Xã hội
TPHCM: Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020
03:54 PM 22/05/2019
(LĐXH) - Sáng ngày 22/5/2019, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm (2016-2018) thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững của Thành phố giai đoạn 2016-2020. Tham dự hội nghị có bà Võ Thị Dung – Phó Bí thư thành ủy TP.HCM, đại diện lãnh đạo UBND TPHCM, các sở, ban ngành, UBND các quận huyện của thành phố.
Các đại biểu phát biểu tham luận tại Hội nghị

Theo báo cáo tại hội nghị, sau 3 năm triển khai, thực hiện (2016-2018) Nghị quyết số 15/2015/NQ-HĐND về phê duyệt Chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố đã giảm đạt so với mục tiêu của Nghị quyết đề ra. Cụ thể, số hộ nghèo, cận nghèo toàn thành phố tính đến cuối năm 2018 là: 3.767 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,19% tổng dân số thành phố (Năm 2016 là 67.090 hộ, chiếm tỷ lệ 3,36%; hộ cận nghèo toàn thành phố là 22.882 hộ, chiếm tỷ lệ 1,15% (Năm 2016 là 48.154 hộ, chiếm tỷ lệ 2,41%). Về hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn Quốc gia: Thành phố không còn hộ nghèo có thu nhập trong chuẩn nghèo Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 (vào cuối năm 2016); cuối năm 2018, còn 94 hộ nghèo có thu nhập trong chuẩn cận nghèo Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, chiếm 0,005% tổng hộ dân thành phố.

Về việc triển khai các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, thành phố đã thực hiện việc hỗ trợ cho vay vốn đối với các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo từ các nguồn như: Qũy xóa đói giảm nghèo với 33.659 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ vượt chuẩn nghèo được vay vốn; Qũy quốc gia về việc làm cho vay từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố với tổng dư nợ cho vay là 1.061,129 tỷ đồng (trong đó, cho vay hộ nghèo có dư nợ 136,328 tỷ đồng, cho vay học sinh, sinh viên có dư nợ 367,436 tỷ đồng; cho vay xuất khẩu lao động có dư nợ 0,556 tỷ đồng; cho vay nước sạch, vệ sinh môi trường có dư nợ 556,405 tỷ đồng..)

Ngoài ra, thành phố đã thực hiện công tác đào tạo nghề ngắn hạn cho 14.496 lao động thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo, giải quyết việc làm cho 36.717 lao động; Thực hiện miễn giảm học phí cho 115.476 lượt học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo với số tiền là 91,245 tỷ đồng; Đã mua và cấp phát  782.733 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ vượt chuẩn cận nghèo, khám chữa bệnh cho 637.956 lượt bệnh nhân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Xây dựng 1.290 căn nhà tình thương, sửa chữa chống dột 1.865 căn, xây mới và sửa chữa 432 căn nhà tình nghĩa; Hỗ trợ tiền điện cho 347.126 lượt hộ nghèo với tổng kinh phí hỗ trợ là 50,120 tỷ đồng. Ngoài ra, nhân dịp lễ, tết thành phố cũng đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 298.245 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ vừa vượt chuẩn nghèo từ năm 2016-2018 với tổng số tiền là 257,715 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đã đạt được thì chương trình vẫn còn tồn tại một số khó khăn như: Một số địa phương, người dân tiếp cận thông tin về chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa được đầy đủ; Lực lượng chuyên trách làm công tác giảm nghèo phường xã, thị trấn thường xuyên thay đổi, trình độ và kinh nghiệm hạn chế;; Công tác thông tin, tuyên truyền chưa được thường xuyên, sâu rộng.

Để tiếp tục thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM trong 2 năm cuối (2019-2020), thành phố phấn đấu thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,7%/năm và giảm tỷ lệ hộ cận nghèo bình quân 0,9%/năm. Đến cuối năm 2020, hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn thành phố giai đoạn 2019-2020 và thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng 3,5 lần so với năm 2011.

Phát biểu tại hội nghị, bà Võ Thị Dung – Phó Bí thư Thành ủy TPHCM đánh giá cao các tập thể cá nhân đã nỗ lực góp sức trong việc thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố cũng như chăm lo cho người nghèo, tạo niềm tin cho người dân thành phố đối với Chương trình giảm nghèo bền vững.

 Bên cạnh đó, thành phố cũng cần phải nghiên cứu, trao đổi để các ngành ở Trung ương và các địa phương có kinh nghiệm, giải pháp hay, đặc biệt là những chính sách giảm nghèo chưa phù hợp cần phải được kiến nghị sửa đổi để TPHCM cùng với cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 10 đề ra”.

Cũng tại hội nghị, một số đại biểu đến từ các quận, huyện cũng đã trình bày một số báo cáo tham luận về kết quả 3 năm (2016-2018) thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn quận, huyện mình và đưa ra một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Lê Việt