ta nên có 3 nhóm giải pháp: Nhóm chủ trương, chính sách, tư tưởng chỉ đạo; Nhóm các biện pháp cụ thể; Nghiên cứu cơ bản về tình hình, quy mô, tính chất phát triển xã hội để hỗ trợ kịp thời cho nhóm giải pháp thứ nhất và thứ hai.

“Hiện nay, nhiều cơ quan, nhiều người quan tâm tới việc phòng chống nạn xâm hại tình dục trẻ em; họ đều có thể đưa ra các giải pháp của mình. Do vậy, trên thực tế, các giải pháp rất phong phú, đa dạng. Các nhà báo cần tìm ra những giải pháp vừa mang tính tổng thể, vừa cụ thể và gần gũi với cuộc sống hàng ngày để tuyên truyền, giáo dục.
Cần phải xem tất cả các giải pháp đều có giá trị và chúng liên kết chặt chẽ với nhau để mang lại hiệu quả như chúng ta mong muốn. Báo chí cũng cần gợi mở để các giải pháp được hoàn thiện thông qua các hoạt động nghiên cứu, hội thảo khoa học. Các nhà báo biết rõ mỗi hội thảo khoa học là một sự kiện báo chí; cần tận dụng các sự kiện này để tuyên truyền tốt hơn, sâu hơn về việc phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Thực sự là các nhà báo chuyên sâu về vấn đề trẻ em còn rất nhiều việc cần làm để nâng cao hiệu quả công việc của mình, làm cho những bài báo của mình không chỉ có nội dung bổ ích, mà còn hấp dẫn. Đây là việc khó nhưng chúng ta vẫn có thể làm được” – TS.Hồ Bất Khuất chia sẻ.
ThS. Vũ Văn Dũng chia sẻ thông tin tới các phóng viên
Tại đây, Ths. Vũ Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông, Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH cũng đã chia sẻ những kỹ năng tác nghiệp như phỏng vấn, khai thác thông tin, quay hình, chụp ảnh… dành cho phóng viên đối với những trường hợp trẻ bị xâm hại.
Ông Vũ Văn Dũng cho rằng, các cơ quan báo chí cần tham khảo ý kiến tổ chức chuyên môn trước khi nêu hoàn cảnh gia đình, người giám hộ. Đặc biệt lưu ý trường hợp nhạy cảm vì tội phạm, nạn nhân, người giám hộ, người tốt cáo… là thành viên gia đình. Thông tin nếu bị sai lệch, nhạy cảm có thể tạo thêm bi kịch cho cuộc đời các em.
Có ý kiến đề xuất, báo chí có thể đề cập chi tiết vụ việc, nhưng danh tính những người liên quan và địa điểm xảy ra sự việc nên dùng mã số vì quyền lợi của nạn nhân. “Các phóng viên cần nghiên cứu kỹ hơn về quyền trẻ em vì đã có một số báo, một số kênh truyền thông đại chúng mong muốn bảo vệ trẻ em, nhưng vi phạm quyền khác của trẻ em đặc biệt là quyền bảo vệ bí mật đời sống riêng tư. Quyền này quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài và toàn diện của trẻ em. Đừng chỉ vì yêu cầu bảo vệ trẻ em mà quên đi các quyền khác của trẻ” – Ông Vũ Văn Dũng nói.
Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông, Cục Trẻ em cũng cho biết, thời gian qua, Trung tâm đã thực hiện hàng trăm chương trình truyền hình “Vì Trẻ em” phát trên VTV1, VOV giao thông; cũng như giải đáp, tư vấn thông qua Tổng đài 111. Những chương trình này đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong xã hội, cùng cộng động chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Trong  đó phải kể đến tác phẩm “Hãy cho con được làm người” của Trung tâm đã đoạt Huy chương Bạc tại Liên hoàn truyền hình toàn quốc năm 2019.
Ông Vũ Văn Dũng nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất vẫn là bố mẹ phải luôn lưu tâm tới các con. Sai phạm của các con chính là xuất phát từ cha mẹ. Vì thế bố mẹ hãy là người bạn thân thiết, gần gũi các con trong mọi hoàn cảnh”./. 
Dương Thìn