Xã hội
TPHCM: Triển khai đồng độ nhiều chương trình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
08:46 AM 30/10/2020
(LĐXH) - Với mật độ dân nhập cư đông, đồng thời là đầu mối giao thương của cả nước và quốc tế, nên tội phạm mua bán người thường chọn TP.HCM làm nơi tập kết, trung chuyển đưa người ra nước ngoài. Nhằm hỗ trợ những nạn nhân bị mua bán trở về, từ năm 2016 đến nay thành phố đã triển khai nhiều chương trình lồng ghép an sinh xã hội với công tác dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho các nạn nhân, giúp họ ổn định cuộc sống, góp phần ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bị dụ dỗ, lừa gạt mua bán người ra nước ngoài.

Các Y bác sỹ Phòng khám  đa khoa Đại Phước khám sức khỏe cho chị em

Mua bán người ra nước với ngoài bằng nhiều hình thức

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM, hoạt động mua bán ra nước ngoài thực hiện hành vi bằng nhiều hình thức và thủ đoạn rất tinh vi như: thông qua việc tuyển chọn, chuyển giao để đưa người đi lao động trong nước cũng như đưa lao động ra nước ngoài hoặc môi giới hôn nhân trái pháp luật và ép buộc bán dâm. Đối tượng bọn tội phạm mua bán người lựa chọn chiếm đa số là phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, kiến thức hiểu biết hạn chế từ đó tiếp cận dùng thủ đoạn tạo lòng tin, hứa hẹn giúp đỡ tìm việc làm có thu nhập cao hoặc thông qua hoạt động môi giới hôn nhân, tổ chức “coi mắt, chọn vợ” lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc (trái pháp luật) nhằm lừa nạn nhân rồi thực hiện hành vi mua bán gây rất nhiều khó khăn trong công tác phòng chống mua bán người. Ngoài ra, tội phạm còn dùng nhiều thủ đoạn mua bán trẻ em chúng thường đến những nơi chăm sóc, nuôi dạy trẻ mồ côi, bệnh viện phụ sản, nhà bảo sanh móc nối với nhân viên các cơ sở này để tìm cách tiếp cận, gạ gẫm số phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, mang thai ngoài ý muốn nhằm mục đích mua bán trẻ sơ sinh hoặc mua bán số trẻ có nguy cơ (trẻ bị bỏ rơi sau khi sinh….) gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, từ năm 2016 đến nay  Thành phố đã tiếp nhận 05 nạn nhân (trong đó có 02 nam, 03 nữ) bị mua bán từ Liên bang Nga trở về. Cả 05 trường hợp đều có hộ khẩu từ các tỉnh khác.

Nhiều giải pháp hỗ trợ được triển khai        

Thực hiện Quyết định số 1057/QĐ-LĐTBXH ngày 12 tháng 8 năm 2016 của Bộ LĐ-TB&XH về phê duyệt Đề án “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán” giai đoạn 2016 – 2020”,  Sở LĐ-TB&XH TP với vai trò chủ trì tiểu Đề án 2 “Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Quyết định số 3005/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2016 về ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 3 “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán” thuộc Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn Thành phố.

Chuyển gửi các chị em có nhu cầu đến đăng ký khảo sát học nghề tại Trung tâm Đào tạo nghề tóc L’Oreal

Trên cơ sở đó, các Sở, Ban ngành, UBND và các tổ chức chính trị xã hội từ Thành phố đến quận, huyện, phường, xã, thị trấn căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao đã xây dựng kế hoạch và triển khai công tác phòng chống mua bán người lồng ghép trong nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan, đơn vị. Đồng thời, chủ động xây dựng các chương trình kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mua bán người một cách đồng bộ, đề ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế. Sở LĐ-TB&XH TP.HCM bố trí cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội thuộc Sở để thực hiện công tác tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu, cung cấp các gói dịch vụ hỗ trợ nạn nhân và người chưa thành niên đi cùng nạn nhân; Tạo điều kiện cho nạn nhân và người chưa thành niên đi cùng được tiếp nhận các dịch vụ xã hội cơ bản, chương trình an sinh xã hội, hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống; khuyến khích, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia, hợp tác, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

