Xã hội
TP.HCM: Nhiều mô hình hỗ trợ người lao động làm việc tại các cơ sở dễ phát sinh tệ nạn mại dâm
01:46 PM 21/09/2020
(LĐXH) - Một số cơ sở dịch vụ lưu trú, nhà hàng, quán bar, vũ trường, massage, xông hơi - xoa bóp, y học cổ truyền, hớt tóc gội đầu,... trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh những năm gần đây vẫ diễn biết phức tạp, biến tướng, trá hình phát sinh tệ nạn mại dâm.

Để bảo vệ người lao động (NLĐ) làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, thời gian qua Thành phố đã nhiều dịch vụ cung cấp dịch vụ, tổ chức tư vấn, hỗ trợ học nghề cho những lao động này, đặc biệt là người bán dâm để họ từng bước chuyển đổi việc làm, ổn định cuộc sống.


Tổ chức tư vấn pháp lý chuyên sâu cho chị em tại văn phòng câu lạc bộ “Chúng tôi là Phụ nữ – CLB Sen Xanh”

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP. Hồ Chí Minh, tính đến giữa tháng 6 năm 2020 trên địa bàn Thành phố có trên 8.800 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng, quán bar, vũ trường, massage, xông hơi - xoa bóp, y học cổ truyền day ấn huyệt, cà phê đèn mờ, hớt tóc gội đầu,… dễ phát sinh tình trạng biến tướng, trá hình mại dâm và khiêu dâm, kích dục.

Để hạn chế tình trạng mại dâm biến tướng trong những cơ sở hoạt động kinh doanh những dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mãi dâm như: nhà hàng, quán bar, vũ trường, massage, xông hơi - xoa bóp, y học cổ truyền day ấn huyệt, cà phê đèn mờ, hớt tóc gội đầu,… đầu  năm 2016, Sở LĐ-TB&XH TP. Hồ Chí Minh đã có tờ trình UBND TP và được phê duyệt, ban hành Bản cam kết Phòng, chống tệ nạn mại dâm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn. Qua đó, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với UBND các quận, huyện triển khai, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh những dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mãi dâm đăng lý và thực hiện bản cam kết. Theo bản cam kết, ngoài việc chủ cơ sở kinh doanh phải ký cam kết thực hiện nội quy, chức năng đúng theo đăng ký hoạt động còn phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách hiệm của doanh nghiệp đối với NLĐ; Thông qua các nội dung ký kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và phải tôn trọng danh dự, nhân phẩm của NLĐ. Đặc biệt, trong bản cam kết còn quy định chủ cơ sở  phải lập sổ quản lý lao động, sổ lương, xây dựng thang bảng lương, tổ chức huấn luyện an toàn lao động và thực hiện các quy định khác của pháp luật; Không sử dụng lao động dưới 18 tuổi làm những công việc tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, những công việc ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể lực, trí lực và nhân cách của họ; Thực hiện đầy đủ các chế độ khám sức khỏe định kỳ, đóng bảo hiểm xã hội, tham gia bảo hiểm y tế và bảo đảm các chế độ quy định khác cho người lao động theo quy định của pháp luật,… Song song đó, Sở LĐ-TB&XH TP thường xuyên phối hợp với Đoàn- đội kiểm tra liên ngành văn hóa – xã hội và các cơ quan chức năng tiến hành triểm tra việc thực hiện nội dung cam kết của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn.

Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Du, Chi cục Trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lđ-TB&XH TP. Hồ Chí Minh), việc triển khai Bản cam kết Phòng, chống tệ nạn mại dâm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn còn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân do các địa phương chỉ tập trung vào một số ngành nghề, cơ sở kinh doanh dịch vụ đã có biểu hiện nghi vấn, chưa triển khai rộng rãi đối với các ngành nghề cơ sở kinh doanh dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm. Đặc biệt, nhiều chủ kinh doanh dịch vụ nhạy cảm thường xuyên né tránh, không chịu có mặt tại địa điểm kinh doanh, hoặc ủy quyền lại cho nhân viên quản lý để thực hiện ký cam kết nhưng không có giấy ủy quyền lại cho nhân viên, gây khó khăn cho công tác tuyên truyền, vận động chủ cơ sở đăng ký và thực hiện Bản cam kết.

Để bảo vệ quyền lợi của NLĐ trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm được hiệu quả hơn, giai đoạn 2016-2020, thành phố đã triển khai thí điểm 03 mô hình: “Mô hình tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội của nhóm người bán dâm”; “Mô hình hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của NLĐ làm việc tại cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; “Mô hình hỗ trợ, can thiệp giảm hại đối với nữ lao động đang làm việc tại cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện” trên địa một số quận, huyện. Đồng thời, hợp tác với Tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam thành lập Câu lạc bộ Chúng tôi là Phụ nữ - Câu lạc bộ Sen Xanh. Ban đầu thành lập Câu lạc bộ Chúng tôi là Phụ nữ - Câu lạc bộ Sen Xanh chỉ có 03 thành viên nòng cốt đến nay đã nâng lên 55 thành viên. Qua 5 năm thực hiện Câu lạc bộ này đã tiếp cận, tư vấn được trên 950 lượt chị, em làm việc tại các cơ sở hoạt động dễ phát sinh mại dâm và người bán dâm.

