Xã hội
“Trại tâm thần” Vĩnh Bảo – nơi khơi niềm cảm thông
02:01 PM 10/12/2016
Thành thật mà nói, chuyến thực tế tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Vĩnh Bảo do Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp tổ chức đã giúp không chỉ tôi, mà còn nhiều đồng nghiệp khác có được cái nhìn thấu hiểu, sẻ chia hơn về cuộc sống, nỗi vất vả của cả những người chăm sóc cũng như người mắc bệnh tâm thần trong “gia đình” khá đặc biệt này…
Trải lòng cùng người tâm thần
Tiền thân là Trại Tâm thần được xây dựng tại thôn Đan Điền, xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) và nằm cách biệt nép bên bờ đê sông Thái Bình, đến nay Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Vĩnh Bảo đã trải qua 40 năm xây dựng và trưởng thành. Sau nhiều năm nỗ lực, phấn đấu và trải qua muôn vàn khó khăn, Trung tâm đã trở thành nơi khơi niềm cảm thông, chia sẻ, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho những người mắc bệnh tâm thần mãn tính của thành phố Hải Phòng.
Phát thuốc uống hàng ngày cho bệnh nhân tâm thần
Điều bình dị, giản đơn và thiêng liêng mà trong đời ai cũng có thể làm được là trở về nhà với những người thân yêu đang chờ đợi, nhưng với những người tâm thần thì điều đó quá xa vời và khó có thể thực hiện được. Với một thời gian dài đi lang thang vô định trên đường, đói thì nhặt ăn bất cứ thứ gì, muốn ngủ có thể đặt lưng bất cứ đâu mặc cho thời tiết giá lạnh hay oi bức, anh Đinh Hữu Thạnh (sinh năm 1976), xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) được Trung tâm tiếp nhận về chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng. Sau hơn 4 năm ở Trung tâm, anh Thạnh đã trả lời rất rành mạch những gì chúng tôi hỏi như tên gì, ở đâu, có mắc chứng hoang tưởng không… Qua trò chuyện mới biết, anh làm nghề đánh bắt cá ven biển ở quê, lấy vợ được vài tháng thì phát bệnh, chị Lương Thị Oanh (25 tuổi) cũng bỏ về quê tận Thái Nguyên. Anh cười và tâm sự, mới đầu còn được vợ đến thăm gặp, nhưng lâu lắm rồi không thấy quay lại, cũng may là chưa kịp làm giấy đăng ký kết hôn và chưa có gì giằng buộc không thì cuộc sống của vợ mình sẽ càng khó khăn, vất vả.
Qua lời kể của nhiều người lớn tuổi và cán bộ Trung tâm, thời thanh xuân, bà Vũ Thị Tịm (sinh năm 1951), xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng là một cô gái có nhan sắc lại được học hành. Lúc đầu cũng chỉ là những biểu hiện ngây ngô dần dà bệnh càng thêm nặng, mê muội hẳn. Nghe nói khi xưa gia đình bà có mời vài thầy cúng vái, “đuổi tà”nhưng bệnh của bà ngày càng thêm nặng. Bà thường lang thang nơi đầu chợ, trên bãi màu ở quê và sống bằng những con cá, củ khoai, bắp ngô rơi vãi. Mỗi lần bà xuất hiện, ai cũng ái ngại, nhất là những người bán hàng ở chợ. Có lẽ, những trắc trở trong cuộc sống đã dẫn bà đến với “gia đình” đặc biệt này, năm 1983, bà Tịm được Trung tâm đưa về sau những ngày lang thang đó và ở cho đến tận bây giờ. Những lúc tỉnh, bà Tịm cũng muốn về quê, về với gia đình nhưng nhà chẳng còn ai, con cái đi làm ăn xa, cuộc sống còn bộn bề thiếu thốn nên giờ đây bà là một trong số ít người có “thâm niên” tại Trung tâm.
Trải lòng cùng bệnh nhân tâm thần
Trong số 324 đối tượng đang được nuôi dưỡng, chăm sóc, phục hồi chức năng tại Trung tâm mà chúng tôi được gặp gỡ, trò chuyện thì có rất ít người trở về với gia đình và cộng đồng, có chăng chỉ là dịp tết hay gia đình họ có công việc quan trọng. Thực tế là rất nhiều người nhà bệnh nhân đã phó thác phần đời còn lại của bệnh nhân cho cán bộ, nhân viên Trung tâm. Cả trăm bệnh nhân được người nhà đưa đến vì hoàn cảnh riêng tư nhưng cũng chỉ đáo qua thăm vài lần, rồi họ lại gạt nước mắt biệt tích coi như bỏ rơi khúc ruột của mình ở lại nơi đây. Thậm chí có hàng chục bệnh nhân chưa một lần được gặp người thân kể từ ngày bỏ nhà đi lang thang... Dù vậy, nhưng khi những người mắc bệnh tâm thần dừng chân ở Trung tâm này thì họ vẫn được chăm sóc tận tình từ những cán bộ, bác sỹ, nhân viên đầy trách nhiệm và tận tâm.
