Lao động
TP.HCM tập trung đẩy mạnh nhiều hoạt động hỗ trợ người hưởng trợ cấp thất nghiệp
03:57 PM 04/03/2021
(LĐXH) - Năm 2020, một năm đầy khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, nhưng với quyết tâm cao của toàn thể lãnh đạo, viên chức và người lao động Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM đã đoàn kết vượt khó hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra, trong đó có hoạt động hỗ trợ người lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Nhằm thông tin đến bạn đọc về những hoạt động hỗ trợ người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp trong năm 2020 của Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM, PV Tạp chí Lao động và Xã hội đã có cuộc phỏng vấn Giám đốc Trung tâm Lê Thị Kiều Phượng.

Giám đốc Trung tâm Lê Thị Kiều Phượng báo cáo kết quả thực hiện công tác năm 2020 với đoàn công tác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

PV: Được biết trong năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người lao động bị mất việc làm?

Bà Lê Thị Kiều Phượng: Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, năm 2020 Trung tâm đã thực hiện nhiệm vụ kép vừa giãn cách xã hội theo quy định vừa triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm đã phối hợp với Bưu điện Thành phố, hướng dẫn người lao động nộp hồ sơ qua đường bưu điện. Phối hợp với VNPT Thành phố triển khai cho người lao động đặt số thứ tự làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp qua tổng đài 1080 giúp cho người lao động hiết kiệm thời gian, không phải chờ đợi lâu. Qua đó, việc giải quyết hồ sơ xin hưởng trợ cấp mất việc của người lao động luôn đảm bảo đúng thời hạn và không để xảy ra tình trạng lây nhiễm bệnh Covid-19. Song song đó, Trung tâm đã phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội Thành phố thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động qua hệ thống ngân hàng.

PV: Thời gian đầu năm 2020 do dịch bệnh Covid-19 làm cho nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng phải cho công nhân lao động nghỉ việc hàng loạt, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố đã xuống trực tiếp các công ty tạo cầu nối giải quyết việc làm và hướng dẫn thủ tục nộp đơn xin hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp.

Bà Lê Thị Kiều Phượng: Đúng, những tháng đầu năm 2020 một số Công ty cho rất nhiều người lao động nghỉ việc như Công ty PouYuen Việt Nam, Công ty Huê Phong. Trước tình hình đó, Ban Giám đốc Trung tâm đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn phối hợp với cơ quan, ban ngành đã đến trực tiếp Công ty tư vấn giới thiệu việc làm, tư vấn hỗ trợ học nghề, tư vấn chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Đồng thời, Trung tâm kết nối mời một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đến phỏng vấn trực tiếp người lao động; cung cấp thông tin các công ty có nhu cầu tuyển dụng, thông tin sàn giao dịch việc làm tạo điều kiện để người lao động tiếp cận doanh nghiệp, có cơ hội tìm kiếm việc làm mới.

Đợt đó, Công ty TNHH Pouyuen cho 2.741 người lao động nghỉ việc, trong đó có 224 người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại TP.HCM và 1.592 người có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Tỉnh Long An, có 397 người nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp tại tỉnh Tiền Giang và 528 người có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp tại các tỉnh, thành phố khác. Công ty TNHH Huê Phong cho 2.222 người lao động nghỉ việc, trong đó có 1.052 người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh và 1.170 người có nhu cầu hưởng hưởng trợ cấp thất nghiệp tại các tỉnh, thành phố khác.

 PV: Không chỉ thực hiện hiệu quả những hoạt động trên, trong năm 2020 Trung tâm còn đẩy mạnh các hoạt động giải quyết việc làm và tư vấn học nghề cho người lao động, trong đó có lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Bà Lê Thị Kiều Phượng: năm 2020 Trung tâm đã tiếp nhận 195.450 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 22% so năm 2019. Đến cuối năm, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 191.725 người lao động. Tiếp nhận 642.878 trường hợp đến thông báo tình trạng việc làm. Nhằm giúp người lao động mất việc sớm tìm được việc làm mới quay trở lại thị trường lao động, Trung tâm đã cho điều tra về ngành nghề của người lao động bị mất việc như: điều tra, thống kê ngành nghề, phân loại trình độ tay nghề của người lao động thất nghiệp. Kết quả điều tra cho thấy, nhiều nhất là lao động phổ thông (chiếm 48%); Kinh doanh và quản lý (chiếm 9%); Quản trị và văn phòng (chiếm 9%); Da giầy và may mặc (chiếm 7%); Kế toán (chiếm 6.5%); các ngành nghề khác, chiếm 20,5%.

