Xã hội
TP.HCM: Tập huấn công tác chính sách người có công cho cán bộ chuyên trách cấp xã, phường
04:30 PM 04/08/2022
(LĐXH) - Ngày 4/8/2022, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tập huấn về Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng cho cán bộ chuyên trách về LĐ-TB&XH ở các phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố. Tham dự chủ trì hội nghị có ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM.

Bà Trần Thị Anh Đào - Trưởng phòng Người có công, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM thông tin những quy định trong Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng tại hội  nghị 

Phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng là văn bản pháp lý rất quan trọng, thể chế hóa chủ trương, đường lối chỉ đạo của Đảng về công tác ưu đãi người có công với cách mạng, là nền tảng pháp lý cho các cấp chính quyền tổ chức, triển khai chăm lo về vật chất, tinh thần người có công với cách mạng.

Trong 2 ngày, bà Trần Thị Anh Đào - Trưởng phòng Người có công, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM và các báo cáo viên sẽ thông tin, hướng dẫn 7 chuyên đề: công nhận và giải quyết chế độ ưu đãi đối tượng là người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến tổng khởi nghĩa tháng tám năm 1945, bệnh binh, người hoạt động cách mạng, kháng chiến bị nhiễm chát độc hóa học, người hoạt động cách mạng, kháng chiến, giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc bị địch bắt tù đày, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, người có  công giúp đỡ cách mạng; công tác công nhận và giải quyết chế độ ưu đãi đối với nhóm đối tượng là thương binh, liệt sĩ,..; quy định về thực hiện các chế độ ưu đãi khác đối với người có công với cách mạng; quản lý hồ sơ người có công; công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin và công tác quản lý công trình ghi công liệt sĩ; tổ chức, quản lý và sử dụng quỹ đền ơn đáp nghĩa; mức hưởng trợ cấp, phụ cấp, các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Hội nghị có sự tham dự của  đồng chí Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM và hơn 300 cán bộ chuyên trách về LĐ-TB&XH của các xã, phường, thị trên trên địa bài TP.HCM.

Được biết, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) năm 2020 được thông qua ngày 09/12/2020, gồm 07 chương và 58 điều; trong đó, bổ sung 02 chương mới: “Công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ” và “Nguồn lực thực hiện”; bổ sung 10 điều mới và sửa đổi nội dung 41 điều trên cơ sở kế thừa các quy định đã thực hiện ổn định trong thực tiễn thời gian trước. Pháp lệnh mở rộng việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và bổ sung đối tượng người có công và thân nhân, như: người bị địch bắt tù đày do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975; mở rộng đối tượng người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi là vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống.

Pháp lệnh cũng chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng. Các điều kiện, tiêu chuẩn đối với 12 diện đối tượng người có công với cách mạng đã được rà soát kỹ từ thực tiễn.

 Chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân được tập hợp để quy định một cách thống nhất, rõ ràng, cụ thể hơn. Quy định rõ nguyên tắc hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; chế độ trợ cấp mai táng; bổ sung chế độ bảo hiểm y tế và trợ cấp tuất hàng tháng đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ tái giá và quy định mức trợ cấp hàng tháng với Bà mẹ Việt Nam anh hùng bằng 3 lần mức chuẩn, không phụ thuộc vào số con liệt sĩ.

Năm 2021, để hướng dẫn triển khai thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 131/2021/NĐ-CP, Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; trong đó, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công được nghiên cứu xây dựng chặt chẽ, khoa học, ban hành tương đối toàn diện và đầy đủ, kịp thời, đảm bảo chất lượng thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và là cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân của họ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Trương Đăng