Tình yêu với công việc đặc biệt
Trở thành cán bộ, nhân viên làm việc trong Ttrung tâm, bên cạnh tình yêu với nghề phải có một tình yêu thương con người thật lớn và cũng quyết tâm vô cùng mới có thể trụ lại được với công việc đặc biệt này. Bác sỹ Nguyễn Đăng Dũng, Phó Phòng y tế của Trung tâm, tâm sự: Nhiều y bác sỹ, nhân viên y tế bị đánh sưng mày, sưng mặt, chửi bới hàng ngày, tuy nhiên do hiểu loại bệnh này nên anh chị em chỉ biết cười vui vẻ và tận tình chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân. Lúc đầu, mình bị đánh cũng thấy bực lắm vì mình chăm sóc, chữa bệnh cho người ta mà lại bị đánh nhưng chẳng lẽ lại đi chấp với họ, nhiều khi bị đánh chửi vẫn phải cười nịnh, dỗ dành. Khám bệnh cho người tâm thần rất khó, đau một đằng họ lại nói một nẻo, nhiều người suốt ngày chỉ đòi tự tử. Mỗi lần uống thuốc thì phải dỗ như dỗ trẻ con. Bữa cơm cũng vậy. nhiều bệnh nhân nhất quyết không ăn, cán bộ Trung tâm lại phải đút cho từng thìa. Một vài bệnh nhân thì cả ngày chỉ ngồi thẫn thờ một góc, không chịu vận động thì lại phải dắt tay lôi đi lòng vòng trong sân. Từ khám chữa bệnh, giờ uống thuốc, lo ăn ngày ba bữa, vệ sinh phòng ngủ... tất tần tật mọi việc lớn nhỏ ở đây đều do cán bộ, nhân viên làm hết. 
Quan tâm chăm sóc từ ăn mặc đến vệ sinh cá nhân cho người bệnh
Các đối tượng được tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng tại Trung tâm hầu hết thuộc đối tượng khuyết tật nặng, gồm các loại bệnh tâm thần phân liệt hoặc rối loạn tâm thần đã được cơ quan y tế chuyên khoa chữa trị nhiều lần nhưng chưa thuyên giảm. Với đặc điểm của bệnh tâm thần mãn tính là chữa không khỏi, thường xuyên có cơn kích động tái phát, bệnh nhân phải uống thuốc chuyên khoa tâm thần duy trì hàng ngày đến hết đời. Khi chữa trị phục hồi, họ thường từ chối uống thuốc, la hét đập phá, trốn chạy, công kích người xung quanh, không tự chủ trong sinh hoạt và vệ sinh cá nhân, không kiểm soát được hành vi, tự hủy hoại bản thân, tự sát gây nguy hiểm cho bản thân, gia đình, người xung quanh và xã hội. Bên cạnh đó, những đợt cấp tính tái phát, các biểu hiện của bệnh lại rất đa dạng và phức tạp, mỗi người bệnh có những dấu hiệu khác nhau, có người nói chửi vô cớ, tấn công lại người chăm sóc, lo sợ người khác hại mình, lầm lì không hoạt động, không ngủ, từ chối ăn uống… nên người mắc bệnh đã không được phục hồi mà ngày càng nặng hơn.
Bác sỹ Trần Thị Hiền, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Vĩnh Bảo, chia sẻ: Do hiểu biết về sức khỏe tâm thần còn hạn chế nên người tâm thần thường bị miệt thị, coi thường, xa lánh. Gia đình người bệnh tâm thần phải chăm sóc dài ngày dẫn đến chán nản, cùng với khó khăn về kinh tế nên đã buông xuôi, nhốt người bệnh, để họ đi lang thang hoặc phó mặc cho xã hội. Mặc khác, do áp lực của cuộc sống, áp lực kinh tế, xung đột mâu thuẫn trong gia đình, xã hội, thiên tai, hỏa hoạn, ô nhiễm môi trường và các nguyên nhân khác nên số người mắc bệnh tâm thần có xung hướng gia tăng. Chính vì vậy, công việc hàng ngày đòi hỏi mỗi cán bộ, nhân viên Trung tâm phải xác định tận tâm, trách nhiệm với từng bệnh nhân và yêu nghề. Trung tâm cũng luôn xác định công tác chăm sóc, điều trị phục hồi chức năng cho người tâm thần là một nhiệm vụ nặng nề, vất vả và dài hơi.
Cùng với Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Vĩnh Bảo, hiện nay, Bệnh viện tâm thần Hải Phòng đang quản lý 8.127 hồ sơ đối tượng tâm thần trên địa bàn thành phố, trong đó có hơn 4.700 bệnh nhân tâm thần phân liệt, trên 3.180 bệnh nhân động kinh, 230 bệnh nhân trầm cảm. Công tác chăm sóc người bệnh tâm thần đang ngày càng trở thành một thách thức lớn và là gánh nặng đối với gia đình, cộng đồng nên rất cần sự chung tay của toàn xã hội.
Trần Thắng