Trên cơ sở đó, Trung tâm đã tăng cường phối hợp phòng Lao động - Thương binh và xã hội và các đơn vị tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến để kết nối việc làm cho người lao động, trong đó ưu tiên là lao động thất nghiệp và doanh nghiệp tuyển dụng. Trong năm Trung tâm tổ chức 97 phiên sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến, có sự phối hợp với các Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm trong hệ thống, Khu Công nghệ cao, Trường Đại học, Cao đẳng, Trường nghề, Ban Chỉ huy quân sự các quận huyện tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến tạo điều kiện cho nhanh niên, công nhân, sinh viên tốt nghiệp, Bộ đội xuất ngũ trở về địa phương, người lao động tiếp cận doanh nghiệp có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, sớm quay lại thị trường lao động ổn định cuộc sống. Tư vấn việc làm 575.000 lượt người; giới thiệu việc làm 169.000 lượt người, 87.000 người nhận được việc làm.

Người lao động đăng ký hưởng trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm DVVL TP. Hồ Chí Minh

Đểm nổi bật trong việc thực hiện nhiệm vụ kép, trong năm 2020 Trung tâm đã tổ chức 90 phiên giao dịch việc làm trực tiếp vàtrực tuyến để kết nối việc làm cho người lao động và doanh nghiệp. Kế quả, trong năm Trung tâm đã tư vấn việc làm cho 583.000 lượt người; Giới thiệu việc làm cho 170.000 lượt người và đã có 82.000 người nhận được việc làm mới. Bên cạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, đặc biệt là người hưởng trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM đã luôn quan tâm đến công tác tư vấn học nghề cho người lao động.

Trong năm, Trung tâm đã phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rà soát các ngành nghề đào tạo phù hợp nhu cầu xã hội. Trung tâm phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn TP.HCM đào tạo nghề cho người lao động, khi người lao động đến làm các thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp , giúp người lao động nâng cao kỹ năng, tay nghề. Trong năm 2020 Trung tâm đã tham mưu Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố ký ban hành 7.072 quyết định hỗ trợ học nghề cho người lao động thất nghiệp học nghề.Song song những hoạt động trên, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM còn triển khai và đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người lao động và người sử dụng lao động, doanh nghiệp sử dụng cổng thông tin dịch vụ việc làm Quốc gia (ESIP) tạo cơ sở dữ liệu người tìm việc - việc tìm người để thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động, phân tích và dự báo thị trường lao động, nâng cao hiệu suất kết nối cung, cầu trên thị trường lao động. Nâng cấp phần mềm quản lý lao động bổ sung việc khai báo qua Website để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nghiệp không phải cài đặt phần mềm mà có thể khai báo trực tiếp qua Website, đến cuối năm 2021 có 140.000 doanh nghiệp thông báo lao động với 2.450.000 người lao động đang làm việc.PV: năm 2020, một năm khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng phải nói là Trung tâm đã vượt qua và hòa thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.

PV: Bà có thể “bật mí” về những hoạt động trong thời gian tới của Trung tâm, có còn triển khai các hoạt động hỗ trợ người lao động thất nghiệp như năm vừa qua?

Người lao động đăng ký hưởng trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm DVVL TP. Hồ Chí Minh

Bà Lê Thị Kiều Phượng: phát huy kết quả đạt được, thời gian tới Trung tâm tiếp tục chú trọng đẩy mạnh các hoạt động trong lĩnh vực được giao. Dự kiến, năm 2021 Trung tâm sẽ tiếp nhận và giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 160.000 người nộp hồ sơ; 160.000 người có quyết định hưởng Bảo hiểm thất nghiệp; 550.000 lượt người lượt người đến thông báo tình trạng tìm kiếm việc làm. Để hỗ trợ người lao động, Trung tâm đã lên kế hoạch năm 2020 sẽ tổ chức 90 phiên giao dịch việc làm; Tư vấn giới thiệu việc làm: 583.000 lượt người; Giới thiệu việc làm: 170.000 lượt người; 82.000 người nhận được việc làm. Thu thập thông tin cung lao động 180.000 người; thu thập thông tin cầu lao động 21.500 doanh nghiệp. Tăng cường phối hợp phòng Lao động - Thương binh và xã hội và các đơn vị tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến để kết nối việc làm cho người lao động và doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp các cơ sở dạy nghề rà soát các ngành nghề đào tạo phù hợp nhu cầu xã hội. Tham mưu Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành 1.000 quyết định hỗ trợ học nghề cho người lao động thất nghiệp.

Ngoài ra, sẽ tiếp tục triển khai và đẩy mạnh tuyên truyền cho người lao động và người sử dụng lao động, doanh nghiệp sử dụng cổng thông tin dịch vụ việc làm Quốc gia (ESIP) tạo cơ sở dữ liệu người tìm việc - việc tìm người để thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động, phân tích và dự báo thị trường lao động, nâng cao hiệu suất kết nối cung, cầu trên thị trường lao động. Nâng cấp phần mềm quản lý lao động bổ sung việc khai báo qua Website để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nghiệp không phải cài đặt phần mềm mà có thể khai báo trực tiếp qua Website.

Cảm ơn bà!

Đăng Hải ghi