Lao động
TP.HCM: Tập trung đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động
04:18 PM 05/11/2019
(LĐXH) – Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đầu mối giao thương quan trọng trong khu vực, đồng thời là nơi tập trung học tập, tìm kiếm việc làm của người lao động đến từ mọi miền của đất nước. Thị trường lao động của thành phố đang phát triển, các chính sách hỗ trợ tạo việc làm và XKLĐ đã và đang từng bước đi vào cuộc sống.
Giám đốc Công ty CN Cty Hiteco thăm hỏi và kiểm tra nơi làm việc, ăn ở của tu nghiệp sinh do Hiteco  phái cự tại Nhật Bản

Trong những năm qua, cùng với hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, xuất khẩu lao động (XKLĐ) là hoạt động kinh tế - xã hội góp phần cho thành phố Hồ Chí Minh giải quyết giải quyết việc làm và  giảm nghèo có hiệu quả. Thông qua hoạt động XKLĐ, thành phố có thể phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật với nhiều tỉnh, thành phố của các nước trên thế giới, tăng cường việc đào tạo lực lượng lao động kỹ thuật và chuyên gia, nâng dần tỷ trọng lao động xuất khẩu có chất lượng cao trên địa bàn. Nhờ đó, thành phố sẽ có một đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn, có tác phong công nghiệp và kinh nghiệm quản lý, góp phần bổ sung nguồn lao động kỹ thuật cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.        

Theo báo cáo của  Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. HCM, hiện nay, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn thành phố chủ yếu thực hiện theo 03 hình thức: thứ nhất, thông qua chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (gọi tắt là EPS); chương trình thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản; thứ hai, các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; thứ ba, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức hợp đồng cá nhân.

Thành phố hiện có 38 doanh nghiệp và 09 chi nhánh có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đóng trên địa bàn. Hằng năm, các doanh nghiệp đã đưa hàng ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài với các ngành nghề như cơ khí, điện tử, xây dựng, chế biến thực phẩm, đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản, … Qua đó, tạo cơ hội cho người lao động lựa chọn ngành nghề làm việc phù hợp, giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống, đặc biệt giúp những hộ nghèo trên địa bàn thành phố từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trong năm 2019, để đẩy mạnh  hoạt động XKLĐ và tiếp tục giữ vững thị trường XKLĐ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM đã phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan, Ủy ban nhân dân quận-huyện, các doanh nghiệp triển khai các hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trên địa bàn. Điểm nổi bật là hoạt động thông tin, tuyên truyền về chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các quy định hướng dẫn chương trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trên các phương tiên thông tin đại chúng, cơ quan báo đài; tổ chức Hội nghị đối thoại chính sách chuyên đề về công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; phát hành các ấn phẩm tuyên truyền, truyền thông…

Thông tin, tuyên truyền về chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc, Chương trình thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản, Thông tin, giới thiệu các doanh nghiệp có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh để người lao động có nhu cầu đi XKLĐ biết được địa chỉ tin cậy, tìm kiếm, lựa chọn việc làm phù hợp và hạn chế tình trạng người lao động bị một số doanh nghiệp, đơn vị lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền đi XKLĐ.

Người lao động trong giờ học giáo dục định hướng tại Cty Hiteco để đi  làm việc tại Nhật Bản

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn hoạt động XKLĐ những năm qua tại thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy những vấn đề cần được nghiên cứu, có biện pháp giải quyết thấu đáo để nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của XKLĐ trong thời gian tới. Đó là vấn đề chất lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường, chủ yếu do trình độ ngoại ngữ chưa đáp ứng, tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao. Vấn đề người lao động không thực hiện đầy đủ các quy định về xuất khẩu lao động, bỏ trốn, không về nước đúng hạn, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp, trong đó đáng quan tâm ở một số thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan người lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì, giữ và mở rộng các thị trường lao động này, ảnh hưởng đến uy tín của lao động Việt Nam trên thị trường lao động quốc tế. Thành phố chưa có sự kết nối giữa cơ sở đào tạo, đơn vị dịch vụ việc làm và doanh nghiệp xuất khẩu lao động; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ tại một số doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động chưa đạt yêu cầu về tư vấn, tiến hành thủ tục xuất cảnh theo quy định ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người lao động...