Ngoài ra, hằng năm Sở LĐ-TB&XH TP chỉ đạo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP phối hợp Trung tâm Hỗ trợ xã hội thực hiện công tác rà soát tình hình cơ sở vật chất để kịp thời nâng cấp, thay thế, bổ sung nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác tiếp nhận và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ theo đúng quy định giúp cho nạn nhân được ổn định tâm lý, an tâm tái hòa nhập cộng đồng. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Sở LĐ-TB&XH TP đã phối hợp với Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Bộ Công an, Công an Cửa khẩu Quốc tế Tân Sơn Nhất, Công an Thành phố tiếp nhận 05 nạn nhân bị mua bán qua Nga. Sau khi tiếp nhận các nạn nhân được tiến hành các thủ tục xác minh, xác định nạn nhân và đã cấp Giấy Chứng nhận về nước cho 05/05 nạn nhân bị mua bán; đồng thời tư vấn tâm lý, cung cấp đầy đủ thông tin về các gói dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân. Trong đó, 01 nạn nhân có nhu cầu được ổn định tâm lý, sức khỏe trước khi về địa phương. Nhằm hỗ trợ nạn nhân, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP bố trí cho nạn nhân ở tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội thực hiện các hỗ trợ theo đúng quy định pháp luật. Sau 03 ngày, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Thuận bàn giao nạn nhân cho gia đình. Đối với 04 nạn nhân còn lại do có nguyện vọng được trở về gia đình nên Sở LĐ-TB&XH TP đã hỗ trợ vé xe, chi phí ăn uống đi đường theo đúng quy định và có văn bản thông tin về nạn nhân gửi về Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Thuận và Cà Mau để có phương án tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, sớm ổn định cuộc sống tại địa phương.

Được biết, từ 2016 đến nay, Sở đã xây dựng kế hoạch phối hợp với quận, huyện và các địa phương tổ chức 15.542 lượt tuyên truyền về Luật Phòng, chống mua bán người và lồng ghép với tuyên truyền Luật phòng, chống ma túy; phòng, chống mại dâm; HIV/AIDS với 753.783 lượt người tham dự; tổ chức 387.180 lượt phát thanh tuyên truyền Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản có liên quan đến công tác tiếp nhận, và hỗ trợ nạn nhân; phát hành 858.259 tờ rơi, pa nô, áp phích cổ động tại cộng đồng dân cư nhằm nâng cao ý thức cảnh giác phòng ngừa cũng như tích cực tham gia tố giác tội phạm hoạt động mua bán người trong quần chúng nhân dân. Đồng thời, tổ chức 36 lớp tập huấn cập nhật, hướng dẫn, triển khai các quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người như: Luật phòng, chống mua bán người; Quyết định; Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người; Quy trình tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân; các kỹ năng làm việc với nạn nhân bị mua bán trở về và triển khai các kế hoạch thực hiện Tiểu đề án 2 “Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về” cho 1.370 lượt cán bộ trực tiếp thực hiện công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cho Trung tâm tiếp nhận nạn nhân, Phòng LĐ-TB&XH và cán bộ chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội quận, huyện và cán bộ phụ trách tệ nạn xã hội các phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố.

Phối hợp các đơn vị có liên quan giới thiệu việc làm cho các chị em

Song song, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP.HCM cũng tổ chức nhiều hoạt động truyền thông về phòng, chống mại dâm, mua bán người với nhiều hình thức, nội dung phong phú như: truyền thông chuyên đề “Sống đẹp” kết hợp với việc chiếu video clip về phòng, chống mua bán người; biểu diễn tiểu phẩm tuyên truyền; gameshow đuổi hình bắt chữ; chương trình đối thoại, trao đổi trực tiếp với đại diện Công an TP, Sở LĐ-TB&XH TP,… về phòng chống mại dâm, mua bán người thu hút hơn 9.450 lượt người tham dự. Đồng thời, tổ chức 03 lớp tập huấn công tác “Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về”; 06 lớp tập huấn Quy trình tham gia can thiệp, hỗ trợ tư vấn tâm lý, hỗ trợ pháp lý, tham gia giám sát, giải quyết các vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em cho 681 cán bộ của Hội LHPN TP và  các quận, huyện phường, xã, thị trấn. Sở Tư pháp Thành phố thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ các Trung tâm nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em trực thuộc Sở LĐ-TB&XH về cách thức lập hồ sơ và danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế, bảo đảm đúng và đầy đủ theo quy định pháp luật; kiểm tra việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, giải quyết đăng ký nuôi con nuôi và hoạt động hỗ trợ kết hôn,… nhằm bảo đảm nguồn gốc trẻ em được giới thiệu làm con nuôi rõ ràng, phòng ngừa hiện tượng mua bán trẻ em và lợi dụng việc kết hôn để mua bán người.

Theo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, thời gian tới Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống mua bán người đến các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với sinh viên, học sinh, phụ nữ thất nghiệp, công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội,… Thường xuyên cập nhật, trao đổi thông tin và phối hợp thực hiện hiệu quả Đề án 3 “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”; Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Đồng thời, xử lý nghiêm các đối tượng tổ chức, môi giới hôn nhân trái phép có yếu tố nước ngoài, xuất khẩu lao động, cho nhận con nuôi nhằm hoạt động mua bán trái pháp luật theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người theo hướng tăng nặng hình phạt đối với loại tội phạm này; Chủ động liên hệ, tiếp cận và thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài khi cần thiết. Tiếp tục tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quận huyện, phường, xã, thị trấn và Trung tâm Hỗ trợ xã hội làm công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về

Đăng Hải