Phối hợp các đơn vị có liên quan giới thiệu việc làm cho chị em muốn chuyển đổi nghề.

Theo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP. Hồ Chí Minh, sau 5 năm thực hiện Dự án thí điểm 03 mô hình, Chi cục đã đồng hành phối hợp với Tổ chức Care tại TP. Hồ Chí Minh và Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội; Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Thành phố tổ hàng chục hội thảo, đợt tập huấn kiến thức cơ bản và nâng cao về kỹ năng tiếp cận truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho các đồng đẳng viên và chị, em tham gia mô hình. Tập huấn về kỹ năng sinh hoạt nhóm về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, kỹ năng vẽ bản đồ, khảo sát điểm nóng cũng như kỹ năng tham vấn, tư vấn cho các thành viên Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ, các thành viên nòng cốt tham gia khảo sát, vận động thành lập nhóm, tư vấn, truyền thông và chuyển gửi các dịch vụ cho người bán dâm… Thông qua các buổi hội thảo, tập huấn và sử dụng các tài liệu trên các đơn vị cung cấp dịch vụ xã hội cải thiện dịch vụ ngày càng thân thiện, đơn giản các thủ tục giúp chị, em tiếp cận dịch vụ dễ dàng hơn; được phổ cập các kiến thức pháp luật cơ bản về phòng, chống mại dâm; phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục, các kỹ năng tự bảo vệ mình tránh bị bạo lực trên cơ sở,...

Đồng thời, phối hợp Hội Luật gia Thành phố tổ chức 20 buổi truyền thông về pháp lý và 20 buổi tư vấn pháp lý chuyên sâu (định kỳ vào chiều thứ 6 hàng tuần tại Văn phòng Hội Luật gia Thành phố) cho người bán dâm tại cộng đồng và lao động nữ đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Các nội dung tuyên truyền như: Quyền lợi của người lao động khi làm việc tại cơ sở dễ phát sinh tệ nạn xã hội, các biện pháp phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, hỗ trợ pháp lý về nhân thân của bản thân và người thân của họ (chồng, con,…), các quy định xử phạt vi phạm hành chính, hướng dẫn thủ tục hành chính trong việc làm lại giấy tờ tùy thân, làm khai sinh cho con, hướng dẫn thủ tục miễn giảm học phí cho con, đăng ký kết hôn trễ hạn, thừa kế, các biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS và đặc biệt là kỹ năng tự bảo vệ khi bị bạo lực tình dục, bạo lực giới.

Ngoài ra, còn phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP đã hỗ trợ cho 7 chị học nghề, đến nay đã hoàn thành khóa học đạt loại giỏi, trong đó có 04 chị được thành Hội hỗ trợ vay vốn 10.000.000 đồng/người từ nguồn Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình theo mô hình nhóm Phụ nữ tín dụng tiết kiệm để phát triển nghề được học. Với nguồn kinh phí phòng, chống mại dâm của địa phương và kinh phí hỗ trợ của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội; Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã phối hợp với Trường dạy nghề Nhân đạo (Quận 3) tổ chức dạy nghề và giới thiệu việc làm cho 15 chị, em có nhu cầu. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Đào tạo nghề tóc L’Oreal đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 25 thành viên Câu lạc bộ Chúng tôi là Phụ nữ - Câu lạc bộ Sen Xanh đủ điều kiện và có nhu cầu học nghề tóc miễn phí đến Trung tâm Đào tạo nghề tóc L’Oreal, kinh phí đào tạo được hỗ trợ hoàn toàn theo Dự án “Làm đẹp để sống - Sống để làm đẹp” do L’Oreal Việt Nam tài trợ với kinh phí 35.000.000 đồng/người/khóa đào tạo. Ngoài ra, Trung tâm này còn hỗ trợ 02 thành viên một số vật dụng để mở tiệm, phát triển nghề được học.

Theo ông Trần Ngọc Du – Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nam xã hội TPHCM cho biết, quá trình triển khai các giải pháp, mô hình đã thấy rõ sự ủng hộ và đồng thuận của chính quyền địa phương, những đơn vị cung cấp các dịch vụ xã hội trong việc triển khai các hoạt động của mô hình; Tạo điều kiện thuận lợi cũng như cung cấp các dịch vụ chất lượng cho các thành viên tham gia mô hình và người lao động làm việc ở các cơ sở, dịch vụ có biến tướng, trá hình dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, góp phần thực hiện tốt chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 – 2020, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Đặc biệt, đã hỗ trợ được một số chị em thay đổi hành vi, tái hòa nhập cộng đồng. Thời gian tới, TPHCM sẽ tiếp tục mở rộng việc tiếp cận, nhân rộng những mô hình hỗ trợ người lao động làm trong các cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tệ nạn xã hội. Đồng thời, thành lập thí điểm thêm nhiều mô hình Câu lạc bộ “Chúng tôi là phụ nữ” – Câu lạc bộ Sen Xanh nhằm hỗ trợ người lao động đang hoạt động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội; tạo điều kiện giúp chị em được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm mới ổn định cuộc sống.

Đăng Hải