Người lao động chưa có việc làm ổn định sau khi về nước. Kỹ năng làm việc, kiến thức, công nghệ mới đã tiếp cận trong quá trình làm việc ở nước ngoài bị mai một, người lao động chưa tận dụng được lợi thế này để tìm một công việc mới phù hợp. Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động không chấp hành việc báo cáo định kỳ cho cơ quan lao động địa phương. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng lao động trên địa bàn thành phố. Do đó, việc tổng hợp, báo cáo phân tích đánh giá về công tác xuất khẩu lao động còn hạn chế.

Để khắc phục những khó khăn và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn thành phố trong thời gian tới, TPHCM tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hình thức tuyên truyền các chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, các thông tin về điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng, chế độ đào tạo, thu nhập của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài... để giúp người lao động nắm bắt và chủ động lựa chọn thị trường lao động phù hợp. Đồng thời, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về thanh tra,  kiểm tra và xử lý đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm các quy định về hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đối với quận-huyện phát huy vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể trong việc thông tin, tuyên truyền về chương trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, trong đó quan tâm triển khai chính sách hỗ trợ người lao động theo Dự án hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Sở tập trung đẩy mạnh công tác  truyên tuyền về chính sách, pháp luật có liên quan, các quy định hướng dẫn chương trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc; chính sách đối với người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn... Sở Lao động - TBXH cũng phối hợp với các sở, ngành, quận-huyện để thông tin, tuyên truyền về những biện pháp chế tài đối với người lao động hết hạn hợp đồng lao động không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc: không được pháp luật Hàn Quốc bảo vệ trong thời gian cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc; không còn cơ hội quay trở lại Hàn Quốc làm việc, học tập, du lịch (vì bị cấm nhập cảnh vào Hàn Quốc). Đồng thời, nếu bị bắt người lao động sẽ bị xử lý theo Luật hình sự của Hàn Quốc và bị trục xuất về nước hoặc bị phạt theo quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng); và không được đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian từ 3 - 5 năm, người thân trong gia đình sẽ bị hạn chế đăng ký đi làm việc tại Hàn Quốc. Đối với phường, xã, thị trấn có nhiều lao động ở lại cư trú bất hợp pháp sẽ bị hạn chế tuyển chọn lao động...

Các tu nghiệp sinh của Hiteco tại Nhật Bản chụp ảnh lưu niệm với cán bộ Công ty Hiteco

Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các Sở, ngành, quận huyện tiếp tục đưa nội dung vận động người lao động về nước đúng thời hạn vào kế hoạch công tác của địa phương và định kỳ đánh giá kết quả thực hiện; chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn tổ chức hội nghị tuyên truyền, vận động, tổ chức họp mặt thân nhân, gia đình có con, em sẽ hết hạn hợp đồng lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn; yêu cầu từng gia đình người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc cam kết với chính quyền địa phương vận động thân nhân về nước đúng hạn; đặc biệt, thông báo đến từng gia đình có thân nhân xuất cảnh đi làm việc tại Hàn Quốc đã hết hạn hợp đồng lao động nhưng không về nước đúng hạn, hiện đang cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc, yêu cầu từng gia đình người lao động vận động, thuyết phục thân nhân trở về nước, trình báo ngay với cơ quan chức năng để làm thủ tục về nước theo quy định.

Ủy ban nhân dân thành phố cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Hội Cựu chiến binh thành phố, Hội Nông dân thành phố, Thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo hệ thống ngành dọc các cấp phối hợp với chính quyền địa phương cùng cấp thực hiện thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật và chương trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc; vận động gia đình người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc thuyết phục thân nhân họ về nước đúng thời hạn.

Để cải thiện chất lượng nguồn cung lao động xuất khẩu, nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ XKLĐ, thành phố cũng yêu cầu các doanh nghiệp có chức năng hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; các đơn vị dịch vụ việc làm trên địa bàn thành phố, cơ sở đào tạo,  Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận - huyện để tạo nguồn lao động có chất lượng cho doanh nghiệp. Thường xuyên nắm bắt, cập nhật các thông tin về nhu cầu tiếp nhận lao động của các doanh nghiệp nước ngoài; xác định thị trường lao động ổn định và thường xuyên của doanh nghiệp để phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề tập trung đào tạo, cải thiện trình độ chuyên môn, tay nghề người lao động đáp ứng theo yêu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, cạnh tranh với lao động các nước khác; đồng thời nâng cao uy tín của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có chức năng XKLĐ cần tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho chuyên viên thực hiện nhiệm vụ của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu đặt ra về công tác xuất khẩu lao động trong thời gian tới.

Vương Hoàng