Xã hội
Trà Vinh thiết thực tri ân người có công với cách mạng
10:43 AM 16/08/2018
(LĐXH)- Trải qua các cuộc kháng chiến đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, nhân dân các dân tộc tỉnh Trà Vinh luôn đoàn kết một lòng, đóng góp sức người, sức của để góp phần dành lại độc lập tự do chung của đất nước.
Toàn tỉnh hiện có 65.000 người có công được ghi nhận, tôn vinh, được hưởng trợ cấp ưu đãi của Đảng và Nhà nước. Trong đó, có gần 20.000 liệt sỹ, trên 15.000 đối tượng người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng; gần 10.000 thương, bệnh binh; 3.243 Bà mẹ Việt nam anh hùng (hiện 191 mẹ còn sống đều được các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng đến cuối đời); 12.373 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, 8.814 người và gia đình có công giúp đỡ cách mạng và 3.348 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày; 1.678 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học…
Phòng Người có công (Sở Lao động - TBXH Trà Vinh) tiếp nhận và giải quyết chế độ cho người có công
Phát huy truyền thống Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, tỉnh Trà Vinh luôn chú trọng thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, quan tâm chăm lo cho các gia đình liệt sỹ, thương, bệnh binh và người có công với cách mạng bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, thể hiện trách nhiệm và tình cảm tri ân sâu sắc. Qua đó, kịp thời động viên, tạo điều kiện để họ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, cán bộ, công chức viên chức ngành Lao động - TBXH Trà Vinh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm tổ chức triển khai, thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng chế độ chính sách ưu đãi cho người có công như chi trả trợ cấp hàng tháng, thực hiện chính sách ưu đãi về giáo dục, bảo hiểm y tế, hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm, cải thiện nhà ở cho các đối tượng. Hiện toàn tỉnh có 96,7% gia đình người có công có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn so với mức sống người dân nơi cư trú; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác chăm lo đời sống thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng.
Việc thực hiện chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng thường xuyên được tỉnh quan tâm chú trọng, chế độ trợ cấp hàng tháng được chi trả đầy đủ, kịp thời. Các chế độ khác được thực hiện tương đối toàn diện, nhất là trong các dịp Tết Cổ truyền dân tộc và kỷ niệm ngày thương binh – liệt sĩ 27/7, ngoài việc chuyển quà tặng của Chủ tịch nước đến tận tay các đối tượng người có công kịp thời, Tỉnh ủy, UBND, HĐND, Ủy ban MTTQ tỉnh còn tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, tặng quà bằng tiền mặt cho tất cả người có công trên địa bàn toàn tỉnh. Trung bình mỗi năm, Trà Vinh cũng trích ngân sách gần 10 tỷ đồng để tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình người có công trong các dịp Lễ, Tết.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân còn có nhiều hoạt động chăm lo thiết thực đời sống cho đối tượng chính sách như tặng sổ tiết kiệm, dụng cụ sinh hoạt, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí. Ngoài ra, công tác điều dưỡng, phục hồi sức khỏe cho các đối tượng chính sách và người có công cũng cấp ủy, chính quyền và các địa phương quan tâm thực hiện như tổ chức nhiều đợt điều dưỡng cho các đoàn người có công tập trung tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), huyện Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang); tổ chức các đoàn đại biểu người có công với cách mạng ra thăm Thủ đô Hà Nội và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thực hiện công tác xóa nhà tạm và nhà ở dột nát cho người có công, đến nay, tỉnh đã giải quyết cơ bản về vấn đề nhà ở cho thương binh nặng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình 2 liệt sỹ trở lên, toàn tỉnh đã cơ bản không còn đối tượng người có công sống trong những ngôi nhà tạm bợ. Bằng nguồn kinh phí vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, cùng với ngân sách tỉnh đã xây dựng mới và bàn giao 13.292 căn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách và sửa chữa 272 căn.
Tiếp đó, công tác xây dựng, sửa chữa, tu bổ, nâng cấp các hạng mục nghĩa trang liệt sỹ, đài tưởng niệm liệt sỹ, nhà bia ghi tên liệt sỹ tại các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn cũng được Trà Vinh quan tâm chú trọng. Được sự hỗ trợ của Bộ Lao động - TBXH, những năm qua, tỉnh đã thực hiện tu sửa, nâng cấp mộ, nghĩa trang liệt sỹ thành phố Trà Vinh và các huyện, thị xã trên địa bàn. Hiện toàn tỉnh có 9 nghĩa trang liệt sỹ (trong đó, có 1 nghĩa trang cấp tỉnh, 7 nghĩa trang cấp huyện và 1 nghĩa trang cấp xã) với trên 12.000 mộ liệt sỹ, được gìn giữ và bảo quản trong các nghĩa trang. Tỉnh chủ trương xây dựng mới nghĩa trang liệt sỹ tỉnh tạo thành quần thể thống nhất gắn với khu Di tích Đề thờ Bác Hồ ở ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức (thành phố Trà Vinh) với kinh phí thực hiện là 100 tỹ đồng; trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 5 tỷ đồng và đã thực hiện xong việc di dời mộ từ nghĩa trang ở phường 7 (thành phố Trà Vinh) về nghĩa trang liệt sỹ mới của tỉnh; xây dựng mới 67 nhà bia ghi tên liệt sỹ cho các xã, thị trấn.
Có thể nói, công tác chăm sóc người có công ở Trà Vinh đã khơi dậy được tinh thần tự hào dân tộc, truyền thống, đạo lý tốt đẹp và sự chung sức của cả hệ thống chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân, nhất là giáo dục cho thế hệ trẻ lòng biết ơn và tiếp tục làm tốt công tác chăm sóc người có công, đảm bảo tất cả gia đình người có công được cải thiện nhà ở; tạo mọi điều kiện thuận lợi để gia đình người có công tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống...

Chí Tâm